Thắp lại ước mơ cảng nước sâu Trần Đề

Một lần nữa, lãnh đạo và người dân Sóc Trăng lại khấp khởi, 'mơ' về một cảng biển quốc tế ngay chính quê hương mình khi trong số 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 4 tới đây có tên cảng quốc tế Trần Đề, với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 100.000 tấn.

Khu vực ngoài khơi cách bờ Nam Cù Lao Dung khoảng 16 - 20km là vùng quy hoạch phát triển cảng biển quốc tế Trần Đề. Ảnh: TÍCH CHU

Khu vực ngoài khơi cách bờ Nam Cù Lao Dung khoảng 16 - 20km là vùng quy hoạch phát triển cảng biển quốc tế Trần Đề. Ảnh: TÍCH CHU

Một lần nữa người viết buộc phải sử dụng lại cụm từ này bởi sau khi tái lập tỉnh Sóc Trăng không lâu, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng cảng nước sâu Trần Đề đã được các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Kinh tế biển TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Một số tập đoàn tài chính, xây dựng, hàng hải quốc tế cũng đã có những phiên làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về việc đầu tư cảng biển nước sâu có khả năng tiếp nhận được tàu từ 50.000 – 70.000 tấn và lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư một cảng biển theo hình thức BOT vào tháng 7-2002. Và dù hàng chục năm đã trôi qua, nhưng niềm mong mỏi, sự kỳ vọng của người dân và lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về một cảng biển nước sâu chẳng những không hề nguôi ngoai mà vẫn luôn cháy bỏng nhằm tạo nên đột phá mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cả khu vực.

Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã rất quan tâm đến đề xuất này, bởi theo ông, trong số các khu vực được khảo sát chỉ có khu vực Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng là hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi nhất cho việc hình thành nên một cảng biển nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một khi được hình thành, đây sẽ là một cảng quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đưa hàng hóa xuất khẩu đi nước ngoài và ngược lại đối với toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chứ không chỉ riêng Sóc Trăng. Chính từ những tiềm năng, lợi thế đã được các nhà khoa học chứng minh, cùng nhu cầu bức xúc trong việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên vào tháng 5-2017, tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương bổ sung cảng biển Trần Đề vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam (Loại IA).

Cảng Trần Đề có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 100.000 tấn sẽ trình Chính phủ thông qua từ tháng 4-2021. Ảnh: Internet

Việc bổ sung cảng biển quốc tế Trần Đề vào quy hoạch để trình Chính phủ vào tháng 4 tới đây được xem là bước đột phá mới cho sự phát triển giao thông vận tải nhằm kích thích kinh tế toàn vùng phát triển. Khi đó, cảng biển quốc tế Trần Đề cùng với sân bay quốc tế Cần Thơ và các tuyến cao tốc đường bộ, đường sắt (sẽ được hình thành trong tương lai gần), cầu Đại Ngãi… sẽ tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông, thủy sản; tạo sức hút đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực khác, như: công nghiệp, xây dựng, thương mại – dịch vụ - du lịch… Theo đó, cảng biển Trần Đề có tổng diện tích khoảng 5.750ha, vốn đầu tư khoảng 40.000 tỉ đồng, với các hạng mục đầu tư, như: khu dịch vụ, hậu cần, logistics, cầu cảng...

Người viết vẫn còn nhớ, hôm tổng kết kết quả sản xuất vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021, khi nói về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu cũng đã không ít lần nhắc đến tiềm năng, lợi thế của cảng biển quốc tế Trần Đề và cho biết, trong tháng 4-2021, dự án cảng biển quốc tế Trần Đề sẽ chính thức trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Điều đó cho thấy, lãnh đạo tỉnh xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ luôn rất quan tâm đến dự án này và xem đây là một trong những dự án mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Và với thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải lần này, cùng với những chủ trương, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ, niềm mong mỏi, sự khát khao của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Sóc Trăng về một cảng biển quốc tế lại được thắp sáng lên và ngày càng gần với hiện thực hơn.

Một cảng biển quốc tế; một chiếc cầu nối đôi bờ sông Hậu; một tuyến giao thông chạy dọc ven biển các tỉnh trong khu vực cùng hàng loạt những tuyến đường bộ cao tốc nối các tỉnh trong khu vực với nhau và với trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh; các tuyến đường trục trên địa bàn tỉnh… được đưa vào quy hoạch, đầu tư chắc chắn sẽ tạo nên một động lực lớn cho sự vươn mình, phát triển không chỉ cho Sóc Trăng, mà còn cho các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tương lai đang còn ở phía trước, nhưng ước mơ đang dần được hiện thực hóa để góp phần quan trọng vực dậy nền kinh tế biển với tên gọi - Cảng biển quốc tế Trần Đề.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/thap-lai-uoc-mo-cang-nuoc-sau-tran-de-46423.html