Tháo gỡ khó khăn cho công tác pháp y, pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh
Nhiều Trung tâm Pháp y, cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh tại các địa phương nêu bật các khó khăn chung là môi trường vất vả, nhiều áp lực, mức chi bồi dưỡng cho giám định viên chỉ có tính khích lệ, chưa tương xứng với sự lao tâm vì công việc.
Để tìm ra các giải pháp, tháo gỡ dần các khó khăn cho công tác pháp y, pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh, ngày 2/4, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác pháp y, pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc chữa bệnh năm 2023 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì. Tham gia hội nghị còn có đại diện các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao; đại diện nhiều Sở Y tế và Công an tỉnh/thành phố; các tổ chức pháp y, pháp y tâm thần và cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh trong cả nước.
Nhiều áp lực trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần
Trong một ngày diễn ra hội nghị, nhiều báo cáo, tham luận đã được trình bày ngắn gọn, súc tích và có giá trị thực tiễn cao.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, trong những năm qua, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với Bộ Y tế trong triển khai hoạt động lĩnh vực pháp y. Riêng ngành y tế, hệ thống pháp y, pháp y tâm thần, cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh đã làm việc cẩn trọng, bảo đảm an sinh xã hội và nhiệm vụ chính trị của ngành y tế.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần vẫn còn nhiều khó khăn, nhân viên làm việc trong môi trường độc hại và chịu nhiều áp lực tâm lý. Cơ chế chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ chuyên ngành pháp y hiện chưa phù hợp và tương xứng với đặc thù công việc, chưa thu hút được cán bộ đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, giám định viên pháp y. Do vậy, một số Trung tâm pháp y được thành lập nhưng cán bộ vẫn còn kiêm nhiệm hoặc từ các cơ sở y tế chuyên ngành khác chuyển sang, ít có kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Luật tố tụng hình sự và Quy trình giám định pháp y quy định thời hạn giám định rất chặt chẽ nên đã tạo áp lực không nhỏ cho giám định viên khi thực hiện giám định pháp y. Các vụ việc giám định pháp y, pháp y tâm thần ngày một phức tạp ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của giám định pháp y…Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác pháp y, pháp y tâm thần…vẫn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô và chức năng nhiệm vụ được giao, nhiều nơi phải đi mượn trụ sở.
Theo BSCKII Lâm Văn Thành - Viện Pháp y tâm thần Trung ương, riêng năm 2022, Viện Pháp y tâm thần Trung ương đã tiếp nhận và thực hiện giám định cho 496 trường hợp các vụ án hình sự; 353 trường hợp giám định vụ án hành chính, vụ việc dân sự…trong quá trình hoạt động, nhân viên giám định pháp y luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật và quy chế chuyên môn. Thế nhưng, hiện nay, nhiều khó khăn, thách thức vẫn đang hiện hữu như: Đối tượng đến giám định rất đa dạng, có đối tượng đồng ý vào theo dõi giám định, có đối tượng chống đối, nhất là đối tượng đang được tại ngoại, đối tượng là bị hại. Đối tượng vào theo dõi giám định thường không được dùng thuốc, vì thế trong thời gian theo dõi giám định do yếu tố bệnh lý chưa được điều trị dễ va chạm, đánh nhau…Khi đối tượng kết thúc việc theo dõi giám định, Viện Pháp y tâm thần Trung ương đã ban hành kết luận giám định, thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng đến tiếp nhận đối tượng, tuy nhiên một số cơ quan tiến hành tố tụng chậm trễ trong việc tiếp nhận đối tượng, dẫn tới đối tượng nằm tại Viện dài ngày…Số vụ việc giám định ngày càng tăng, việc thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm giám định viên pháp y tâm thần rất khó khăn, áp lực.
Tham luận của nhiều Trung tâm Pháp y, cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh tại các địa phương cũng nêu bật các khó khăn chung là môi trường vất vả, nhiều áp lực, mức chi bồi dưỡng cho giám định viên chỉ có tính khích lệ, chưa tương xứng với sự lao tâm vì công việc.
