Thấy gì khi gia đình 'Pam yêu ơi' bị chỉ trích

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp kidfluencer gây ra cuộc tranh cãi về những cha mẹ như Salim và Hải Long, khi để con trở thành ngôi sao mạng xã hội từ rất nhỏ.

Sau khi tham gia sự kiện của một nhãn hàng được tổ chức tại trung tâm thương mại ở TP.HCM, Salim và Hải Long - bố mẹ "hot kid" Pam (thường gọi là Pam yêu ơi) - bị nhiều người chỉ trích vì để con gái 2 tuổi khóc lớn giữa nơi tập trung hàng trăm người đang la hét.

Một số ý kiến cho rằng vợ chồng Salim đang "thương mại hóa", lợi dụng sự nổi tiếng của con để kiếm tiền. Nhiều người chỉ trích cặp đôi khi để con liên tục tham gia quảng cáo, dự sự kiện đông người, đưa quá nhiều hình ảnh của Pam lên mạng và bỏ qua cảm xúc của con.

Tuy nhiên, những người hâm mộ bênh vực cặp vợ chồng, cho rằng việc chia sẻ hình ảnh dễ thương của Pam chỉ xuất phát từ việc muốn lưu giữ kỷ niệm và lan tỏa niềm vui tới công chúng. Nhiều người cũng nhận thấy vợ chồng Salim cũng thường xuyên thể hiện sự quan tâm đến cảm xúc của con trên các video.

Quan điểm trái chiều xung quanh gia đình "Pam yêu ơi" cũng vốn là vấn đề được tranh luận trên khắp thế giới, liên quan đến xu hướng ngày càng nhiều trẻ em được cha mẹ biến thành Influencer từ khi còn rất nhỏ.

Theo tờ El Pais, kidfluencer (cụm từ ghép giữa "kid" - trẻ em, và "Influencer" - người có sức ảnh hưởng) thuộc Gen Alpha đang bùng nổ. Nhiều trong số những trẻ em có sức ảnh hưởng thuộc nhóm sinh sau năm 2010 đã sở hữu hàng triệu USD trong tài khoản và hàng tỷ người hâm mộ.

Những đứa trẻ này sớm đạt được danh tiếng nhờ mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều vấn đề được các chuyên gia đặt ra liên quan đến sức khỏe tinh thần của những kidfluencer cũng như mặt tối của ngành - khi nhiều đứa trẻ vô tình trở thành mục tiêu của kẻ xấu hoặc bị chính cha mẹ bóc lột sức lao động.

Sự bùng nổ của kidfluencer thế hệ Alpha

Theo nghiên cứu Generation Alpha: The Real Picture (Thế hệ Alpha: Bức tranh thực tế) do cơ quan nghiên cứu truyền thông và tiếp thị GWI công bố, tại Mỹ, thế hệ Alpha có sức ảnh hưởng và sức mua vượt xa độ tuổi của mình.

"Khoảng 1/3 thanh thiếu niên có tài khoản ngân hàng mà họ có thể truy cập", báo cáo nêu. Các nhà nghiên cứu kết luận những đứa trẻ này cũng có nhận thức xã hội cao hơn ngay từ khi còn nhỏ và nhóm này sẽ trở thành người tiêu dùng của các thương hiệu lớn sớm hơn.

Vào tháng 9/2023, tạp chí Forbes đã công bố bảng xếp hạng những người sáng tạo hàng đầu trong năm - "những ngôi sao mạng xã hội biến người theo dõi của mình thành tài sản".

 Ryan Kaji (9 tuổi) kiếm được 35 triệu USD vào năm ngoái nhờ các video review đồ chơi. Ảnh: Rollingstone.

Ryan Kaji (9 tuổi) kiếm được 35 triệu USD vào năm ngoái nhờ các video review đồ chơi. Ảnh: Rollingstone.

Trong danh sách đó có Ryan Kaji (9 tuổi, Mỹ), sao nhí nổi tiếng nhờ các clip đánh giá đồ chơi. Với 36 triệu follower, cậu bé đã kiếm được 35 triệu USD vào năm 2023. Gia đình Ryan đã biến sức ảnh hưởng trực tuyến của con mình thành một công ty có tên Ryan's World, chuyên bán đồ chơi, trò chơi cờ bàn và quần áo. Cậu bé thậm chí vượt qua các "nữ hoàng mạng xã hội" như Chiara Ferragni hay Monet McMichael.

