Tháo gỡ mâu thuẫn giữa các Luật khi giao chủ đầu tư dự án

Bộ Xây dựng nhận được đề nghị của UBND Thành phố Hà Nội xem xét, nghiên cứu, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc lĩnh vực quy hoạch: Hướng dẫn tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các Luật: Quy hoạch, Xây dựng và Nhà ở khi giao chủ đầu tư dự án; Thực hiện Luật Xây dựng (đã sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14): Xem xét bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng. Sớm có hướng dẫn cụ thế lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Về việc tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các luật khi giao chủ đầu tư dự án: Công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng luôn được Bộ Xây dựng tiến hành thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời các quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện theo trình tự, nội dung, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Thực hiện Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng), Bộ Xây dựng đang chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện theo các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, nhà ở… làm cơ sở sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó bao gồm việc nghiên cứu tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các luật khi giao chủ đầu tư dự án.

Về việc xem xét bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng. Sớm có hướng dẫn cụ thể việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch:

Pháp luật về quy hoạch xây dựng có quy định về trách nhiệm của Cơ quan tổ chức lập quy hoạch - Đơn vị tư vấn - Cơ quan thẩm định và phê duyệt quy hoạch thông qua quy định về trình tự lập quy hoạch xây dựng và yêu cầu về Tổ chức tư vấn lập quy hoạch xây dựng. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch chịu trách nhiệm về nội dung quy hoạch xây dựng bao gồm sự chính xác của hệ thống các số liệu, tài liệu trong nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng; Cơ quan tổ chức lập quy hoạch và Đơn vị tư vấn cần có quy định cụ thể yêu cầu này trong hồ sơ (hợp đồng) giao/nhận công tác lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng.

Về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã quy định đối với nội dung này (Điều 20, Điều 21 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Điều 16, Điều 17 Luật Xây dựng năm 2014 và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành). UBND Thành phố Hà Nội cần căn cứ Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật hiện hành có liên quan để xây dựng các biện pháp thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp điều kiện thực tế địa phương.

Khánh Diệp

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thao-go-mau-thuan-giua-cac-luat-khi-giao-chu-dau-tu-du-an-301089.html