Tháo gỡ khó khăn cho các trường học sau khi sáp nhập

Thực hiện việc đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2018, UBND huyện Quỳnh Nhai đã kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, trong đó có các đơn vị trường học. Hiện, các trường đã đi vào hoạt động ổn định, song cũng phát sinh những khó khăn, bất cập cần được xem xét, tháo gỡ.

Khi chưa sáp nhập, Quỳnh Nhai có 45 đơn vị trường học, sau khi sáp nhập giảm xuống còn 34 đơn vị trường học. Việc sáp nhập đã giảm 57 đầu mối tại 11 đơn vị trường học, gồm: Trung học cơ sở 25, tiểu học 29, mầm non 3. Về lãnh đạo, giảm 11 hiệu trưởng và 7 phó hiệu trưởng; 25 tổ trưởng và 19 tổ phó chuyên môn; giảm 11 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, 11 tổ chức công đoàn, 11 tổ chức đoàn thanh niên.

Một giờ học của cô và trò lớp 4A1, Trường TH&THCS Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai).

Một giờ học của cô và trò lớp 4A1, Trường TH&THCS Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai).

Ngay sau khi các đơn vị được sáp nhập, huyện đã chỉ đạo kiện toàn Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn từng cấp học; ban hành các quy chế hoạt động, quy chế quản lý tài sản của nhà trường theo đúng quy định, các đơn vị trường thực hiện tốt chương trình học của bậc tiểu học, bậc phổ thông cơ sở gắn với nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị nhà trường.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, một số đơn vị trường học trên địa bàn gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cấp trường, do các điểm trường xa nhau, 2 cấp học trái buổi và thời gian biểu giữa hai cấp khác nhau; việc sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học do tính đặc thù 2 cấp khác nhau, nên không thể sử dụng chung. Lượng học sinh đông nên giáo viên tổng phụ trách vất vả trong việc tổ chức hoạt động, theo dõi nền nếp học sinh, nhất là việc tổ chức chào cờ đầu tuần, tổ chức hoạt động ngoại khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp tại các điểm trường...

Thầy giáo Phạm Thanh Ngàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Nặm Ét, thông tin: Năm học 2021-2022, nhà trường có gần 1.000 học sinh, học tập tại điểm trung tâm và 12 điểm trường; gần 500 học sinh ăn bán trú. Bảo đảm về hoạt động chuyên môn, nhà trường phân công một Phó hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học và một Phó hiệu trưởng phụ trách khối THCS. Khó khăn hiện nay của đơn vị là một số phòng học đã xuống cấp; khu nhà ăn bán trú còn thiếu, học sinh vẫn phải chia 2 ca để ăn; máy chiếu phục vụ cho việc dạy và học, nhất là việc giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới thiếu. Thêm nữa, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa quy mô cấp trường khó khăn, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phần do các điểm trường quá xa nhau, điểm xa nhất trung tâm khoảng 13 km. Hiện nay, trường đang thiếu giáo viên dạy tiếng Anh và môn Tin học. Trường đang kiến nghị với cấp trên bố trí đội ngũ giáo viên trong năm học 2021-2022 đủ về cơ cấu, về số lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Tại xã Chiềng Khoang, năm 2018, Trường tiểu học và Trường THCS được sáp nhập thành Trường tiểu học và THCS Chiềng Khoang. Năm học 2021-2022, Trường có 78 cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên; 44 lớp học với 1.364 học sinh. Thầy giáo Tòng Hồng Thanh, Hiệu trưởng, chia sẻ: Hiện, phòng sinh hoạt, họp của nhà trường không đáp ứng vì số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên đông. Trường thiếu các phòng học bộ môn của khối trung học cơ sở như: vật lý, sinh, âm nhạc, tiếng Anh; thiếu máy chiếu, ảnh hưởng đến việc dạy và học. Mặt khác, dãy nhà cấp 4, khu tiểu học đã xuống cấp, nhà trường rất mong được đầu tư về cơ sở vật chất.

Bà Lương Thị Tám, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Việc sáp nhập giữa các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã góp phần tinh giản bộ máy biên chế, đổi mới công tác hành chính. Tuy nhiên sau sáp nhập, một số đơn vị gặp khó khăn trong tổ chức hoạt động. Phòng đã tuyên truyền, vận động các trường khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chuyên môn. Đồng thời, tích cực rà soát, ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy và học cho các trường; tạo điều kiện cho quản lý, giáo viên tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ; bố trí giáo viên cho các đơn vị trường học, song cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Cầm Văn An, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Trước đây, toàn tỉnh có 773 đơn vị trường học công lập. Sau sáp nhập còn 540 trường, giảm 233 trường, đạt 77,7% đề án; giảm 293 lãnh đạo và 179 nhân viên. Sau sáp nhập, không chỉ trường học ở Quỳnh Nhai mà các trường hợp ở một số huyện cũng đang gặp khó khăn trong quản lý và tổ chức giảng dạy. Tháo gỡ dần những khó khăn, vướng mắc, ngành tập trung đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị các đơn vị sau sáp nhập, bảo đảm chặt chẽ. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế để các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động trong việc tìm kiếm, khai thác và phát triển các hoạt động sự nghiệp tăng nguồn thu; giao quyền tự chủ (hoặc tự chủ một phần), tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên. Đồng thời, xem xét, có lộ trình cho phép tách trường đối với những trường có nhiều điểm trường, điểm trường xa nhau, đi lại khó khăn, quy mô lớn, số lớp lớn, học sinh đông...

Dẫu còn những hạn chế, song quan điểm chung của huyện Quỳnh Nhai và các nhà trường là thực hiện nghiêm việc sáp nhập trường học, từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà trường để chất lượng giáo dục ngày một được nâng cao.

Hiền Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thao-go-kho-khan-cho-cac-truong-hoc-sau-khi-sap-nhap-43737