Garza Crew (7 tuổi, Mỹ) là một kidfluencer có 4,9 triệu người theo dõi. Trong các video, do mẹ cô bé thực hiện, Garza chia sẻ thói quen trang điểm và các sản phẩm mà cô bé mua như một chuyên gia thực thụ.

Cô bé 7 tuổi thậm chí nói về ý nghĩa của việc trở thành một Influencer của Gen Alpha: "Tất nhiên là chúng cháu bị ám ảnh bởi việc chăm sóc da. Tất nhiên các cửa hàng yêu thích của chúng cháu là Sephora và Ulta. Chúng cháu không có đồ chơi".

Garza Crew khẳng định rằng đã mua đồ trang điểm cùng với người chị bằng tuổi của mình kể từ khi cả hai mới 6 tuổi. Tất cả video của cô bé đều được bật kiếm tiền.

Cintia López Narvaéz (36 tuổi) là người sáng tạo nội dung trong 12 năm. Influencer người Tây Ban Nha này ban đầu có blog thời trang trước khi chuyển sang Instagram - nơi cô khoe những bộ trang phục diện đi làm.

Nhưng sau khi các con chào đời, López quyết định thay đổi chiến lược: Biến nội dung của mình xoay quanh chủ đề mẹ và bé. "Tôi làm tốt hơn với loại nội dung này, cộng đồng người theo dõi của tôi đã phát triển rất nhiều", cô nói.

Con trai 6 tuổi của cô, Jorge, đã làm người đại diện trong các chiến dịch thương mại của nhãn hàng từ khi còn rất nhỏ. López không thể nhớ hết tất cả thương hiệu từng hợp tác, nhưng cô nói rằng mọi thứ từ tã lót đến nội thất phòng trẻ em đều được tài trợ.

López khẳng định rằng con trai mình có thể làm mọi thứ theo ý muốn tự do: "Tôi lúc nào cũng hỏi trước xem thằng bé có muốn làm không, và chúng tôi luôn thực hiện các nội dung như thể đó là một trò chơi".

Cậu con trai cũng học được từ mẹ bằng cách bắt chước, cậu tự quay video kèm theo câu slogan đã nghe mẹ nói hàng nghìn lần: "Theo dõi, thích và đừng quên bật thông báo nhé".

Kiếm tiền từ sự nổi tiếng và cái giá phải trả

Theo Wall Street Journal, động lực phía sau thúc đẩy sự bùng nổ của kidfluencer chính là cha mẹ của họ. Mặc dù các nền tảng như Instagram - thuộc sở hữu của Meta - về nguyên tắc không cho phép trẻ em dưới 13 tuổi có tài khoản riêng, một số phụ huynh chọn cách quản lý các trang mạng của con mình, với hy vọng hỗ trợ chúng trong hành trình trở thành người có sức ảnh hưởng, người mẫu hoặc diễn viên.

Những kidfluencer có thể kiếm được hàng nghìn USD mỗi tháng từ các lượt đăng ký và các tương tác khác với người theo dõi, và lượng người theo dõi càng lớn sẽ càng gây ấn tượng với các thương hiệu nổi tiếng hơn.

Nhiều phụ huynh cho rằng việc chia sẻ nội dung về con cái trên mạng xã hội là tích cực, vì những đứa trẻ cũng thích điều đó, bên cạnh việc các nội dung này có thể đem về cho gia đình khoản lợi khổng lồ.

Tuy nhiên, nhiều lo ngại được đặt ra về việc những đứa trẻ nổi tiếng trở thành đối tượng của quấy rối và lạm dụng tình dục trẻ em.

Một cuộc điều tra gần đây của The New York Times đã vạch trần mặt tối của thế giới những người có sức ảnh hưởng trẻ em trên các nền tảng của Meta - như Instagram và Facebook. Những đứa trẻ có thể "rơi vào thế giới ngầm đen tối do những người đàn ông trưởng thành thống trị, nhiều trong số đó công khai thừa nhận trên các nền tảng khác rằng họ bị hấp dẫn tình dục với trẻ em".

