Tháo gỡ khó khăn cho đơn vị sau tái lập

Sau hơn 4 tháng tái lập và hoạt động trở lại, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vân Hồ đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, hướng nghiệp cho học viên.

..

..

Các phòng học của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vân Hồ hiện đã xuống cấp.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vân Hồ có diện tích 10.000 m², gồm 9 phòng học, cơ sở vật chất hiện tại là của Ban Chỉ huy quân sự huyện Vân Hồ cũ. Trung tâm được giao 7 biên chế, nhưng hiện chỉ có 1 cán bộ quản lý và 3 giáo viên, 4 lớp học với 96 học viên. Tuy vậy, hiện nay số học viên đang theo học hệ giáo dục thường xuyên chỉ có 38 học viên được chuyển từ Trường THPT Vân Hồ và THPT Mộc Hạ, còn lại 58 học viên là hệ tự học có hướng dẫn. Hiện, các công trình được bàn giao đều là nhà lắp ghép, đã xuống cấp, hư hỏng nặng; tất cả trang thiết bị đều đi mượn…

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Đơn vị đang phải mượn toàn bộ bàn, ghế, bảng, bàn làm việc và máy vi tính của Trường THPT Vân Hồ; thuê 4 giáo viên môn Lịch sử, Sinh học, Địa lý, Vật Lý của Trường THPT Vân Hồ đến giảng dạy. Nếu như không được đầu tư sớm cơ sở vật chất và bố trí giáo viên, thì trong năm học tới đây, Trung tâm sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, thậm chí có thể không tuyển sinh đủ chỉ tiêu để duy trì hoạt động.

Hiện nay, Trung tâm đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới nội dung và phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường. Xây dựng kế hoạch phân luồng học viên theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế, tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tập trung tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học viên, phân tích, làm rõ yêu cầu và sự cần thiết của việc phân luồng. Chỉ đạo, khuyến khích và tạo điều kiện đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, thường xuyên tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém bổ sung những kiến thức bị rỗng, củng cố những kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh. Tiếp tục rà soát lại nội dung chương trình giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tinh giản, vững chắc để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp thu bài học và đạt kết quả cao trong các kỳ thi lên lớp, tốt nghiệp. Chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân trên địa bàn và nhu cầu học nghề của người lao động để thực hiện công tác tuyển sinh phù hợp, liên kết đào tạo nghề theo nhu cầu.

Cô giáo Triệu Thị Hà chia sẻ: Trong quá trình xây dựng bài giảng, chúng tôi đã định hướng tới năng lực của học sinh, vì vậy tập trung vào phần kiến thức nhận biết, thông hiểu. Đối với học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp, giáo viên đã biên soạn tài liệu dựa trên các chuyên đề, nên chúng tôi hy vọng các em cố gắng ôn luyện tốt để đạt được thành tích tốt nhất trong kỳ thi tới.

Cùng với sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của cán bộ, giáo viên, rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành để Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vân Hồ tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, đào tạo, trở thành điểm giáo dục, dạy nghề tin cậy của người dân trên địa bàn.

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thao-go-kho-khan-cho-don-vi-sau-tai-lap-39937