Thấy gì từ bất thường của tân Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2022?
Hình ảnh hoa hậu, á hậu của Hoa hậu Hòa bình quốc tế ngồi livestream bán hàng đang là đề tài gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Chọn hoa hậu để kiếm tiền
Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình quốc tế) 2022 đã kết thúc được hơn nửa tháng, song những hoạt động sau đăng quang của tân hoa hậu và các á hậu đến nay vẫn "án binh bất động".
Hoạt động đầu tiên ông Nawat Itsaragrisil - