Thắp sáng 'ngọn lửa' cải cách

'Ngọn lửa' cải cách thể chế, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật được Trung ương 'thắp lên' và đang được Quốc hội thực hiện nghiêm túc cần phải được thổi bùng lên, thắp sáng trong cả bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là ở các cơ quan quản lý, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và tổ chức thực thi pháp luật.

Cuối tuần qua, Quốc hội dành gần một ngày thảo luận tại tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Cùng với những kết quả rất tích cực, rất ấn tượng cũng cho thấy còn nhiều vấn đề, như đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm là "rất lo".

Một trong những mối lo đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa còn rất nhiều khó khăn, trên thực tế chắc chắn còn khó khăn hơn nhiều so với những đánh giá của cơ quan chức năng hay qua những con số về số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn cùng kỳ năm 2023.

Dù tăng trưởng GDP năm nay ước thực hiện cao hơn kỳ vọng nhưng các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, "chưa phản ánh hết những khó khăn tiềm ẩn của nền kinh tế". Lý do là bởi phần lớn mức tăng trưởng vẫn đến từ các lĩnh vực khai khoáng và xuất khẩu, trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp 72,1% giá trị xuất khẩu. Tổng Bí thư Tô Lâm khi thảo luận tại tổ đã nêu thực tế, “nhiều địa phương đang phát triển rất tốt nhưng nếu có dự án lớn rút đi là chới với ngay, hoặc có sự cố gì đó thì không gượng dậy được”. Đa phần các dự án lớn ở các địa phương cũng là dự án FDI. Nguy cơ ở các địa phương cũng là nguy cơ tiềm tàng trên bình diện cả nước nếu chúng ta không có những biện pháp và hành động quyết liệt hơn nữa để nuôi dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nội địa cả về số lượng và chất lượng.

 Quốc hội tập trung cao độ xem xét sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, thuế, đầu tư... nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Quốc hội tập trung cao độ xem xét sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, thuế, đầu tư... nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Nói như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp nội địa thiếu cơ chế, chính sách để phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân với vai trò xương sống của nền kinh tế hiện đang đóng góp gần 45% GDP, 1/3 ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 85% lực lượng lao động. Những con số này cho thấy, các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng đóng góp đó sẽ còn lớn hơn nữa nếu doanh nghiệp tư nhân được giải phóng khỏi những rào cản về cơ chế, thủ tục, thiếu vốn và cạnh tranh không lành mạnh…

Rất nhiều vướng mắc về thể chế, ở tầm luật đã được Quốc hội khẩn trương tháo gỡ thời gian qua. Ngay tại Kỳ họp thứ Tám này, Quốc hội cũng đang tập trung cao độ xem xét các đề xuất của Chính phủ để sửa đổi, bổ sung một loạt các luật trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, thuế, đầu tư... Tuy nhiên, những cải cách ở tầm luật chỉ phát huy hiệu quả khi những vướng mắc, ách tắc do các văn bản dưới luật và công tác tổ chức thực hiện gây ra cũng được tháo gỡ đồng bộ, thậm chí phải quyết liệt hơn, khẩn trương hơn.

Từ thực tiễn hoạt động, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho biết: rào cản thủ tục hành chính, các chi phí không chính thức vẫn như một "vòng kim cô" kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó, chi phí tuân thủ pháp luật bình quân cho doanh nghiệp ở Việt Nam chiếm 20 - 30% lợi nhuận, trong khi tại Singapore, con số này chỉ là 5 - 10%. Báo cáo chỉ số PCI 2023 cho thấy, có đến 20,4% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải dành trên 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật, tương đương con số của năm 2022. Thủ tục đầu tư dự án rất phức tạp, phải qua khoảng 38 - 40 con dấu với thời gian xử lý trung bình 2 - 3 năm do bất cứ thủ tục nào cũng phải hỏi ý kiến các sở, ngành liên quan bằng văn bản. Hay trong tiếp cận vốn, thống kê cho thấy chỉ 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi các doanh nghiệp này lại là đối tượng cần rất nhiều nguồn lực tài chính để mở rộng quy mô, đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh...

Rõ ràng, những rào cản trên đây chủ yếu nằm ở các văn bản dưới luật, ở công tác tổ chức thực hiện pháp luật và cả ở tư duy nặng về quản lý, tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm nên cứ “đẻ” ra những thủ tục ngoài luật của đội ngũ thực thi pháp luật.

Một thông điệp chung được phản ánh ở hầu hết các tổ trong phiên họp cuối tuần qua của Quốc hội chính là phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển - nhưng không phải là những tuyên bố chung chung mà phải bằng những chính sách cụ thể, hành động cụ thể, đặc biệt là việc cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, cải cách môi trường kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

“Ngọn lửa” cải cách thể chế, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật được Trung ương "thắp lên" và đang được Quốc hội thực hiện nghiêm túc cần phải được thổi bùng lên, thắp sáng trong cả bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là ở các cơ quan quản lý, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và tổ chức thực thi pháp luật.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thap-sang-ngon-lua-cai-cach-post394541.html