THẢO LUẬN TỔ VỀ DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ: ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CỦA CÁC LỰC LƯỢNG SẴN CÓ

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội cho rằng trước khi thành lập lực lượng mới trên cơ sở hợp nhất công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng thì cần làm rõ mối quan hệ giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với công an xã...

Quốc hội thảo luận Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Quốc hội thảo luận Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thảo luận tại Tổ số 17 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Hải Dương, Yên Bái, đại biểu Phạm Xuân Thăng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng khi bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cần phải cân nhắc, đối chiếu với những chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng. Chỉ rõ, hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó đầu mối, tổ chức phải thu gọn lại; vị trí cấp phó phải thu gọn lại; biên chế cũng phải thu gọn lại, nhưng hiệu quả công việc phải tăng lên. Đại biểu đặt câu hỏi, vậy việc xây dựng được việc này liệu có đi ngược lại Nghị quyết số 18 khi lực lượng phình ra nhưng hiệu quả chưa chứng minh được.

Bày tỏ băn khoăn khi đối chiếu với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng an ninh tại địa phương, đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng, cơ quan soạn thảo phải đối chiếu lại với nhiệm vụ, chức năng của lực lượng an ninh tại địa phương; phân định rõ công an chính quy làm gì, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm gì, xem xét có chồng chéo không? Cùng với đó là cách thức hỗ trợ thế nào, ranh giới pháp lý ra sao. Đại biểu cho rằng ở đây chưa xác định được tư cách pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho rằng lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở là lực lượng hoạt động không chính danh mà chỉ là là lượng phối hợp với Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ của Công an nhân dân cho nên khi không có Công an đi cùng để thực hiện nhiệm vụ, thì Lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở không thể tự mình thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở tự mình thực hiện nhiệm vụ mà không có mặt Công an khi bị người dân chống lại thì khi đó không thể xử lý người dân về hành vi chống người thi hành công vụ.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành đã có lực lượng phối hợp với Công an để thực hiện nhiệm vụ của Công an nhân dân nhưng không được đánh giá khách quan, toàn diện. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ chỉ rõ, theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Quốc phòng, thì “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước ở địa phương, cơ sở; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Tại khoản 2 Điều 5 Luật Dân quân tự vệ quy định một trong những nhiệm vụ của dân quân tự vệ là “ Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật”.

Thực tế ở địa phương Dân quân đang phối hợp với Công an nhân dân bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, dấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật. Mặt khác, do điều kiện kinh tế nên hiện nay Nhà nước mới gọi một phần nhỏ thanh niên trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự nhập ngũ. Số còn lại, từ 18 đến 45 tuổi đối với nam và từ 18 đến 40 tuổi đối với nữ đều thuộc diện có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ và đã đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự

Đại biểu cho rằng, nếu tổ chức tốt việc phối hợp giữa Công an nhân dân với Dân quân tự vệ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật thì sẽ không tốn kém kinh phí chi thường xuyên cho khoảng 1,5 triệu người dự kiến thuộc Lực lượng tham gia bảo vệ an trị an ở cơ sở. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 34 Luật Dân quân tự vệ về chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ, thì “dân quân tại chỗ...được trợ cấp ngày công lao động, bảo đảm tiền ăn; được hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ tư 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động, được trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ”.

Do đó, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị đánh giá việc tổ chức phối hợp giữa Công an nhân dân với Dân quân tự vệ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Nếu cần thiết, thì xây dựng Đề án nâng cao chất lương phối hợp giữa Công an nhân dân với Dân quân tự vệ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật để có giải pháp hữu hiệu.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thảo luận tại Tổ

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thảo luận tại Tổ

Cùng quan điểm, thảo luận tại Tổ 11 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Bình Phước, Bến Tre và Tp.Cần Thơ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn đại biểu Bến Tre, đặt vấn đề nếu thành lập thêm lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sơ thì các lực lượng khác như dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên và người dân trong toàn hệ thống sẽ như thế nào. Đại biểu cũng dẫn quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Quốc phòng về Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc xây dựng Luật nhưng chưa đánh giá được hết tác động của công tác phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở và các lực lượng hiện có. Đại biểu đặt vấn đề, có nên chăng xây dựng một cái đề án về tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng hiện tại trong tăng cường an ninh, trật tự cơ sở có phải sẽ tốt hơn là xây dựng luật này.

Đại biểu Vũ Trọng Kim – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cũng cho rằng thay vì thêm lực lượng, nên phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ cơ sở xã, phường, ở đơn vị, trường học, xí nghiệp khi đó vừa kết hợp được nhiệm vụ an ninh và nhiệm vụ quốc phòng. Mặt khác, tăng cường vai trò của các lực lượng hiện có cũng tạo điều kiện cho thanh niên cơ sở được rèn luyện, tham gia vào hoạt động, phong trào quần chúng, thay đổi liên tục để tăng cường sự tham gia của thanh niên cơ sở vào lực lượng dân quân tự vệ. Điều này vừa nâng cao nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm bảo vệ an ninh và quốc phòng địa phương. Hơn nữa, vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng rất lu mờ khi không tổ chức lực lượng quần chúng để tham gia vào hành động cách mạng địa phương. Do đó, cần có đánh giá hoạt động của các lực lượng tổ chức lực lượng địa phương tốt rồi từ đó tiếp tục nghiên cứu.

Trong khi đó, phát biểu tại Tổ số 15 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Đắk Nông, Ninh Thuận, Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, cho rằng vấn đề cần phải đặt ra nếu như mà không có lực lượng này ở cơ sở thì hoạt động của các khó. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng hiện này công an xã cố gắng bố trí đến 5 đồng chí là vẫn chưa đủ. Do đó, hết sức cần thiết để có lực lượng tham gia ở cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, quân đội đã có các luật về dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động. Nhưng đối với lực lượng công an, sau khi có Luật Công an nhân dân, công an chính quy đảm nhận chức danh công an xã thì còn lực lượng hoạt động bán chuyên trách. Nếu không có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì hoạt động của công an cơ sở rất khó.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng làm rõ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở gồm một số lực lượng hoạt động theo luật và nghị định. Trong đó, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp theo Nghị định của Chính phủ; trong đó bảo vệ chuyên trách của Nhà nước do Nhà nước trả lương; lực lượng bảo vệ của doanh nghiệp do doanh nghiệp trả lương, tức là được hưởng lương. Còn lại 3 lực lượng theo tính chất phụ cấp, giao Hội đồng nhân dân quyết định mức trả phụ cấp gồm: Lực lượng bảo vệ dân phố (theo Nghị định về bảo vệ dân phố), lực lượng công an xã bán chuyên trách (do HĐND cấp tỉnh quyết định chế độ, chính sách) và lực lượng dân phòng (quy định trong Luật Phòng cháy, chữa cháy). Khi hình thành lực lượng này, cơ quan soạn thảo xác định cần làm thật rõ các nội dung đã được nêu trong các luật, nghị định. Lực lượng này sẽ giúp và hỗ trợ lực lượng công an trong công tác nắm tình hình, tổ chức, xây dựng các phong trào. Lực lượng này không thuộc công an mà thuộc chính quyền địa phương, công an quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ. Đồng thời, phải làm rõ mối quan hệ giữa lực lượng này với công an xã chính quy; mối quan hệ của lực lượng này với các tổ chức tự quản./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49902