Thay đổi để phát triển

Vừa qua, một hãng ta-xi quyết định thay đổi cách thức kinh doanh theo phương pháp cũ, mạnh dạn phát triển mạng lưới 'xe ôm' ứng dụng công nghệ thông tin để cạnh tranh với các hãng 'xe ôm công nghệ' như Uber, Grab đang thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận.

Hãng này cho biết đã tự xây dựng ứng dụng gọi xe và sẽ phát hành trên hai hệ điều hành iOS và Android, do đó người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) có thể dễ dàng sử dụng. Ngoài việc áp dụng mức giá cước có nhiều ưu đãi với khách hàng, mức chiết khấu cho lái xe thấp hơn so các công ty công nghệ trên thị trường thì tính minh bạch thông tin về đội ngũ lái xe, kỷ luật làm việc là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp gây dựng niềm tin đối với khách hàng. Dự kiến sau ngày 20-11, hãng này sẽ triển khai dịch vụ tại ba thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Nếu việc triển khai có hiệu quả, mô hình kinh doanh nêu trên sẽ tiếp tục được mở rộng tại nhiều tỉnh, thành phố khác.

Trước sự ra đời “xe ôm công nghệ” của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong nước cho thấy đã đến lúc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không thể nằm ngoài những tiến bộ khoa học và ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống. Biết nắm bắt cơ hội, kịp thời thay đổi để đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn của thị trường là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Chậm thay đổi sẽ khiến quá trình tụt hậu diễn ra nhanh hơn.

Chỉ riêng trong lĩnh vực vận tải hành khách, có thể thấy sự xuất hiện của Uber, Grab thời gian qua đã tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường. Đó là sự lớn mạnh của ta-xi, “xe ôm công nghệ” cùng với đó là hàng loạt hãng ta-xi truyền thống phải giảm bớt hàng nghìn đầu xe cho thấy mức độ chuyển dịch mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của khách hàng.

Một trong các yếu tố tạo ra sự thay đổi chính là việc ứng dụng công nghệ. Với số dân hiện nay là 93 triệu người và hơn 130 triệu thuê bao di động, việc thay đổi thói quen đi lại từ chính chiếc điện thoại có thể được ví như một cuộc cách mạng trong lĩnh vực vận tải. Không còn phải chầu chực xếp hàng mệt mỏi, tốn kém thời gian mới đặt mua được một chiếc vé, giờ đây ở bất cứ vị trí nào, thời gian nào, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh được kết nối mạng, người dân đều có thể lựa chọn cho mình một chuyến xe với lộ trình minh bạch, giá cước công khai, thông tin về xe và lái xe cụ thể. Thậm chí khách hàng còn được quyền xếp hạng các lái xe theo chất lượng dịch vụ mà họ nhận được.

Mọi phản hồi, khiếu nại từ khách hàng được gửi thẳng về bộ phận quản lý, và họ sẽ được nhận câu trả lời chỉ trong thời gian ngắn. Những thay đổi quan trọng ấy giúp khách hàng thật sự trở thành đối tượng được chăm sóc, khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế” không còn mang tính hình thức.

Cuộc cạnh tranh giữa các hãng vận tải, giữa các phương thức kinh doanh dù có thể gây ra không ít những tranh cãi ồn ào, nhưng xét ở khía cạnh người tiêu dùng thì đó là điều cần thiết. Doanh nghiệp nào đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ được lựa chọn. Sự bảo thủ, trì trệ, tâm lý “ngủ quên trên chiến thắng” có thể khiến doanh nghiệp nhanh đến bờ vực phá sản. Bởi vậy muốn phát triển bền vững, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34769002-thay-doi-de-phat-trien.html