THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: ƯU TIÊN BẢO VỆ ĐỐI TƯỢNG TRẺ EM TRONG XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tổ 02 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Toàn cảnh phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật, theo đó, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật.

Cơ bản nhất trí với quy định về các chính sách của Nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh, một số ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đặc biệt là các nội dung về giá dịch vụ y tế, về xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, về đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế và cần bảo đảm các chính sách nêu tại Điều này được thể hiện cụ thể tại các điều khoản trong Luật để có tính khả thi.

Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc sửa luật là rất cần thiết, bởi sức khỏe của người dân là vấn đề thiết yếu, quan trọng, trong khi đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu, không bắt kịp với thực tiễn và nhu cầu đời sống của người dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến tại phiên thảo luận

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến tại phiên thảo luận

Quan tâm tới đối tượng trẻ em, Chủ tịch nước cho biết, hiện nay tỷ lệ trẻ em là tương đối lớn, trẻ em là tương lai của đất nước, cũng là đối tượng đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương về sức khỏe, tuy nhiên, luật chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong khám chữa bệnh đối với trẻ em, vì vậy, cần bổ sung các nội dung liên quan đến khám chữa bệnh cho trẻ em, qua đó đồng bộ, cụ thể hóa quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em như quy định trong Luật Trẻ em năm 2016. Chủ tịch nước cũng nêu rõ, đối tượng trẻ em cần được mở rộng là người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em 2016 thay vì quy định dưới 6 tuổi.

Theo Chủ tịch nước, trẻ em ngoài việc được ưu tiên khám trước, xét nghiệm, điều trị trước còn được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bị tàn tật, mồ côi, người dân tộc thiểu số, trẻ em bị một số bệnh hiểm nghèo cần được quan tâm đặc biệt. Các quy định về khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không áp dụng đối với trẻ em. Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở khám chữa bệnh và dịch vụ khám chữa bệnh.

Cùng với đó, không áp dụng hạn mức trần thanh toán, các dịch vụ khám, chăm sóc điều trị, áp dụng cho trẻ em gặp các bệnh hiểm nghèo không có khả năng chi trả như ung thư, tim hoặc áp dụng mức trần cao hơn dành cho trẻ em trong lộ trình trước mắt tiến tới xóa bỏ thời hạn cần chi trả bảo hiểm y tế.

Tham gia ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nêu rõ, mục tiêu của dự án Luật là nhằm từng bước nâng cao hiệu quả, hoàn thiện hệ thống y tế về cả chất lượng và số lượng, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Đối với vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cùng một số đại biểu cho rằng cần quy định thời hạn 5 năm cho chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, đồng thời cần phát huy vai trò, năng lực và uy tín chuyên môn của Tổng hội Y học Việt Nam trong vấn đề này.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia thảo luận

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia thảo luận

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị cần có chính sách hợp lý về chế độ đãi ngộ, mức lương khởi điểm… để các bác sỹ yên tâm công tác, đồng thời, cần quy định rõ hành vi chống đối, quấy phá, hành hung tại cơ sở khám, chữa bệnh được xem là chống người thi hành công vụ, có chế tài cụ thể, rõ ràng, đủ sức răn đe đối với những hành vi này.

Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cùng một số đại biểu bày tỏ hy vọng dự thảo Luật lần này sẽ khắc phục những hạn chế trong thời gian vừa qua cả về tổ chức bộ máy, cơ sở y tế, kết hợp đông tây y, bảo đảm an ninh cho cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề… Về đối tượng cấp giấy phép hành nghề, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ vai trò, chức năng, phạm vi hành nghề của 09 chức danh phải có Giấy phép hành nghề; tiếp tục rà soát để không bỏ sót các chức danh tham gia trực tiếp hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cần được cấp Giấy phép hành nghề.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Kim Yến cũng cho rằng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc quản lý người hành nghề. Theo đó, các cơ sở đào tạo chức danh, chứng nhận hành nghề cần công khai danh sách người hành nghề để hạn chế tình trạng một người có nhiều giấy phép, hoặc hành nghề không có giấy phép. Cùng với đó, cần đảm bảo ổn định và cân bằng giá y tế tư nhân, tránh mức giá chênh lệch quá cao so với mặt bằng chung thị trường.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng kiến nghị cần thay đổi trong việc phân cấp bệnh viện, thay vì phân cấp theo hành chính, cần phân cấp theo chất lượng bệnh viện, với việc đánh giá chất lượng được thực hiện thông qua tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập. Các đại biểu bày tỏ hy vọng việc thay đổi phân cấp này sẽ tạo ra thay đổi mạnh mẽ, tăng tính cạnh tranh qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận

Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc quản lý người hành nghề, các cơ sở khám, chữa bệnh

Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc quản lý người hành nghề, các cơ sở khám, chữa bệnh

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia đóng góp ý kiến

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia đóng góp ý kiến

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)./.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)./.

Minh Hùng - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=65032