Thất nghiệp trầm trọng ở Tây Ban Nha và Pháp

Theo các số liệu vừa được Ủy ban châu Âu chính thức công bố, số người thất nghiệp ở Tây Ban Nha và Pháp đã đạt kỷ lục mới trong khi cuộc khủng hoảng của nền kinh tế châu Âu vẫn hết sức trầm trọng và các biện pháp thắt lưng buộc bụng được áp đặt khắp châu lục này.

 Tại Pháp, số người xin việc làm ở hạng A, tức là mất hoàn toàn việc làm, vào tháng 3/2013 tăng chưa từng có trong lịch sử.

Tại Pháp, số người xin việc làm ở hạng A, tức là mất hoàn toàn việc làm, vào tháng 3/2013 tăng chưa từng có trong lịch sử.

Viện thống kê quốc gia Tây Ban Nha cho biết tại nước này hiện có 6.202.700 người thất nghiệp và là lần đầu tiên con số ấy vượt quá 6 triệu người. Như vậy, số người không có việc làm ở đây đang chiếm tới 27,12% tổng số người trong độ tuổi lao động, tuy nhiên, nếu tính riêng ở thanh niên, tỷ lệ này đạt tới 57,22%.

Chính cơ quan trên đã nhận định rằng tỷ lệ thất nghiệp ở nước này sẽ còn cao hơn nếu khoảng 280.000 thanh niên Tây Ban Nha không rời khỏi đất nước vào năm 2012 để tìm việc làm.

Hiện tại, gần 2 triệu gia đình Tây Ban Nha không có thu nhập do tất cả các thành viên trong gia đình bị thất nghiệp. Kể từ năm 2008, Tây Ban Nha đã bị mất 4 triệu việc làm và từ khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này luôn cao thứ hai trong khu vực đồng euro, sau Hy Lạp, nơi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 7,7% vào năm 2008 và 27,2% vào đầu năm nay.

Tại Pháp, số người xin việc làm ở hạng A, tức là mất hoàn toàn việc làm, vào tháng 3/2013 tăng chưa từng có trong lịch sử, lên tới 3.224.600 người. Trong tháng đó đã có là 5 triệu người đăng ký xin việc làm. Trước đó, vào hồi cuối năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp tại đây đạt tới 10,6% và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 25,4%.

Điều đáng nói là con số thất nghiệp kỷ lục ở Tây Ban Nha và Pháp nằm trong sự leo thang chung của tình trạng thất nghiệp trong toàn Liên minh châu Âu (EU), song đặc biệt tập trung tại các nước phải chấp nhận sự cứu trợ của EU từ khi nổ ra cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 2008. Tổng cộng khoảng 26 triệu công dân EU bị mất việc làm trong năm 2012, tức là chiếm 12% tổng số người trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha từ 14,8% tăng lên 17,5% và của Síp từ 10% lên 14%.

Do ảnh hưởng của nạn thất nghiệp, so với cùng thời kỳ năm ngoái, số xe mới được tiêu thụ ở Đức và ở Italy giảm 13% trong quí 1 vừa qua, trong khi ở Pháp giảm tới 14,5%. Mới đây, Phó Tổng giám đốc Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) David Lipton đã lưu ý tới những nguy cơ xuất phát từ sự cắt giảm chi tiêu xã hội liên tục, sẽ đẩy toàn châu Âu vào một vòng xoáy suy giảm kinh tế, điều đó hiện đang diễn ra ở Hy Lạp.

Xuất phát từ thực trạng kinh tế EU, mới đây, một cuộc thăm dò dư luận xã hội ở châu Âu cho thấy đang nổi lên một hiện tượng "tẩy chay EU” tại một số nước, cụ thể, khi 42% người Ba Lan, 53% người Italy, 56% người Pháp, 59% người Đức, 69% người Anh và 72% người Tây Ban Nha được hỏi, đã nói không còn tin tưởng gì vào EU với tư cách là một thể chế vững chắc. Kết quả này hoàn toàn không thể xem nhẹ khi các nước này chiếm hơn hai phần ba trong số 500 triệu dân EU./.

Mai Hằng

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/that-nghiep-tram-trong-o-tay-ban-nha-va-phap/20135/167609.vgp