Ava, cô bé 10 tuổi đến từ Australia, đã có tài khoản Instagram từ năm 8 tuổi. Mẹ của cô, Zoe, cho biết con gái mình "có cá tính mạnh trong một cơ thể nhỏ bé" và thích biểu diễn cho mọi người xem.

Với hơn 14.000 người theo dõi, Ava được các nhãn hàng gửi rất nhiều đồ miễn phí, từ lược chải tóc đến váy và gối. Cô bé cũng kiếm được khoảng 500 USD/tháng từ những người theo dõi trên mạng xã hội và những người ủng hộ.

Ava rất rõ ràng về cái đích mình muốn đến: "Cháu muốn trở nên nổi tiếng". Cô bé cũng bắt đầu xây dựng một thương hiệu thời trang riêng với sự giúp đỡ của mẹ.

 Ava nhận được những tin nhắn khiêu dâm từ người lạ. Ảnh: Keana Naughton.

Ava nhận được những tin nhắn khiêu dâm từ người lạ. Ảnh: Keana Naughton.

Nhưng mạng xã hội cũng có mặt tiêu cực mà Ava mới chỉ bắt đầu nhận ra. Giống như nhiều ngôi sao mạng xã hội khác, cô đã thu hút sự chú ý không mong muốn từ những tài khoản có vẻ là của nam giới.

Tài khoản của cô bé 10 tuổi nhiều lần nhận được ảnh nhạy cảm và tin nhắn khiêu dâm. Nhưng cô bé không phải thấy những ảnh này vì mẹ thường dành thời gian xóa tin nhắn xấu và chặn một số tài khoản trước khi con gái thức dậy.

"Lần đầu nhìn thấy những bức ảnh đó, tôi thấy buồn nôn, thực sự kinh tởm", Zoe nói.

Sau khi thảo luận với gia đình về các tin nhắn quấy rối, Zoe quyết định vẫn để con gái hoạt động trên mạng xã hội nhưng cảnh giác hơn, đặc biệt lưu ý khi đăng hình ảnh có thể tiết lộ bất kỳ thông tin nào về vị trí. Người mẹ cũng hiểu rằng con gái mình có nguy cơ đối diện những kẻ ấu dâm dù ở đâu, trên mạng hoặc ngoài đời thực.

Helen Schneider, chỉ huy Trung tâm Chống bóc lột trẻ em Australia, cho biết rủi ro tăng lên khi trẻ em bắt đầu có tài khoản công khai và có những người theo dõi mà chúng không biết. "Khi bạn đưa một hình ảnh trẻ em công khai, nó có thể được sử dụng theo bất kỳ cách nào, bởi bất kỳ ai, cho bất kỳ mục đích xấu nào", vị cảnh sát nói.

Trong một bài viết độc quyền, The Wall Street Journal cho biết đội ngũ an toàn tại Meta đã cảnh báo cấp trên việc các công cụ đăng ký trả phí mới trên Facebook và Instagram đang bị người lớn lợi dụng để trục lợi thông qua lạm dụng chính con cái của họ. Cảnh báo nội bộ được đưa ra sau khi họ phát hiện hàng trăm "tài khoản trẻ vị thành niên do phụ huynh quản lý" của Meta đã sử dụng tính năng này để bán nội dung độc quyền cho những khách hàng trả phí.

Mặc dù hình ảnh không liên quan đến ảnh khỏa thân, đội ngũ nhân viên của Meta đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một số phụ huynh cố tình tạo ra nội dung để "thỏa mãn tình dục cho người lớn khác". Có bằng chứng cho thấy một số phụ huynh đã tham gia vào "cuộc trò chuyện khiêu dâm" về con cái của họ hoặc bắt con họ tương tác với các tin nhắn khiêu dâm.

Thách thức và giải pháp

Ngày càng có nhiều trẻ em trở thành Influencer và cạnh tranh nhau để thu hút sự chú ý trên truyền thông xã hội. Đối với nhiều người, làm nội dung trên mạng là cách nhanh nhất để nổi tiếng và là lựa chọn nghề nghiệp phổ biến.

