Thảo luận ở tổ tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Hôm nay 26/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở tổ tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và thảo luận dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận.

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu một số ý kiến quan trọng về các vấn đề tăng trưởng kinh tế và cải cách thể chế.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Ảnh: NL

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Ảnh: NL

Đại biểu nêu rõ: Nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2024 tuy đã khởi sắc với GDP tăng 6,82%, nhưng thiếu tính bền vững và sự đột phá cần thiết. Các ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,19%, đóng góp 46,22% vào tổng giá trị tăng thêm; ngành dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%; còn nông - lâm - thủy sản tăng 3,2%, chiếm 5,37%. Tuy nhiên, với những biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế cần tập trung cải thiện chất lượng và ổn định hơn, nhất là trong sản xuất công nghiệp.

Về đầu tư, đại biểu chỉ rõ, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng với tổng vốn đăng ký đạt gần 25 tỉ USD, tăng 11,6%, FDI thực hiện đạt 17,3 tỉ USD, tăng 8,9%. Dù vậy, giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm, mới đạt 43% kế hoạch năm. Để hoàn thành kế hoạch, ngân sách cần giải ngân thêm khoảng 460 nghìn tỉ đồng, đòi hỏi sự quyết liệt trong xử lý thủ tục và phân bổ vốn, tạo đà cho các dự án hạ tầng và thúc đẩy hiệu quả nền kinh tế.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng nhấn mạnh, thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt trong phân khúc nhà ở bình dân. Giá nhà ở các khu vực trung tâm Hà Nội đã tăng đột biến do nguồn cung hạn chế, khiến nhiều người có nhu cầu thực gặp khó khăn trong tiếp cận nhà ở. Kiến nghị Quốc hội cần ưu tiên các chính sách hỗ trợ thị trường nhà ở và giải quyết các vấn đề pháp lý để thúc đẩy phát triển nguồn cung.

Về thể chế, đại biểu thống nhất cao với nhận định của Tổng Bí thư về thể chế hiện đang là “điểm nghẽn” lớn nhất trong phát triển kinh tế. Chính phủ đã nỗ lực đề xuất sửa đổi nhiều luật quan trọng về đầu tư, tài chính, ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn cần được đẩy mạnh và kịp thời hơn. Nhiều vấn đề như Luật Đất đai vẫn chưa đạt tiến độ kỳ vọng, ảnh hưởng đến việc phát triển bất động sản và nhu cầu đầu tư vào thị trường nhà ở thương mại.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt bổ sung Quy hoạch Điện VIII cho 17 tỉnh, thành phố còn lại để các địa phương triển khai các dự án điện, đáp ứng nhu cầu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời, việc hoàn thiện khung chính sách và pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo cần được đẩy nhanh để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trong lĩnh vực này.

Kết thúc phát biểu, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần khẩn trương đưa các cam kết vào thực tế để tạo niềm tin cho cử tri và ổn định nền kinh tế. Chỉ khi các chính sách được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, nền kinh tế mới có thể phát triển bền vững, đáp ứng kỳ vọng của người dân và tạo nền tảng vững chắc cho những mục tiêu phát triển cao hơn trong tương lai.

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhận xét: Luật Điện lực năm 2024 được sửa đổi bổ sung bốn lần.

Tuy nhiên, các lần sửa đổi, bổ sung trước đó chưa thực sự cơ bản, bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhất là sự cần thiết phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cần quan tâm đặc biệt về thủy điện tích năng, là một dạng dự trữ năng lượng để đảm bảo sự cân bằng của hệ thống điện, trong thời điểm lượng điện nhiều nhưng nhu cầu sử dụng thấp.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Ảnh: NL

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Ảnh: NL

Về chính sách của nhà nước về phát triển điện lực, đại biểu đề nghị bổ sung để đảm bảo hài hòa lợi ích của các ngành, doanh nghiệp trong phát triển điện khí bởi vì phát triển điện khí cần có chính sách để bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa các giai đoạn.

Về quy định khảo sát điện năng, định hướng phát triển khảo sát điện gió ngoài khơi, đề nghị bổ sung thành phần tham gia ngoài doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thành viên của các doanh nghiệp này được tham gia.

Về thanh toán điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Vì, trong thực tế, khi xử lý các vấn đề tranh chấp cần có tổ chức hòa giải tranh chấp về thanh toán tiền điện.

Trong trường hợp giải quyết tranh chấp bằng hòa giải không thành thì phải thông qua Tòa án để giải quyết; Bổ sung quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, xem xét làm rõ thêm giá điện “phương pháp định giá điện (công thức)” để bán điện đến tận tay người sử dụng.

Đây là vấn đề khá bức xúc của người mua điện trong nhiều năm qua, giá điện luôn tăng chưa minh bạch về cách tính giá còn hiện tượng độc quyền của ngành điện.

Nguyễn Lý – Thanh Tuân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thao-luan-o-to-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-9-thang-dau-nam-2024-va-du-thao-luat-dien-luc-sua-doi-189273.htm