Thay đổi từ nhận thức

Đã từng có một thời, túi nhựa, chai nhựa được coi là đồ quý hiếm. Ngày còn bé, cách đây khoảng ba bốn mươi năm, tôi thường thấy ông bà ngoại cất giữ những chiếc túi nilon để tái sử dụng nhiều lần. Mỗi khi dùng xong, ông bà thường giặt sạch, gấp gọn gàng để dùng vào lần sau. Các chai nhựa cũng được tận dụng như vậy, khi thì được cắt thành cái gáo múc nước, khi thì làm thành cốc uống nước, lọ cắm hoa...

Càng về sau này, đồ nhựa ngày càng được dùng nhiều hơn trong cuộc sống. Hầu hết đồ dùng sinh hoạt trong gia đình là làm bằng nhựa như bát đũa, cốc chén, xô chậu, chai lọ, túi đựng đồ... Mọi người đều thấy dùng đồ nhựa thì tiện dụng bởi giá rẻ, không bị đổ vỡ như đồ thủy tinh.

Rồi đến một ngày, đồ nhựa tràn ngập không chỉ trong gia đình và tới cả các cơ quan, công sở, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Dần dần, người ta đã nhận ra tác hại vô cùng kinh khủng của việc dùng đồ nhựa. Theo các chuyên gia, rác thải nhựa sẽ bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời, tuy nhiên thời gian để chúng phân hủy phải tính bằng hàng trăm năm. Còn với rác thải nhựa được xử lý theo hình thức đốt thì sẽ sinh ra các khí độc bao gồm dioxin, furan… làm ảnh hưởng tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư…

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về tình hình rác thải trên thế giới cho thấy, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và 40% nhựa được sản xuất ra không được sử dụng đến. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn nhựa với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa đổ ra biển. Tình trạng sản xuất, tiêu dùng và thải đồ nhựa đang tăng lên không ngừng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì chẳng mấy chốc môi trường sẽ ngập tràn toàn rác thải nhựa.

Hiện nay, các cơ quan, công sở, đơn vị, trường học, nơi công cộng, các gia đình cũng đã hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa. Nhận thức của người dân về sử dụng đồ nhựa cũng đã từng bước thay đổi. Mới đây, Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Nhiệm vụ này không chỉ của ngành Tài nguyên và Môi trường mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội để xây dựng môi trường sống an toàn, vì sức khỏe con người.

Nguyệt Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/thay-doi-tu-nhan-thuc-136377.html