Một cuộc khảo sát quốc tế năm 2019 cho thấy cứ 3 trẻ em thì có một trẻ muốn trở thành YouTuber khi lớn lên, trong khi chỉ có một trong 10 trẻ muốn trở thành phi hành gia. "Nó gần giống như một hiệu ứng lây lan", Lyn Swanson Kennedy, nhà quan sát tại Collective Shout - một nhóm chống lại việc coi phụ nữ và trẻ em là vật thể - cho biết.

 Những đứa trẻ nổi tiếng dành hàng tiếng đồng hồ để sản xuất nội dung, đóng quảng cáo. Ảnh: New York Times.

Những đứa trẻ nổi tiếng dành hàng tiếng đồng hồ để sản xuất nội dung, đóng quảng cáo. Ảnh: New York Times.

Nhưng hiệu ứng lây lan này đã tạo ra một thách thức đạo đức ngày càng lớn về việc liệu trẻ em có đồng ý trở thành ngôi sao mạng xã hội hay không, và liệu chúng có thực sự hiểu sự nổi tiếng có ý nghĩa ra sao khi trưởng thành.

Chuyên gia truyền thông xã hội José Alvargonzález phân tích: "Các số liệu thống kê gần đây cho thấy một tỷ lệ đáng kể người dùng TikTok là trẻ em dưới 16 tuổi. Các nền tảng có thể thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng thể hiện cá nhân và kỹ năng giao tiếp ở trẻ em. Nhưng mặt khác cũng có những rủi ro như trẻ tiếp xúc với nội dung không phù hợp, bị tổn thương lòng tự trọng và chịu áp lực phải duy trì hình ảnh lý tưởng trước công chúng".

Trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội và sự gia tăng không ngừng của nền kinh tế kidfluencer, một số quốc gia đã đưa ra quy định về lao động đối với trẻ em có sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, lỗ hổng quản lý còn rất lớn.

Tại Mỹ, Illinois là tiểu bang đầu tiên thông qua luật yêu cầu người lớn phải trả tiền khi sử dụng hình ảnh của con cái dưới 16 tuổi để làm nội dung trên mạng xã hội. Dự luật này phần lớn được mô phỏng theo luật Jackie Coogan năm 1939 của California - được đặt theo tên của diễn viên nhí đã kiện cha mẹ vì phung phí số tiền mình kiếm được.

Luật có hiệu lực từ ngày 1/7, trong đó quy định trẻ em dưới 16 tuổi phải được trả một khoản tiền nếu xuất hiện trong ít nhất 30% nội dung được trả phí, dù là cha mẹ hay người chăm sóc đăng tải.

Người thực hiện các video có sự xuất hiện của trẻ em có trách nhiệm trích tổng thu nhập này trong một tài khoản ủy thác và đứa trẻ sẽ nhận được khi đủ 18 tuổi.

Luật này không nhắm vào những cha mẹ đăng hình ảnh con lên mạng để làm kỷ niệm mà chỉ hướng vào những người làm vlog về trẻ em và gia đình để kiếm tiền.

Các tiểu bang khác tại Mỹ, bao gồm Washington, Maryland và California, đang xem xét ban hành các phiên bản khác nhau của luật này trong bối cảnh ngành công nghiệp kidfluencer tiếp tục phát triển.

Jessica Maddox, giáo sư tại Đại học Alabama, chuyên nghiên cứu về nền tảng truyền thông xã hội, cho biết kidfluencer "rất cần sự bảo vệ giống như lao động trẻ em và nghệ sĩ giải trí khác".

Tại Pháp, một đạo luật đã được thông qua vào năm 2020 cho phép những Influencer là trẻ em dưới 16 tuổi được hưởng một phần doanh thu của họ, cũng như "quyền được lãng quên" - nghĩa là các nền tảng video phải xóa hình ảnh của trẻ em theo yêu cầu của các em mà không cần sự đồng ý của cha mẹ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-khi-gia-dinh-pam-yeu-oi-bi-chi-trich-post1500067.html