Thay đổi tại Ngân hàng Thế giới

Sự ra đi của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đương nhiệm cùng với việc đề cử chủ tịch mới, đi kèm với chiến dịch vận động các nước, cho thấy sứ mệnh của WB sẽ có nhiều thay đổi trong những năm tới.

Chủ tịch WB đương nhiệm, David Malpass sẽ từ chức vào tháng 6 tới, sớm hơn thời điểm kết thúc nhiệm kỳ đến một năm. Ông chịu sức ép buộc phải từ chức vì nhiều người cho rằng ông thuộc trường phái chối bỏ biến đổi khí hậu là do con người gây nên. Khi được hỏi ông có chấp nhận quan điểm khoa học được đồng thuận cao cho rằng nhiên liệu hóa thạch đang gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, Malpass lẩn tránh: “Tôi không phải là nhà khoa học”.

Trước đó, đã có nhiều tiếng nói phê phán WB không quan tâm đầy đủ đến nhu cầu của các nước bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Dư luận đòi hỏi cải tổ WB cũng như tổ chức song sinh là Quỹ Tiền tệ quốc tế ngày càng lan rộng, kể cả đến từ những nước có cổ phần lớn tại WB như Mỹ, Pháp, Đức.

Ông Malpass, xuất thân là quan chức tại Bộ Tài chính Mỹ, lại không có hoạt động gì liên quan đến biến đổi khí hậu. Các nhà hoạt động môi trường nhắc đến một nhận định của ông từ năm 2007 cho rằng ông không tin có mối liên kết giữa phát thải khí carbon và sự ấm lên toàn cầu.

Mặc dù sau lời tuyên bố tai hại, “Tôi không phải là nhà khoa học”, Malpass đã thay đổi quan điểm, khẳng định nhiên liệu hóa thạch là thủ phạm gây nên biến đổi khí hậu, sức ép buộc ông ra đi ngày càng tăng. Thượng nghị sĩ Mỹ, Ed Markey, hứa hẹn sẽ tìm mọi cách để Malpass từ chức; còn Al Gore, cựu Phó tổng thống Mỹ, nhận xét: “Người đứng đầu WB mà là một người chối bỏ biến đổi khí hậu thì không có gì nực cười bằng”.

Sau đó 10 nước, bao gồm G7 và Úc, Hà Lan, Thụy Sỹ gửi hồ sơ cho WB, đòi hỏi tổ chức này phải “cập nhật tầm nhìn”, phải đồng hành cùng các mục tiêu của Thỏa thuật chung Paris nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Thật ra ngay cả trước khi Malpass tuyên bố từ chức, WB đã có chuyển biến trong xác định ưu tiên nhằm đặt trọng tâm vào biến đổi khí hậu như một cách cụ thể hóa nhiệm vụ truyền thống là thúc đẩy phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tổ chức này vừa mới biên soạn và phát hành tài liệu như một lộ trình tiến hóa, vạch ra cách thức WB sẽ giúp các nước đối diện với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

Các khoản vay sau này thường được thiết kế để giúp các nước thích nghi với biến đổi khí hậu và chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Là cổ đông lớn nhất tại WB, Mỹ thường là nước đề cử và đề cử này thường được các nước chọn luôn. Chính quyền Joe Biden đã đề cử Ajay Banga, một người Mỹ gốc Ấn từng làm chủ tịch và CEO hãng Mastercard.

Ngay sau khi được chọn, Banga đã tổ chức một chuyến đi kéo dài cả tháng đến các nước để vận động. Đây là dịp để ông chia sẻ tầm nhìn của mình đối với WB, mà theo New York Times, là đảm nhiệm vai trò đầy tham vọng hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu trong khi duy trì cam kết cốt lõi là giảm nghèo cho các nước. Trước đó tại một buổi họp với Bộ Tài chính Mỹ, ông nói rõ quan điểm là không nghi ngờ gì nữa về nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên Banga cũng nhấn mạnh mối quan tâm cân bằng giữa hai nhiệm vụ – chống biến đổi khí hậu và mục tiêu xóa đói giảm nghèo toàn cầu. Ông cho rằng cả hai vấn đề thật ra đều có liên quan nhau và đều quan trọng như nhau. Ước tính phải cần đến một khoản đầu tư khổng lồ 125.000 tỉ đô la tính đến năm 2050 để thế giới giảm khí thải và đáp ứng mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.

Trong tài liệu vừa phát hành, WB cho rằng để có thể tiếp tục tài trợ cho các nước nghèo trong khi đồng thời cho các nước thu nhập trung bình vay thêm để chống biến đổi khí hậu, các nước cổ đông phải đóng góp thêm vốn cho WB.

Chính vì thế không phải tất cả các nước đều đồng thuận chuyện WB nghiêng về đối phó biến đổi khí hậu. Đầu tiên là các nước cổ đông sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bao gồm Saudi Arabia, Nga và Ấn Độ cùng với một số nước châu Phi và châu Mỹ Latinh phản đối việc biến WB thành một ngân hàng “xanh”.

Một số nước khác lo ngại tập trung quá mức vào biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền dành cho phát triển, hay nói cách khác tiền dành cho các nước thu nhập trung bình sẽ tăng lên còn nước nghèo sẽ bị giảm mạnh.

Theo một văn bản do 11 nước đang phát triển ký về các cải tổ của WB được Financial Times trích dẫn cho rằng “thúc đẩy phát triển chính là lý do tồn tại của thể chế Ngân hàng Thế giới” cho nên cần phải “tập trung vào mục đích thành lập thể chế này”. Trên nguyên tắc, các đề cử chủ tịch mới cho WB từ các nước vẫn được tiếp nhận đến ngày 29-3 và chủ tịch mới sẽ được bầu vào đầu tháng 5.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thay-doi-tai-ngan-hang-the-gioi/