Thảo luận về 4 dự án luật

Ngày 15/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai mươi, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình thảo luận tại tổ.

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về hai dự án Luật này.

* Tham gia thảo luận về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đề nghị rà soát lại, làm rõ hơn các quy định về chính sách thu hút đầu tư và ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo. Đặc biệt là việc quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo được đúng ý nghĩa, tinh thần của Hiến pháp, tránh việc lạm dụng để sinh ra nhiều loại giấy phép con. Theo đại biểu, không nên bỏ phụ lục về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh để tránh việc áp dụng tùy tiện khi triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, về ưu đãi đầu tư còn cần quy định ưu đãi đầu tư theo vùng lãnh thổ nhằm đảm bảo đầu tư đồng đều ở tại những địa phương có điều kiện KT-XH khó khăn. Về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đại biểu đề nghị cần phải được phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương thực hiện.

Tham gia thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mô hình hộ kinh doanh. Việc quy định mô hình hộ kinh doanh trong văn bản dưới luật là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Đại biểu đề nghị làm rõ quy định về số vốn Nhà nước sở hữu trong doanh nghiệp Nhà nước. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật nên quy định số vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp Nhà nước nên là 100%. Về việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nhỏ từ 10% xuống còn 3% là không hợp lý, đề nghị giải thích rõ lý do của việc giảm này. Đại biểu không đồng ý với việc bỏ con dấu bởi quy định về con dấu như hiện nay không có vấn đề gì, ngược lại việc thay đổi quy định có thể gây xáo trộn và tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về hai dự án Luật này.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thảo luận tại Tổ, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung sau: Về phạm vi sửa đổi, bổ sung; trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; việc bổ sung hình thức văn bản nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hình thức thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán nhà nước; việc bỏ quy trình lập đề nghị xây dựng đối với một số nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; việc bổ sung các trường hợp và thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn…

Đối với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), thảo luận tại Tổ, về cơ bản các đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, việc sửa đổi Luật Thanh niên là yêu cầu tất yếu khách quan, một mặt đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra, mặt khác nhằm thể chế hóa các quan điểm, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; tạo hành lang pháp lý và điều kiện cho thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Ngoài ra, các các đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận về một số nội dung như: Độ tuổi thanh niên; cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên; quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong Luật; chủ thể có trách nhiệm đối thoại với thanh niên; quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên; tổ chức thanh niên…

* Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng: Rất cần thiết thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về công tác thanh niên sao cho phải thật sự phù hợp với tầm quan trọng của công tác thanh niên. Chỉ nên quy định vào luật các chính sách đặc thù của thanh niên. Đặc biệt là việc thanh niên tham gia vào việc hoạch định chính sách...

Đại biểu Quách Thế Tản, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cơ bản đồng ý với dự thảo luật. Đồng ý quy định tuổi thanh niên là từ 16 đến 30 tuổi...

Hoài Thu (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh- TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/135019/thao-luan-ve-4-du-an-luat.htm