Tháp Rùa, chùa Một Cột, chùa Thầy hiện lên đầy ấn tượng trong tranh sơn mài của họa sĩ 9X

Khác với các triển lãm tranh sơn mài thường diễn ra trong nhà, triển lãm Dấu thiêng của họa sĩ Chu Nhật Quang được trưng bày tại không gian ngoài trời, kết hợp với các kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long, đem đến công chúng trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt, trong những ngày tháng 10 của Hà Nội. Hoạt động do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Triển lãm Dấu thiêng của họa sĩ trẻ Chu Nhật Minh được trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long

Triển lãm Dấu thiêng của họa sĩ trẻ Chu Nhật Minh được trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long

Dấu thiêng gồm 52 tác phẩm sơn mài truyền thống về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại, được trưng bày theo 4 chủ đề.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và đông đảo giới văn nghệ sĩ đã tới tham dự triển lãm

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và đông đảo giới văn nghệ sĩ đã tới tham dự triển lãm

“Khởi” gồm 14 bức tranh sơn mài tập trung vào thể loại tĩnh vật, thể hiện sự chiêm nghiệm những giá trị thẩm mỹ của cuộc sống. “Cội” gồm 17 bức tranh, về những nét văn hóa và di sản của dân tộc như Hoàng thành Thăng Long, Tháp Rùa, chùa Một Cột, chùa Thầy...

Đặc biệt, có những bức tranh thể hiện hình tượng mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết. 9 bức tranh trưng bày trong chủ đề “Linh” nhằm khơi gợi sự hoài niệm về văn hóa và di sản và khơi dậy ý thức bảo vệ di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại.

Chủ đề “Nôi” gồm 12 bức tranh về quê hương, những ngôi đình làng và nghệ thuật rối, qua đó truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và niềm hy vọng duy trì những giá trị truyền thống của dân tộc qua nhiều thế hệ.

Họa sĩ Chu Nhật Quang sinh năm 1995, trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Ông nội của anh là Nghệ nhân nhân dân, họa sĩ Chu Mạnh Chấn - người có niềm đam mê sâu sắc đối với nghệ thuật, đã gắn bó với việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa của làng quê Bắc bộ qua nghệ thuật sơn mài. Cha của anh là Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long - người đã dành cả đời cho sự nghiệp múa rối nước truyền thống.

 Không gian trưng bày ngoài trời của triển lãm Dấu thiêng

Không gian trưng bày ngoài trời của triển lãm Dấu thiêng

Miệt mài theo đuổi nghệ thuật sơn mài, họa sĩ Chu Nhật Quang chia sẻ, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên trong chặng đường dài sáng tác và anh mong muốn mỗi tác phẩm ra đời sẽ góp phần mang đến hơi thở mới cho hội họa sơn mài Việt Nam.

Về họa sĩ Chu Nhật Quang và con đường sáng tác tranh sơn mài bằng tư duy và cách thức hiện đại, họa sĩ Thành Chương nhận định, Chu Nhật Quang có khả năng thiên phú về hội họa. Anh đã học hỏi và kế thừa nghệ thuật sơn mài từ gia đình, đồng thời, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật tạo hình của thế giới trong quá trình học tập ở nước ngoài, nên tác phẩm có cá tính và phong cách hòa quyện giữa truyền thống và đương đại.

 Triển lãm Dấu thiêng diễn ra đến hết ngày 15-10

Triển lãm Dấu thiêng diễn ra đến hết ngày 15-10

Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang cho biết, hiện anh đang hoàn thiện các tác phẩm sơn mài khổ lớn với đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Anh hy vọng có thể đi đến các vùng miền trên dải đất chữ S để khám phá, tìm hiểu và góp một phần bé nhỏ của mình trong việc tái hiện những vẻ đẹp của đất nước qua các tác phẩm sơn mài.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thap-rua-chua-mot-cot-chua-thay-hien-len-day-an-tuong-trong-tranh-son-mai-cua-hoa-si-9x-post762329.html