THẢO LUẬN TỔ 16: TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC CHO QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 16

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 16

Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm phục hồi rõ nét và có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2021. Theo đó, 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84%; bội chi ngân sách nhà nước là 3,41% GDP; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%; xuất siêu đạt 4 tỷ USD,…

Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với chủng Delta nguy hiểm và lây lan nhanh hơn, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Những tháng đầu năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhiều nội dung của Chương trình được Chính phủ triển khai kịp thời như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động; công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được chú trọng,…Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đa số các vị đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra rằng, năm 2021 có 05 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt mục tiêu, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu,.. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm, đánh giá kỹ lưỡng hơn về kinh tế vĩ mô; nguy cơ bùng phát dịch; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội; tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng;…

Đóng góp ý kiến cụ thể về nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam được đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế so với các nước trên thế giới. Hiện nay, an ninh lương thực cơ bản đảm bảo, những vấn đề khác đang tiếp tục phục hồi và có những bước đi ngày càng phát triển. Có thể nói, những kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị, cũng như sự điều hành của Chính phủ và các địa phương trong việc tìm ra những giải pháp để vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch cũng như vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có sự đóng góp rất lớn của nhân dân.

Tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang chỉ ra rằng giữa tờ trình của Chính phủ với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chưa có sự thống nhất về các chỉ tiêu, do đó đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung các chỉ tiêu sao cho thống nhất với cơ quan thẩm tra. Bên cạnh đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị Chính phủ cũng quan tâm đến sự biến động của giá cả thị trường. Trong đó, tình trạng tăng vật tư nguyên liệu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân. Đồng thời có những chính sách quan tâm hỗ trợ, đặc biệt trong thời điểm thực hiện phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Mặt khác, về tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2022, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng cần phân tích kỹ hơn, làm nổi bật kết quả của việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thông tin và truyền thông để cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Đại biểu cũng đề nghị cần phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, phát triển xanh dựa trên đổi mới sáng tạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, đại biểu cho rằng trong các tháng còn lại của năm 2022 cần tăng cường hơn nữa trong việc triển khai các nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm tạo động lực cho quá trình tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Ở khía cạnh khác, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tới những khó khăn về nguồn vốn và chi phí vốn vay; giá xăng dầu, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro thiếu hụt nguồn cung đầu vào…, việc theo dõi, dự báo, điều hành ngân sách nhà nước; đặc biệt cần quan tâm hơn nữa tới việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để có những chuyển biến sâu sắc về kinh tế-xã hội, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu

Đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nêu rõ, thời điểm hiện nay Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn mà chưa hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế còn chậm, làm giảm đi hiệu quả và mất ý nghĩa của Chương trình. Do đó đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét trách nhiệm của những bộ, cơ quan Trung ương liên quan trong việc thực hiện Chương trình. Bởi, nếu các chính sách hỗ trợ và nguồn vốn của Chương trình này không đi vào cuộc sống theo đúng kế hoạch sẽ không chỉ làm mất đi ý nghĩa cấp bách mà còn ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu quan tâm tới các vấn đề liên quan tới hệ thống y tế cơ sở, công tác giáo dục đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên, công tác hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra tại các cái địa phương, vấn đề an toàn giao thông đường sắt, đầu tư mạng lưới điện vùng nông thôn. Cũng tại phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020./.

Minh Thành - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=64957