Tháo trần tư duy để thúc đẩy tăng trưởng

Phải tháo trần tư duy để hành động, để cải cách mạnh mẽ chuyển triệt để và nhất quán sang kinh tế thị trường...

Tăng trưởng nhờ xuất khẩu nhưng khá bấp bênh, không chắc chắn, rủi ro không nhỏ!

Tăng trưởng nhờ xuất khẩu nhưng khá bấp bênh, không chắc chắn, rủi ro không nhỏ!

Năm 2019 này, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Nhưng về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo thì chưa thể yên tâm. Chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng, tiềm năng tăng trưởng có dấu hiệu suy giảm, động lực tăng trưởng thiếu bền vững… Vì thế, duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% ở năm 2020 là rất gian nan.

Đây là dự báo được đưa ra tại Hội thảo “Động lực cho Kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và NBN Media tổ chức trong khuôn khổ Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform) tổ chức ngày 31/10/2019.

Gian nan tăng trưởng 6,8%

Mặc dù năm 2019 nền kinh tế sẽ tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Nhưng phía sau các thành quả ấn tượng này là sự bấp bênh và chông chênh, phía trên bức tranh kinh tế nhiều thành quả vẫn phảng phất 4 đám mây màu xám. Vì thế, khi Chính phủ dự kiến năm 2020, GDP tăng khoảng 6,8%, CPI bình quân tăng dưới 4%… thì CIEM chỉ dự báo tăng trưởng GDP vào khoảng 6,72%, lạm phát bình quân khoảng 3,17%.

Thuyết minh cho dự báo này, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, cả động lực, tiềm năng và chất lượng tăng trưởng đều đang có những vấn đề.

Theo ông Dương, động lực cho tăng trưởng kinh tế ở 3 quý vừa qua dựa nhiều vào xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, vào khu vực FDI… Nhưng tới đây xuất khẩu sẽ không dễ dàng gì. Cho đến tháng 10 này, tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như EU, Trung Quốc… giảm so với năm trước; riêng xuất khẩu vào Mỹ là tăng, nhưng đây chính là rủi ro rất lớn khi Mỹ đang gia tăng trừng phạt với nhiều quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Trong khi xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chưa nhanh như kỳ vọng; khả năng tận dụng ưu đãi từ các FTA hiện có nhìn chung chưa cao… Xuất khẩu của khu vực FDI đã có sự giảm tốc.

“Tăng trưởng nhờ xuất khẩu nhưng khá bấp bênh, không chắc chắn, rủi ro không nhỏ”, TS. Nguyễn Đình Cung – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng có chung quan điểm.

Bên cạnh đó, tích lũy tài sản tăng chậm hơn các năm trước, gây ra lo ngại về năng lực sản xuất trong tương lai. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực và lao động vẫn còn thấp, các vấn đề môi trường đang phức tạp hơn… hiệu quả sử dụng nguồn lực ở khu vực công còn nhiều bất cập. Tình trạng lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước còn hiện hữu, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm, làm giảm hiệu quả đầu tư công và tăng chi phí vốn (kể cả chi phí cơ hội)…

“Mặc dù chúng ta có những quy định có những chỉ đạo, thậm chí là “đe dọa” về trách nhiệm để thúc đẩy đầu tư công thế nhưng việc giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm”, ông Dương nói.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với nhận định tiềm năng tăng trưởng đang suy yếu, động lực tăng trưởng hiện tại cũng đang suy giảm. Bên cạnh đó là những yếu kém về cơ cấu của nền kinh tế đã tích tụ trong nhiều năm chưa thể khắc phục ngay trong ngày một, ngày hai. Vì thế “duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% ở năm 2020 là rất gian nan”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu.

Kinh tế tư nhân khẳng định sức sống

Trong bối cảnh đó, CIEM cho rằng, kinh tế khu vực tư nhân ở Việt Nam phát triển khá nhanh và mạnh, trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Khu vực tư nhân đã vươn lên thành động lực chính của tăng trưởng quý 3 và 3 quý năm nay.

Quả vậy, trong khi khu vực FDI chịu ảnh hưởng khá nhiều từ căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, bằng chứng là xuất khẩu của khu vực này giảm tốc mạnh chỉ tăng 5%; nhưng DN tư nhân trong nước vẫn đầy sức sống, vẫn năng động khai thác các thị trường xuất khẩu, phát triển xuất khẩu tương đối nhanh, ở mức 2 con số. Hay khi đầu tư công giảm rất chậm và không có những dự án đình đám thì đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh nhất, đầu tư nhiều dự án hạ tầng lớn và đang tạo động lực cho đầu tư toàn xã hội.

“Như vậy càng khẳng định rằng chúng ta phải tin tưởng vào khu vực DN trong nước, họ có thể vận dụng cơ hội từ hội nhập, họ có sức sống có sức thích nghi, vấn đề là chính sách phải hỗ trợ và tạo thuận lợi hơn cho họ”, ông Dương phát biểu.

Vì lẽ đó, để tạo động lực dài hơn bền vững cho tăng trưởng là cần tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển. Muốn vậy, theo các chuyên gia phải tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách, tiếp tục cải cách nền tảng kinh tế vi mô bằng việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ DN tư nhân.

“Nhiệm kỳ hiện tại ghi dấu ấn của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách vi mô. Tuy nhiên, trong khi Chính phủ làm tương đối tốt việc ổn định vĩ mô thì những cải cách vi mô chưa được như kỳ vọng”, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết.

Theo ông, cải cách vi mô phải là một sự chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, tự do hóa thị trường trong nước, nâng cao mức độ an toàn và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Phải cải cách mạnh mẽ hơn, cái gì cần bỏ phải bỏ, cái gì cần làm phải làm và làm trên cơ sở khoa học, có bằng chứng. Ở Việt Nam, mọi thứ đang đè nén thị trường, thế thì ta phải đẩy nó, phải thị trường, thị trường, thị trường hơn nữa”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Phải tháo trần tư duy để hành động, để cải cách mạnh mẽ chuyển triệt để và nhất quán sang kinh tế thị trường. Nếu không thì ngay cả kịch bản duy trì mức tăng trưởng hiện tại (6%/năm), đến năm 2045 Việt Nam có GDP/người là 31.156 USD, bằng Hàn Quốc năm 2011, bằng Malaysia năm 2022, bằng Trung Quốc năm 2030 cũng không đạt được.

Linh Ly

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thao-tran-tu-duy-de-thuc-day-tang-truong-94118.html