Thay đổi địa chính trị châu Âu và thách thức của Séc trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU
Việc bắt đầu nhiệm kỳ vào thời điểm châu Âu đang có sự thay đổi địa chính trị lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh với cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến nhiều người lo ngại rằng đây sẽ là một nhiệm kỳ đầy khó khăn và áp lực với Séc.
Cộng hòa Séc sẽ chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong nửa cuối năm nay, bắt đầu từ tháng 7. Để chuẩn bị cho cương vị mới, Chính phủ Séc vừa nêu ra các ưu tiên của mình cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU sắp tới trong đó đưa ra nhiều vấn đề cấp bách mà châu Âu đang cần phải giải quyết.
Ưu tiên cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU
Cuộc xung đột Nga - Ukraine trong hơn 3 tháng qua đã khiến Cộng hòa Séc phải thay đổi hầu hết các chủ đề dự kiến khi đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của EU.
Những ưu tiên cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Séc trong trong năm 2022 đã được chính phủ của Thủ tướng tiền nhiệm Andrej Babis xác định từ gần 1 năm trước. Tuy nhiên, kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, những ưu tiên của Séc đã buộc phải điều chỉnh lại. Đến ngày 15/6, Chính phủ Séc mới chính thức phê duyệt những ưu tiên chính cho nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Séc bắt đầu từ ngày 1/7 đến cuối năm nay.
Theo đó, Séc sẽ tập trung vào 5 ưu tiên chính gồm: Giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn và tái thiết Ukraine sau chiến tranh; vấn đề an ninh năng lượng; tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh mạng của châu Âu; khả năng phục hồi của nền kinh tế châu Âu và các thể chế dân chủ.
Lý giải nguyên nhân lựa chọn những ưu tiên này, người đứng đầu chính phủ Séc khẳng định, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm ảnh hưởng nhiều quan điểm của Séc nói riêng và châu Âu nói chung đồng thời làm bộc lộ những điểm yếu của kiến trúc an ninh ở châu Âu. Do đó, trong thời gian tới, Séc sẽ cùng với các đối tác châu Âu có cơ chế hợp tác mạnh mẽ và sử dụng sức mạnh của mình để mang lại lợi ích cho toàn thể người dân.
Kế hoạch giúp châu Âu đối phó với các thách thức
Những diễn biến tại Ukraine không chỉ khiến thay đổi địa chính trị châu Âu mà còn đang gây những hậu quả nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế của lục địa này.
Trước khi cuộc chiến diễn ra, các nền kinh tế EU đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng trở lại nhưng sau khi xung đột gia tăng giữa Nga và Ukraine, lạm phát đã tăng cao kỷ lục tại châu Âu, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khủng hoảng năng lượng, lương thực và gián đoạn các chuỗi cung ứng đã đẩy các nền kinh tế của EU tuột dốc. Nếu như lạm phát ở vài tháng trước ở mức trung bình khoảng 4% thì nay đã tăng lên gần gấp đôi, chi phí sinh hoạt của người dân cũng tăng đột biến khiến nhiều chính phủ buộc phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ cấp thiết. Do đó, với vị trí là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong nửa cuối năm nay, Cộng hòa Séc sẽ phải đưa ra các ưu tiên về chuyển đổi xanh, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Nga cũng như có sáng kiến phù hợp để khối có thể hồi phục kinh tế hậu Covid.
Mặt khác, Cộng hòa Séc sẽ phải linh hoạt trong việc sử dụng nguồn tiền từ các quỹ châu Âu. Ngay trong phần trình bày về các ưu tiên của nhiệm kỳ Chủ tịch EU, Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu Mikulas Bek cho biết, Séc sẽ là người điều tiết cuộc tranh luận để có sự linh hoạt hơn trong việc sử dụng ngân sách châu Âu theo các ưu tiên giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và khôi phục nền kinh tế Ukraine nói riêng và EU nói chung. Đây sẽ là vấn đề cốt lõi đối với EU vì cả Ukraine và các nước thành viên đều đang phải đối mặt với tình hình mới và những thách thức mới. Để đảm bảo yêu cầu này Séc sẽ phải nỗ lực sửa đổi một số tiêu chuẩn luật pháp quy định việc sử dụng ngân sách châu Âu. Ngoài ra, Séc cũng phải giải quyết đề xuất của Ủy ban châu Âu liên quan đến đa nguyên truyền thông và điều tiết các cuộc tranh luận về pháp quyền.
Nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch hành động của Séc, Thủ tướng Séc Fiala cũng cho biết, các chương trình sử dụng quỹ đã được phê duyệt sẽ tăng tính linh hoạt hơn. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao thì vẫn cần sự tranh luận của các nhà lãnh đạo EU về nguồn tiền bổ sung và các công cụ mới để quản lý làn sóng tị nạn ở các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Trong lĩnh vực năng lượng, ông này cho biết, trọng tâm sẽ là gói RePowerEU của Séc, mở đường cho việc mua khí đốt chung và sử dụng các nguồn tài chính châu Âu để hoàn thiện hệ thống năng lượng.
Cơ hội và thách thức của Cộng hòa Séc
Từ khủng hoảng ở Ukraine, an ninh năng lượng cho đến cuộc khủng hoảng người tị nạn và tăng cường khả năng phòng thủ của EU, rõ ràng Séc đang đứng trước nhiệm vụ không dễ dàng trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của EU.
Giữa bộn bề những khó khăn chung của khối, việc Cộng hòa Séc đứng vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong nửa cuối năm nay được ví như “một nhiệm kỳ Chủ tịch trong thời chiến”. Cuộc chiến giữa Nga với Ukraine đã thay đổi hoàn toàn cục diện địa chính trị ở châu Âu và EU sẽ phải điều chỉnh một loạt các chính sách của mình - từ chính sách năng lượng đến chính sách đối ngoại và khu vực lân cận. Do đó, có thể chính phủ Séc sẽ định hình chương trình nghị sự chính trị của nhiệm kỳ Chủ tịch xoay quanh cuộc chiến và phản ứng của EU về cuộc chiến này.
Ưu tiên lớn nhất trong nhiệm kỳ này của Séc là cố gắng triển khai hiệu quả cuộc thảo luận về “chuyển đổi xanh” như một phương tiện để đạt được một chính sách năng lượng cho EU một cách an toàn và độc lập hơn, tập trung vào các biện pháp để thay thế nhập khẩu nhiên liệu từ Nga trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng tăng mạnh trong mùa đông tới. Nếu thành công thì đây sẽ là bước đi đột phá trong nhiệm kỳ này và có thể giúp tăng cường hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi, giảm thiểu một phần rủi ro đối với các mục tiêu chung về khí hậu của EU. Bên cạnh đó, là tham gia tích cực, tạo thuận lợi cho việc xây dựng các kết nối đường ống mới và các điểm trung chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); có những điều chỉnh đối với chính sách năng lượng chung của EU qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo trên lục địa này.
Thách thức tiếp theo trong nhiệm kỳ này là việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh và sự hội nhập chặt chẽ hơn của nước này với Liên minh châu Âu. Mặc dù hầu hết các quốc gia EU ủng hộ Ukraine trở thành thành viên, nhưng để gia nhập vào khối này thì sẽ cần thời gian bao lâu vẫn là một câu hỏi lớn chưa thể có lời giải. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là EU sẽ không thể để Ukraine trở thành một Thổ Nhĩ Kỳ hay Tây Balkan khác bên ngoài EU trong nhiều thập kỷ bởi nó sẽ tác động rất lớn đến ý chí chính trị cũng như những hậu quả tiềm tàng khác mà EU không thể lường hết. Nếu giải quyết bài toán này thì đây sẽ là một điểm nhấn đặc biệt trong nhiệm kỳ lần này của Cộng hòa Séc.
Trong bối cảnh các quốc gia đang phải hứng chịu những dòng người di cư đổ về Địa Trung Hải và mới nhất là cuộc di tản kỷ lục người dân từ Ukraine sang các quốc gia châu Âu, chủ đề đang gây tranh cãi giữa các quốc gia mà Cộng hòa Séc có thể ưu tiên giải quyết trong các cuộc đàm phán sắp tới là “Hiệp ước mới về di cư và tị nạn”. Đây là một trong những vấn đề mà các quốc gia trong Liên minh châu Âu chưa đạt được sự đồng thuận. Giải quyết nội dung đang tranh cãi hiện nay với một cách tiếp cận mới cũng như tạo lập một cơ chế chia sẻ, hỗ trợ đối với dòng người tị nạn từ các quốc gia châu Âu sẽ là tiền đề quan trọng để tạo lập một hình ảnh, vị thế mới của Cộng hòa Séc trong nhiệm kỳ lần này./.