Tháo gỡ vướng mắc trong GPMB, sớm triển khai các dự án đầu tư trực tiếp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

Theo số liệu từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp (BQL KKTNS&CKCN) tỉnh, đến nay KKTNS đã thu hút được 297 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.538 tỷ đồng và 24 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là hơn 12,8 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn các nhà đầu tư đã thực hiện đạt 70.366 tỷ đồng và gần 12,7 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư tại KKTNS đi vào hoạt động, vận hành hiệu quả đã đóng góp đột phá vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tỉnh. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa và các sở, ngành liên quan đang tập trung tháo gỡ những 'điểm nghẽn' trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến tới khởi công nhiều dự án trọng điểm trong năm 2023.

Khu vực đã hoàn thành GPMB phục vụ đầu tư xây dựng Dự án số 1 - Tổ hợp Hóa chất Đức Giang.

Dự án số 1 - Tổ hợp Hóa chất Đức Giang được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2020. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 2.400 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 30 ha và được đánh giá là một trong những dự án có tính chất quan trọng tại KKTNS và tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang đã triển khai hoàn thành công tác GPMB, được cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt 1 với diện tích 17,8 ha. Phần diện tích còn lại (12,2 ha) đang được hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thuê đất. Dự án cũng đã được cơ quan chức năng thẩm định dây chuyền công nghệ và đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tổng vốn đã giải ngân của dự án khoảng 461,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo chủ đầu tư, dự án hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực, tính chất đặc thù của ngành nghề hoạt động. Do đó, một số hồ sơ, thủ tục phải thực hiện tại các bộ, ngành Trung ương, dẫn đến thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục kéo dài. Bên cạnh đó, còn một tồn tại nhỏ là các hộ dân tại thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) tuy đã nhận tiền bồi thường GPMB nhưng vẫn chưa di dời, ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng dự án. Cùng với đó, trạm xử lý nước thải thuộc dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Vàng chưa được bồi thường, GPMB và bàn giao để thi công xây dựng, nên chưa bảo đảm đủ điều kiện cần thiết để khởi công dự án.

Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, thời gian gần đây tỉnh Thanh Hóa đã liên tục tổ chức các cuộc họp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Theo đó, UBND tỉnh đã giao UBND thị xã Nghi Sơn tập trung triển khai công tác bồi thường GPMB, di dân tái định cư đối với các hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường và khu vực Trạm xử lý nước thải thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Vàng. Đối với những hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, khi đã được thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước nhưng không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, thị xã Nghi Sơn thực hiện các bước cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Tỉnh đã giao BQL KKTNS&CKCN tỉnh chủ động hỗ trợ, đôn đốc Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn khẩn trương đấu mối, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng dự án; đồng thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các vấn đề vượt thẩm quyền; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công xây dựng Nhà máy Hóa chất Đức Giang trong tháng 3-2023.

Đối với dự án Khu Công nghiệp Đồng Vàng, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 3-2022. Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.400 tỷ đồng. Quy mô diện tích sử dụng đất 491,9 ha. Dự án ảnh hưởng đến 3 xã Tân Trường, Tùng Lâm, Phú Lâm (thị xã Nghi Sơn) với 12 tổ chức và 413 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng số hộ dự kiến phải bố trí tái định cư là 238 hộ, gồm 63 hộ ở Tùng Lâm và 175 hộ ở Phú Lâm.

Để sớm khởi công dự án này, tạo quỹ đất mặt bằng sạch thu hút nhà đầu tư thứ cấp, UBND tỉnh đã giao BQL KKTNS&CKCN tỉnh phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước để chủ động đấu mối, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án trong tháng 3-2023. Trong đó, yêu cầu UBND thị xã Nghi Sơn khẩn trương hoàn thành công tác GPMB phần diện tích còn lại của dự án theo giai đoạn quy định, trong đó đặc biệt ưu tiên GPMB trạm xử lý nước thải (2,7 ha) để đáp ứng điều kiện khởi công dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện đầu tư xây dựng khu tái định cư tại xã Phú Lâm và xã Tùng Lâm để phục vụ công tác di dân tái định cư dự án.

Thị xã Nghi Sơn cưỡng chế GPMB để thi công Dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh.

Dự án Cảng container Long Sơn do Công ty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư cũng đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện liên quan để khởi công trong tháng 3-2023. Là cảng container chuyên dùng đầu tiên tại Cảng Nghi Sơn, đồng thời sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng logistics còn yếu và thiếu tại KKTNS, dự án này được đánh giá có vị trí chiến lược quan trọng đối với hạ tầng cảng biển. Được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 7-2016, dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 2.400 tỷ đồng, quy mô diện tích sử dụng đất gồm 57,8 ha, bao gồm 4 bến cảng container 3, 4, 5, 6 và 28,8 ha phát triển khu logistics. Đến nay, đa phần diện tích bãi biển khu cảng container đã hoàn thành trình tự GPMB, chỉ còn lại 2,45 ha đang thực hiện trình tự thu hồi đất và bồi thường cho các hộ gia đình theo quy định. Đối với diện tích khu logistics chưa thực hiện bồi thường, GPMB, chủ đầu tư cũng đã hoàn thiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận vị trí, quy mô bến cảng với Cục Hàng hải Việt Nam. Hiện dự án gặp một số khó khăn do sự phản ứng, ngăn cản của một số hộ dân ở xã Hải Hà, dẫn đến chưa hoàn thành xong công tác bồi thường GPMB tuyến đường vào khu Cảng container Long Sơn, ảnh hưởng đến việc đầu tư tuyến đường vào cảng cũng như việc khởi công xây dựng các bến cảng.

Về vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thị xã Nghi Sơn khẩn trương rà soát và hoàn thiện các thủ tục bồi thường GPMB làm cơ sở cho Công ty TNHH Long Sơn thực hiện thủ tục thuê đất đối với phần diện tích còn lại thuộc khu bến container bảo đảm quy định của pháp luật; khẩn trương hoàn thiện công tác bồi thường GPMB tuyến đường vào khu vực Cảng container Long Sơn, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai xây dựng phần còn lại của tuyến đường. Đồng thời, xây dựng sớm kế hoạch bồi thường, GPMB đối với khu phát triển logistics (28,8 ha). Dự kiến, trong tháng 3-2023, nhà đầu tư sẽ đủ điều kiện cần thiết để khởi công đầu tư xây dựng bến cảng container số 3 và số 4.

Năm 2022, KKTNS đóng góp hơn 50% tổng thu ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Trong năm 2023, ngoài việc tiếp tục hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện, đưa một số dự án lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy Xi măng Đại Dương 1..., tỉnh Thanh Hóa đang có những chỉ đạo tích cực trong công tác GPMB, nhằm sớm hiện thực các dự án lớn đã đăng ký đầu tư. Dự kiến, trong năm 2023 sẽ có thêm 9 dự án đăng ký đầu tư mới vào KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 2 dự án vốn đầu tư nước ngoài và 7 dự án đầu tư vốn trong nước.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kkt-nghi-son/thao-go-vuong-mac-trong-gpmb-som-trien-khai-cac-du-an-dau-tu-truc-tiep-tai-khu-kinh-te-nghi-son/181130.htm