Đối với lĩnh vực pháp y của lực lượng vũ trang, cơ sở vật chất và máy móc, thiết bị được đầu tư, trang bị cơ bản đảm bảo, đáp ứng yêu cầu công tác nhưng vẫn còn một số đề xuất. Lãnh đạo Trung tâm Giám định Pháp y (thuộc Viện Khoa học - Hình sự - Bộ Công an) cho biết, toàn lực lượng Pháp y Công an nhân dân hiện có 392 cán bộ trực tiếp làm công tác pháp y (trong đó có 301 bác sĩ, 201 giám định viên pháp y, 100 bác sĩ pháp y đang chờ bổ nhiệm giám định viên, 91 kỹ thuật viên và trợ lý giám định pháp y). Trang bị, phương tiện phục vụ pháp y đáp ứng được yêu cầu công tác như: va-ly khám nghiệm tử thi, bộ đồ mổ, cưa điện, máy ảnh, máy quay camera, máy xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, xét nghiệm ma túy, xét nghiệm độc chất…Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn như hơn 90% số vụ giám định pháp y tử thi được tiến hành ngay tại hiện trường, tại cơ sở y tế, thậm chí ngay tại nhà dân…việc làm này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa mất mỹ quan, ảnh hưởng nhiều tới tâm lý cán bộ trực tiếp giám định và người thân. Chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ pháp y đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thỏa đáng với cống hiến và đóng góp của họ.
Sớm tháo gỡ khó khăn cho pháp y, pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc chữa bệnh
Sau khi lắng nghe tham luận, ý kiến các đại biểu về cả lĩnh vực Pháp y; Pháp y tâm thần; Bắt buộc chữa bệnh, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã kết luận và đưa ra nhiều giải pháp để các lĩnh vực này đảm bảo hoạt động trong thời gian tới.
Trước mắt, thống nhất đề xuất Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa 3 Cơ quan trong quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an ninh, an toàn cho các cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh và cán bộ y tế; giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tham mưu, hoàn thành trước 30/5/2023.
Tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; Bổ sung các chính sách đặc thù thu hút cán bộ làm công tác pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cán bộ về quản lý và chuyên môn nghiệp vụ. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đảm bảo nâng cao chất lượng giám định và bắt buộc chữa bệnh.
Đề nghị mỗi cán bộ quản lý, cán bộ công tác trong ngành pháp y nghiên cứu kỹ các văn bản Luật, các quy trình chuyên môn của Bộ Y tế đảm bảo ban hành các kết luận giám định khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát của nội bộ đơn vị, trong ngành, liên ngành nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với các cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh phải rà soát, sắp xếp riêng khoa/khu/buồng điều trị đối với người bệnh bắt buộc chữa bệnh: các đơn vị đã thành lập khoa điều trị bắt buộc chữa bệnh cần hạn chế thấp nhất việc để bệnh nhân tâm thần thông thường điều trị chung với người bệnh bắt buộc chữa bệnh; bố trí riêng khu bệnh nhân nam - nữ; các đơn vị chưa thành lập khoa điều trị bắt buộc thì rà soát, củng cố đảm bảo đủ điều kiện và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với việc chuyển viện, chuyển tuyến khám chuyên khoa tại các bệnh viện chuyên khoa thì các cơ sở bắt buộc chữa bệnh nghiêm túc thực hiện theo quy định tại Quyết định số 5091/QĐ-BYT của Bộ Y tế "Ban hành tạm thời quy trình tiếp nhận, điều trị và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh"; đồng thời báo cáo về Bộ Y tế; Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Vụ 8) đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bệnh nhân.
Đối với Bộ, ngành, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong lĩnh vực y tế nói chung và pháp y, pháp y tâm thần, bắt buộc chữa bệnh nói riêng. Đề nghị Bộ Công an có văn bản chỉ đạo cơ quan Công an các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các cơ sở bắt buộc chữa bệnh đóng trên địa bàn.
Đối với UBND các tỉnh/thành phố, cần chỉ đạo các Sở, ngành quan tâm bố trí trụ sở, kinh phí, nhân lực, chế độ đãi ngộ đặc thù của địa phương đối với lực lượng làm công tác pháp y thuộc ngành Y tế và ngành Công an trên địa bàn.