Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp phát triển

Hôm qua, tại TP Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phố hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi đối thoại có chủ đề: Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp (DN) vượt qua COVID-19.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Ông Hoàng Văn Phòng, Phó Chủ tịch; Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI điều hành đối thoại. Đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc; lãnh đạo và chuyên gia của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam… Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) 4 tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc tham gia đối thoại. Đoàn HHDN tỉnh Thái Nguyên do ông Phan Hữu Minh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký dẫn đầu…

Các ý kiến phát biểu trong đối thoại cơ bản cơ bản cho rằng: Đây là cho các DN được nói lên tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng DN trong đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.Theo đó, các DN đều thấy độ phủ của chính sách hỗ trợ thời gian qua tương đối rộng, giúp DN giảm bớt gánh nặng tài chính, như: DN được cho vay tiền để trả lương người lao động, được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất; được miễn giảm thuế, tiền thuê đất, được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay… Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng hàng loạt chính sách hỗ trợ DN được đồng loạt triển khai thực sự là tin vui, là sự động viên rất lớn đối với cộng đồng DN, “Là điểm tựa” của cả chủ DN và người lao động!

Tuy nhiên, như báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố, số lượng DN được tiếp cận, được thụ hưởng chính sách không nhiều, hiệu quả hỗ trợ DN chưa được như kỳ vọng. Thậm chí, không ít DN thất vọng và nản lòng cho rằng, điều kiện để được hỗ trợ quá cao, DN khó tiếp cận. Ngoài ra, một lực lượng quan trọng của nền kinh tế, là các hộ kinh doanh cá thể, gần như chưa được thụ hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào, trong khi tác động của dịch bệnh đối với nhóm này có thể nhìn thấy hàng ngày: Các cửa hàng kinh doanh trên phố phải đóng cửa, trả lại mặt bằng …

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi bức thiết từ cộng đồng DN về chính sách hỗ trợ DN, cần thực chất và hiệu quả hơn. Điều chính yếu nhất hiện nay, DN rất cần chính sách hỗ trợ vốn lưu động từ các tổ chức tín dụng, giúp DN vượt qua được giai đoạn này để có tiền trả lương cho nhân viên, các chi phí thường xuyên khác, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể DN, tạo điều kiện để khu vực DN phục hồi nhanh khi tác động của dịch COVID-19 suy giảm và chấm dứt.

Đặc biệt, tại cuộc đối thoại, HHDN Thái Nguyên, trên cơ sở tập hợp ý kiến của cộng đồng DN trong tỉnh đã kiến nghị:

Thứ nhất, cần rà soát nhằm mục tiêu giảm các điều kiện cho vay, để DN có thể vay vốn. Thực tế trong thời gian qua, với gói hỗ trợ trị giá 250 nghìn tỷ đồng, nhưng do điều kiện hỗ trợ chưa phù hợp, phức tạp, thiếu khả thi và chưa sát thực tế với khu vực DN, nên chỉ có khoảng 20% số DN đáp ứng được yêu cầu của gói hỗ trợ này. Ví dụ như: Với gói hỗ trợ tín dụng của ngành Ngân hàng cũng cho thấy còn nhiều bất cập ở khâu thực thi, khi muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn gồm: Lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ. Với các thủ tục này, nhóm DN vừa và nhỏ - nhóm cần hỗ trợ nhất, có thể lại là nhóm khó tiếp cận chính sách…

Thứ 2, đề nghị mạnh dạn cho DN vay tín chấp. Vì thực tế, nhiều DN đã thế chấp hết tài sản để cầm cự hoạt động trước đó, nên giờ muốn cứu họ không thể đòi hỏi cho vay thế chấp được.

Thứ 3, tiếp tục cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho DN, trên cơ sở giảm các điều kiện mà DN phải đáp ứng để được hỗ trợ, thủ tục đơn giản dễ thực hiện.

Thứ 4,khi đã có chính sách, cần truyền thông thật sâu rộng để DN được biết. Vì trong bối cảnh đại dịch lần thứ 3 này, chúng ta cần đặt tâm thế khi xây dựng chính sách: “Bảo vệ DN cũng chính là bảo vệ nền kinh tế”. DN, doanh nhân đã, đang và sẽ, bằng nội lực và quyết tâm vượt khó, lại được sự hỗ trợ của chính sách tốt, chắc chắn sẽ xây dựng thành công trong mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng!

Thứ 5, đưa chính sách hỗ trợ đến được các hộ kinh doanh./.

Minh Đức (MBEC)

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nuoc/thao-go-kho-khan-ve-chinh-sach-de-doanh-nghiep-phat-trien-282248-206.html