Thảo luận Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tiên tai, Xây dựng và Đê điều

PTĐT - Sáng 18/11 các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tiên tai, xây dựng và Đê điều. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, Tiền Giang cùng tham gia thảo luận.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT)

Về quy định Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai. Tán thành với việc bổ sung quy định về lực lượng xung kích PCTT cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát thêm để quy định thống nhất về vị trí, vai trò của lực lượng dân quân tự vệ trong dự thảo Luật với quy định của Luật Quốc phòng và nên giao Chính phủ quy định về đối tượng được điều động, thẩm quyền được điều động, chế độ, chính sách cho lực lượng này.

Về quy định Vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho PCTT. Dự thảo quy định “Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai; vật tư, phương tiện, trang thiết bị khác của Nhà nước; huy động của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự chuẩn bị”. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định vật tư, trang thiết bị chuyên dùng cho PCTT là cần thiết để ứng phó tính chất phức tạp, đa dạng của thiên tai; tuy nhiên, cần bổ sung quy định Danh mục vật tư, phương tiện chuyên dùng cho PCTT; trách nhiệm rà soát bổ sung sửa đổi Danh mục này để cập nhật, hiện đại hóa phương tiện, thiết bị chuyên dùng phù hợp với tiến bộ khoa học và công nghệ, điều kiện thực tiễn của các địa phương...

Về quy định trách nhiệm của Ban chỉ đạo, chỉ huy PCTT. Nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần phân định rõ tại dự thảo Luật trách nhiệm của Ban chỉ đạo trung ương về PCTT, Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành; bổ sung quy định trách nhiệm, điểu kiện bảo đảm hoạt động của các Ban chỉ đạo, chỉ huy PCTT tương ứng với thẩm quyền được giao nhằm chuyên môn hóa lực lượng PCTT trong thời gian tới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

Về quy định Phân loại và cấp công trình xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại và cấp công trình xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, làm cơ sở để đưa ra các quy định quản lý như hoạt động thẩm định dự án, thiết kế xây dựng công trình; cấp giấy phép xây dựng; quản lý năng lực hoạt động xây dựng; bảo hiểm, quản lý chi phí dự án… Vì vậy, việc dự thảo Luật không quy định cụ thể về loại, cấp công trình mà giao Chính phủ quy định về tiêu chí phân loại và cấp công trình sẽ làm ảnh hưởng đến sự đồng bộ, thống nhất của Luật Xây dựng hiện hành, đồng thời có thể làm xáo trộn hoạt động đầu tư xây dựng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo báo cáo rõ hơn về sự cần thiết không quy định cụ thể việc phân loại và cấp công trình trong dự thảo Luật, quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng hiện nay…

Về trật tự xây dựng ở nông thôn. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng ở địa bàn chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị được phê duyệt thuộc đối tượng miễn cấp giấy phép xây dựng. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng của người dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của từng địa phương. Đề cập đến nội dung này, đại biểu Lê Thị Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, hoạt động đầu tư xây dựng ở nông thôn (đặc biệt là khu vực giáp ranh nông thôn, đô thị; khu vực có định hướng phát triển đô thị; khu vực danh lam thắng cảnh cần được bảo tồn…) trong thời gian vừa qua phát triển với tốc độ khá nhanh, bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, nếu không kịp thời điều chỉnh có thể gây hệ lụy lâu dài. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ đối với việc cấp giấy phép xây dựng cho từng loại, cấp công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn sao cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của đất nước…

Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều. Các đại biểu đã cho ý kiến vào: các hành vi bị nghiêm cấm; về sử dụng bãi sông, lòng sông, bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng; xử lý công trình nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông, bãi nổi, cù lao; về xây dựng, cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều...

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/201911/thao-luan-luat-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-phong-chong-tien-tai-xay-dung-va-de-dieu-167845