Thay đổi thói quen

Lâu nay câu chuyện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt được nhắc đến nhiều, nhất là trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Có thể khẳng định một điều là thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều ưu điểm đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế lẫn người tiêu dùng, như giảm chi phí in tiền, tiền giả; kiểm soát và phát hiện các thanh toán phạm pháp; tiết kiệm thời gian, công sức của bên trả tiền và bên thu tiền… Nhưng, hiện nay hầu hết các giao dịch không tiền mặt mới tập trung vào các loại hình như chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, điện, nước, truyền hình... chứ chưa thực sự đi sâu vào đời sống, xã hội.

Câu hỏi đặt ra là tại sao đến nay việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn chậm, thậm chí là ì ạch. Có lẽ trước tiên phải kể đến là thói quen tiêu dùng tiền giấy. Bởi hiện nay đa phần các giao dịch với số tiền lớn, hoặc tại các trung tâm thương mại, các giao dịch trên mạng xã hội mới thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Còn phần lớn các giao dịch mua bán của người dân phục vụ cho đời sống hàng ngày thì vẫn là tiền giấy. Đối với nhiều người thì thẻ ATM chỉ là “thủ quỹ” để rút tiền giấy ra chi tiêu. Một nghịch lý là có rất nhiều giao dịch mua bán qua mạng nhưng lại thanh toán bằng tiền mặt… Có những chuyện đó, là bởi một phần người dân còn e ngại, chưa có niềm tin, sợ gặp rủi ro trong các giao dịch vào thanh toán trực tuyến và nhất là thói quen dùng tiền mặt cố hữu.

Ngoài ra hệ thống hạ tầng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt còn chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Hiện nay, cơ sở hạ tầng thanh toán vẫn tập trung ở khu vực đô thị và chưa vươn tới được khu vực nông thôn. Mặc dù hiện nay đã nở rộ các hình thức thanh toán trực tuyến như ví điện tử, thanh toán qua các nhà mạng như Viettel Pay, VNPT Pay, dịch vụ Internet bankinh của các ngân hàng… Nhưng đa số giới trẻ thạo việc mua bán trực tuyến, thạo công nghệ mới sử dụng thường xuyên. Tâm lý e ngại mất tiền oan, không tự tin vào các nền tảng công nghệ nên nhiều người chưa dám và chưa có ý nghĩ là sẽ sử dụng.

Để việc thanh toán không dùng tiền mặt thực sự đi vào cuộc sống yếu tố quan trọng là phải loại bỏ được tâm lý tiêu dùng tiền mặt của người dân, tạo được tâm lý an tâm, an toàn khi sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến. Để làm được điều đó phải có các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng thanh toán thuận tiện cho người dân; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: Điện, nước, học phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội... Áp dụng các công nghệ mới trong thanh toán điện tử tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như mã phản hồi nhanh (QR code) và triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thực hiện một số mô hình thanh toán mới trên điện thoại... Nói như vậy chỉ khi nào uống cốc trà đá, mua cái bánh mỳ mà người dùng chỉ cần vuốt màn hình điện thoại để thanh toán, đó là lúc thanh toán không dùng tiền mặt mới thực sự đi vào cuộc sống.

Lam Nguyễn

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/thay-doi-thoi-quen-134136.html