Thảo luận Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

PTĐT - Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đoàn ĐBQH tỉnh cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Nai, Bình Định cùng tham gia thảo luận.

Các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Đồng thời việc xây dựng dự Luật đặt trong tổng thể việc triển khai thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và Luật Công an nhân dân.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật: Đa số ý kiến tán thành với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật vì đã thể hiện được khái quát, đầy đủ, thống nhất với nội dung dự thảo Luật, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật. Theo đó, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, bồi dưỡng, hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động, quan hệ công tác, tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Theo dự thảo, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn, làm nòng cốt trong lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có chức năng tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc phòng ngừa vi phạm pháp luật... Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn vị trí “nòng cốt trong lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và các hoạt động “tham gia phối hợp”, “hỗ trợ” để xác định rõ hơn về địa vị pháp lý của lực lượng này trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về huy động lực lượng thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại dự Luật giao Ủy ban nhân dân cấp xã huy động lực lượng TGBVANTT ở cơ sở và cho rằng nên giao Trưởng Công an cấp xã huy động lực lượng TGBVANTT ở cơ sở sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để sát với yêu cầu thực tế, bảo đảm tính khả thi.

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Một số ý kiến đề nghị quy định Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở; Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, tuyển chọn, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này, vì đây là tổ chức quần chúng tự nguyện, hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và bồi dưỡng, hỗ trợ...

Cũng trong phiên họp sáng nay, sau khi tiến hành làm việc tại tổ, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua các Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/202011/thao-luan-luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-173893