Thay đổi tích cực từ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Trong 10 năm qua, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng tỷ trọng gần 20%, từ mức 46,7% năm 2001 lên 64,5% năm 2012. Xu hướng này được dự báo tiếp tục trong thời gian tới.

 Sản phẩm công nghiệp điện tử đã vươn lên vị trí thứ hai về kim ngạch xuất khẩu.

Sản phẩm công nghiệp điện tử đã vươn lên vị trí thứ hai về kim ngạch xuất khẩu.

Tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp chế biến

Năm 2012 là năm thứ 2 thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, đã có kết quả xuất khẩu khá ấn tượng, thể hiện xu hướng đi lên vững chắc.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,2%, vượt mức 12% theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược cho giai đoạn 2011-2015 và chỉ tiêu 13-14% Quốc hội giao.

Điểm nhấn là xu hướng nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo gia tăng nhanh về kim ngạch và tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2012, nhóm này đạt kim ngạch 74 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 64,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng 24,7%,.

Đây cũng là nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất, quy mô lớn nhất, giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Trong nhóm này, một số mặt hàng có mức tăng cao như: máy ảnh, máy quay phim (247%); điện thoại (97,7%), máy tính và sản phẩm điện tử (69%)…

Trong khi đó, nhóm hàng nông-lâm-thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản có mức tăng trưởng chậm và giảm tỷ trọng trong tổng kim ngạch. Cụ thể, nhóm hàng nông-lâm-thủy sản đạt kim ngạch 21 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,3%, tốc độ tăng trưởng 6,4%.

Nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt kim ngạch 11,69 tỷ USD, chiếm 10,2%, tốc độ tăng trưởng 4,2%. Trong nhóm này, trừ dầu thô, các mặt hàng còn lại đều giảm lượng xuất khẩu, thậm chí quặng và khoáng sản giảm tới 30%.

Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm mặt hàng chủ lực đã “vắng bóng” các hàng nguyên liệu như dầu thô, gạo, cà phê... Đứng đầu là dệt may với 15 tỷ USD, điện thoại với 12,6 tỷ USD, máy tính và sản phẩm điện tử với 7,88 tỷ USD, giày dép với 7,2 tỷ USD…

Như vậy, thế mạnh truyền thống dần nhường ngôi cho các lĩnh vực gia công, chế biến mới nổi, đang làm thay đổi tích cực lĩnh vực xuất khẩu, chuyển nguyên liệu thô sang các mặt hàng chế biến.

Ngoài ra, nhóm hàng công nghiệp chế biến đã làm tăng kim ngạch 14,6 tỷ USD, riêng 4 mặt hàng chủ lực trên là 11,1 tỷ USD.

Sự chuyển đổi về cơ cấu mặt hàng theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo đã mở rộng đường vào các thị trường các nước phát triển. Cụ thể, xuất khẩu vào châu Đại Dương tăng 26,1%, châu Á tăng 23,6%, châu Âu 17,2%, châu Mỹ 15,8%. Bên cạnh đó, xu hướng này góp phần cải thiện cán cân thương mại với một số đối tác, nhất là với các nước ASEAN và Đông Bắc Á.

Định vị lại chiến lược thương mại

Theo dự báo năm 2013 của Ngân hàng HSBC, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên trong chuỗi giá trị ở một số ngành hàng chế biến, chế tạo, có hàm lượng công nghệ cao hơn.

Còn theo dự báo năm 2013 của Bộ Công Thương, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 83,5 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 66,2% (tăng thêm 1,6%). Xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 12,2 tỷ USD, tăng 4%, chiếm tỷ trọng 9,6% (giảm 0,5%). Xuất khẩu nhóm nông-lâm-thủy sản đạt 21,6 tỷ USD, tăng 3%, chiếm tỷ trọng 17,1% (giảm 1,2%).

Tuy nhiên, để thúc đẩy xu hướng tích cực về xuất khẩu, Báo cáo Xuất khẩu Việt Nam 2013 mới công bố đã khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục khắc phục những hạn chế hiện nay như: tỷ lệ nội địa hóa thấp, sự tham gia hạn chế của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, hiện một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam dù đứng đầu thế giới nhưng mới chỉ về số lượng, còn hạn chế về giá trị gia tăng. Do vậy, Việt Nam phải thay đổi vị thế “xưởng lắp ráp” thông qua tăng cường liên kết giữa ngành hàng xuất khẩu và ngành hàng hỗ trợ xuất khẩu, cải thiện khả năng cạnh tranh.

Nâng cao tỷ lệ nội địa cùng với sự tham gia mạnh hơn của doanh nghiệp trong nước trong xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và từ đó mới gắn kết tốt hơn kinh tế Việt Nam với các chuỗi giá trị toàn cầu.

Một điểm tựa quan trọng để tham gia thành công vào chuỗi giá trị gia tăng là việc xác định được vị trí của Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới, từ đó xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; đồng thời xác định các phân đoạn trong chuỗi giá trị ngành và tính khả thi liên kết theo chuỗi.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần theo sát sự chuyển dịch của các quốc gia để định vị thị trường, đối tác, mặt hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm rõ cấu trúc, chuỗi giá trị thị trường mà mình tham gia, cùng với các giải pháp đầu tư năng cao năng lực. Bên cạnh đó, Hiệp hội ngành hàng cần xác định lại năng lực sản xuất để xây dựng chiến lược xuất khẩu và đưa ra kiến nghị chính sách.

Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), chính sách xuất khẩu cần chú trọng đến khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ có tính năng động và tiềm năng lớn gắn kết trong chuỗi giá trị.

Theo Báo cáo xuất khẩu Việt Nam 2013, dự báo đóng góp của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2013-2015 cụ thể là dệt may (20%), đồ gỗ (12%), máy móc công nghiệp (11%), linh kiện thiết bị CNTT (9%) trong khi khoáng sản chỉ là 3%.

Doanh Chính

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/thay-doi-tich-cuc-tu-co-cau-mat-hang-xuat-khau-chu-luc/20135/169498.vgp