THẢO LUẬN TẠI TỔ 8: CẦN CÓ QUY ĐỊNH RIÊNG TRONG PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM
Thực hiện Kỳ họp thứ 3, chiều ngày 31/5, Tổ 8 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Hải Dương, Hậu Giang, Thừa Thiên-Huế thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến tập trung vào việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc cũng như sự nghiêm túc, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế đã tham gia.
Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả tốt cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về bạo lực gia đình do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy những bức tranh hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Tại Phiên thảo luận ở Tổ về dự án Luật, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến về vấn đề hòa giải trong hoạt động hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 20, 21, 22; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Tổ 8 tập trung cho ý kiến về việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng dự thảo Luật tiếp tục thể hiện chính sách, pháp luật của nhà nước ta luôn khuyến khích hòa giải trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có quy định cấm hòa giải trong một số trường hợp, ví dụ Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở, Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự. Dự thảo Luật có viện dẫn Luật Hòa giải ở cơ sở tại điểm a khoản 4 Điều 21. Song chủ thể tiến hành hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình được quy định tại dự thảo gồm gia đình, dòng họ, cơ quan tổ chức, tổ hòa giải ở cơ sở, là rộng hơn so với Luật Hòa giải ở cơ sở.
Như vậy, theo dự thảo, Tổ Hòa giải ở cơ sở sẽ không hòa giải vụ việc bạo lực gia đình theo quy định tại điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở, còn lại các chủ thể khác (hầu hết là những người không có chuyên môn, kỹ năng được đào tạo) sẽ tiến hành hòa giải đối với tất cả các vụ việc bạo lực gia đình. Quy định này cần được cân nhắc, đối với những vụ việc bạo lực gia đình nghiêm trọng, kéo dài hoặc vi phạm đạo đức xã hội thì không được tiến hành hòa giải, để thể hiện đúng bản chất của hòa giải và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh trường hợp hòa giải thành là khởi đầu của một “Vòng tròn bạo lực” mới. Do vậy, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về những trường hợp không tiến hành hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Cho ý kiến về việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Vương Thị Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang băn khoăn khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình thì gia đình, cơ quan, tổ chức, tổ hòa giải tiến hành hòa giải nhưng trường hợp người bạo hành không đến thì giải quyết thế nào? Trong thực tế đã có không ít vụ việc hòa giải gần như không đạt được kết quả khi chỉ có duy nhất nạn nhân – người bị bạo lực gia đình một mình trình bày, một mình nói nguyện vọng, còn đối tượng chính là người có hành vi bạo lực gia đình lại không có mặt. Có cần có biện pháp nào để cưỡng chế hay không? Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các điều kiện đảm bảo cho công tác hòa giải.
Về nguyên tắc hòa giải, với định kiến về giới, không ít gia đình khi tổ chức hòa giải thường hòa giải theo hướng khuyên nhủ người bị bạo lực gia đình (thường là phụ nữ bị yếu thế) phải nhẫn nhịn, bỏ qua, dễ dẫn tới việc người phụ nữ bị bạo hành kép và việc hòa giải nhiều lần, kéo dài thường sẽ gây ra chậm trễ trong giải quyết vụ việc và làm tăng nguy cơ, nguy hiểm cho người phụ nữ và con cái của họ. Do vậy, để đảm bảo quyền tự chủ cá hân, tự quyết định của người bị bạo lực gia đình, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc trong hòa giải phải đảm bảo: Người bị bạo lực phải được thông báo đầy đủ về quy trình và chấp thuận/đồng ý hòa giải; Không hòa giải quá 2 lần đối với các trường hợp: Người gây bạo lực tái phạm hành vi bạo lực; Người gây bạo lực đã vi phạm thỏa thuận hòa giải trước đây.
Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình là rất quan trọng
Góp ý Luật Phòng chống bạo lực gia đình, cụ thể là các quy định về phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Trong thời gian qua, mặc dù công tác phòng chống bạo lực gia đình nói chung và bạo lực đối với trẻ em nói riêng đã được quan tâm chỉ đạo, cải thiện nhưng số lượng các vụ việc bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình vẫn còn ở mức cao và trong thời gian gần đây có nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình là rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em trong tương lai cũng như xây dựng những gia đình văn hóa, gia đình không bạo lực trong tương lai.
Nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em là nguyên tắc xuyên suốt, được xác định trong các văn bản của Đảng đã được khẳng định trong Luật trẻ em và cần được tiếp tục thể hiện trong Luật này, không chỉ ở các nguyên tắc chung mà còn trong toàn bộ các quy định của dự thảo luật. Trẻ em, trong phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống bạo lực gia đình là một trong những đối tượng yếu thế, là người bị bạo lực, có đặc điểm riêng là: chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự bảo vệ và nhận thức về bạo lực gia đình còn hạn chế, còn yếu thế hơn những đối tượng yếu thế khác trong gia đình bao gồm phụ nữ, người già, người khuyết tật… nên cần được xác định là chủ thể đặc thù để có một nguyên tắc riêng; cũng như có một hệ thống các quy định riêng, xuyên suốt trong dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đưa ra ví dụ về hành vi phát tán thông tin về đời tư của người bị bạo lực gia đình, Điều 3 dự thảo Luật quy định: là hành vi truyền bá thông tin về nhân thân, chỗ ở, nơi làm việc của người bị bạo lực gia đình hoặc của người đại diện theo pháp luật của người đó. Tuy vậy, đối với các trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì các thông tin cần giữ kín không chỉ về nhân thân, chỗ ở mà còn là trường học, hình ảnh và các thông tin định danh liên quan khác của trẻ. Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga –Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, cần có quy định riêng về đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em. Để có cơ sở nhận biết nạn nhân bao lực gia đình, trong đó có trẻ em thì cần sàng lọc nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các cơ sở y tế.
Kết luận tại Phiên thảo luận, đại biểu Đặng Quốc Khánh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội cho Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Những đóng góp của các đại biểu sẽ là căn cứ rất quan trọng để có những giải pháp thực hiện tốt hơn đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tất cả những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp kỹ lưỡng trước khi trình ra Quốc hội xem xét, đóng góp tại Hội trường.
Cũng tại phiên thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở./.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 8:
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu ý kiến tại Phiên thảo luận.Đai biểu Phạm Như Hiệp - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế nêu quan điểm về phòng chống bạo lực gia đình, trong đó nhấn mạnh về công tác hòa giải.Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu ý kiến tại Phiên thảo luận.
Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang bày tỏ quan điểm tại Phiên thảo luận.
Đại biểu Vương Thị Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang băn khoăn khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình thì gia đình, cơ quan, tổ chức, tổ hòa giải tiến hành hòa giải nhưng trường hợp người bạo hành không đến thì việc giải quyết sẽ gặp khó khăn.Các đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang tham gia đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=65217