Thảo luận tại kỳ họp thứ 8 – HĐND tỉnh: Siết chặt quản lý đất đai, tránh phá vỡ quy hoạch
Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng nay (23/7) của kỳ họp thứ 8 – HĐND tỉnh, liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, khoáng sản và môi trường, đại biểu Tôn Thất Muộn đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để ổn định tình hình quản lý và sử dụng đất đúng mục đích; không phá vỡ quy hoạch, đảm bảo trật tự xây dựng; không để hình thành các khu dân cư tự phát. Quản lý chặt các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở các khu sản xuất, chế biến, chăn nuôi tập trung.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 8 – HĐN
Tổ đại biểu cũng kiến nghị Cụm công nghiệp Tân Bình 1 ở thị xã La Gi do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư làm chủ đầu tư. Từ tháng 8/2017 đến nay, chủ đầu tư đã ngưng mọi hoạt động xây dựng trong phạm vi dự án, không đủ điều kiện đi vào hoạt động, gây lãng phí tài nguyên đất đai. UBND thị xã La Gi đã có văn bản gửi UBND tỉnh, đề nghị tỉnh xem xét thu hồi dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Tân Bình 1 từ tháng 11/2018. Được biết, trong tháng 6/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có chỉ đạo giải quyết vướng mắc rất cụ thể đối với dưạ́n này. Do đó, ĐB Muộn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm giải quyết, nên thu hồi dự án này vì đã cam kết nhiều lần, cố tình kéo dài nhiều năm, không mang lại hiệu quả.
Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, phá vỡ quy hoạch, Đại biểu Lương Thanh Sơn (Phan Thiết) đề xuất nên có biện pháp về phát huy hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên đất đai hơn nữa để chuyển thành nguồn lực phát triển kinh tế. Bởi thực tế, tổng thể tình hình phát triển kinh tế của tỉnh còn thua kém so một số tỉnh thành trong cả nước và chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là việc sử dụng đất đai chưa thực sự hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên, thậm chí còn có tác động kìm hãm sự phát triển.
Cụ thể, đất quy hoạch thăm dò, khai thác và dự trữ khoáng sản titan theo quy hoạch 1546 và 645 của Thủ tướng Chính phủ là 102.227 ha, chiếm 12,87% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Theo Luật khoáng sản thì đất này phải được sử dụng khai thác khoáng sản trước khi sử dụng vào mục đích khác. Trong điều kiện hiện nay, các nghiên cứu đã chỉra rất khó khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này. Trong khi vùng chứa tài nguyên khoáng sản titan hầu hết nằm dọc theo ven biển, là vùng đất thuận lợi để phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế khác. Do vậy, đề nghị tỉnh quyết liệt và dứt khoát hơn trong việc bảo vệ quan điểm, chính kiến để phát triển kinh tế của tỉnh một cách tối ưu, hiệu quả nhất.
Ngân sách phải chi 117 tỷ đồng mỗi năm để xử lý rác
Đề cập đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Theo tính toán sơ bộ, ước lượng rác thu gom cần xử lý toàn tỉnh khoảng 468.000 tấn/năm, với giá xử lý rác bình quân 250.000 đồng/tấn thì ngân sách phải chi là 117 tỷ đồng/năm, chiếm 62% dự toán chi sự nghiệp môi trường toàn tỉnh, chưa tính chi phí cho hoạt động thu gom rác. Theo ĐB Trần Nguyên Lộc – Phó Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh thì ngân sách tỉnh sẽ không đủ nguồn lực để thực hiện trong thời gian đến khi ngày càng nhiều nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động. Ông Lộc đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan khẩn trương tham mưu ban hành giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh theo hướng hạch toán đầy đủ chi phí hợp lý và mở rộng đối tượng thu để giảm bớt một phần áp lực cho ngân sách nhà nước
K.Ngọc – K.Hằng. Ảnh: Đình Hòa