Tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy điện khí hóa lỏng Bạc Liêu

Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu là dự án điện quy mô lớn lần đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập). Vì vậy cần phải có cách tiếp cận mới trong việc đàm phán các thỏa thuận của dự án để rút ngắn thời gian chuẩn bị, đảm bảo đưa vào vận hành năm 2027-2028.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đi kiểm tra dự án. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đi kiểm tra dự án. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu có tổng công suất 3.200 MW, tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD).

Tổ hợp nhà máy phát điện trên bờ được đặt tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình với diện tích 40 ha; tổ hợp kho cảng LNG nằm trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu (diện tích 100 ha), cách vị trí nhà máy điện 35 km. Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư dự án và Tập đoàn Bechtel (Hoa Kỳ) là tổng thầu EPC của dự án.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, dự án sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư vào cuối tháng 12/2020 và triển khai các công việc tiếp theo, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trước tháng 12/2027.

Hiện tại nhà đầu tư đang quyết liệt thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư theo đúng cam kết, quy định trong quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đảm bảo về mặt tiến độ. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, đã có một số rủi ro nằm ngoài ý muốn của nhà đầu tư có thể dẫn đến chậm tiến độ dự án theo Quy hoạch điện VII.

“Nguyên nhân bởi dịch COVID-19 kéo dài làm hạn chế đi lại của các chuyên gia kỹ thuật bắt buộc phải vào Việt Nam để triển khai các công việc cần thiết”, ông Dương Thành Trung nói.

Bên cạnh đó, việc thẩm định, phê duyệt, cấp phép kịp thời theo quy định pháp luật của các cơ quan thẩm quyền Việt Nam; việc triển khai dự án đường dây truyền tải 500 kV đưa điện từ nhà máy lên lưới đúng tiến độ và đặc biệt là việc đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện PPA với EVN khoảng tháng 10/2020 là căn cứ, điều kiện tiên quyết để các tổ chức tín dụng cấp vốn cho dự án.

Rút ngắn thời gian chuẩn bị bằng cách tiếp cận mới

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ Bạc Liêu thúc đẩy tiến độ các năng lượng, đặc biệt là dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Phó trưởng Ban chỉ đạo phát triển điện lực Quốc gia làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu và các nhà đầu tư trên địa bàn.

Đánh giá về tầm quan trọng của dự án, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, Trung tâm điện khí LNG Bạc Liêu có một vị trí rất quan trọng đối với phát triển hệ thống điện quốc gia cũng như việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung.

Trung tâm điện khí này có công suất lên tới 3.200 MW, dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2024 và sẽ kết thúc sau đó khoảng 3-4 năm. Khi đưa vào hoạt động, trung tâm sẽ đóng góp sản lượng điện lên đến khoảng 20 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia.

Theo Thứ trưởng, việc đàm phán hợp đồng mua bán điện đối với Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu được triển khai theo hình thức IPP, dự án điện độc lập. Trước đây, đã có những dự án IPP nhưng chủ yếu do nhà đầu tư trong nước làm.

“Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu là dự án điện quy mô lớn lần đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP vì vậy cần phải có cách tiếp cận mới trong việc đàm phán các thỏa thuận của dự án (như hợp đồng mua bán điện). Có như vậy mới rút ngắn được thời gian chuẩn bị dự án, đảm bảo mục tiêu vận hành năm 2027-2028, tránh tình trạng như các BOT mất cả chục năm cho công tác chuẩn bị”, Thứ trưởng đánh giá.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, sau buổi họp, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện dự án sẽ được giải quyết nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, đáp ứng mục tiêu là đến năm 2024 sẽ đưa tổ máy đầu tiên đi vào vận hành.

Nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu là một trong những dự án quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Bạc Liêu. Dự án có quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, tổng diện tích Dự án là 140 ha, gồm 100 ha ngoài khơi bờ biển Bạc Liêu (phục vụ khu tổ hợp trên biển) và 40 ha đất tại xã Vĩnh Hậu B, huyện Hòa Bình (phục vụ cho khu vực nhà máy điện trên bờ).

Trước đó, tại phiên chất vấn thuộc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các vấn đề liên quan đến ngành điện và riêng dự án Điện khí hóa lỏng Bạc Liêu đã “hâm nóng” nghị trường. Các đại biểu Quốc hội đã liên tiếp đặt ra khoảng 30 câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về dự án quan trọng này.

Điện gió chưa tương xứng tiềm năng

Ngoài dự án Nhà máy điên khí LNG Bạc Liêu, tại Bạc Liêu cũng đang triển khai 6 dự án điện gió, với tổng công suất 391,2 MW theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030.

Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu được Bộ Công Thương phê duyệt thì tổng công suất tiềm năng điện gió có thể phát điện thương mại của tỉnh Bạc Liêu là hơn 2.507 MW, đây là con số khá lớn và là một trong những ưu thế của Bạc Liêu so với các địa phương khác.

Tuy nhiên, đến nay công suất thực tế các dự án điện gió đang triển khai trên địa bàn chỉ có 391,2MW. Như vậy, tổng công suất qua 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 chỉ đạt 391,2/2.507 MW, tương đương với 15,6% tiềm năng quy hoạch, tỷ lệ rất thấp.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/thao-go-kho-khan-cho-nha-may-dien-khi-hoa-long-bac-lieu/396683.vgp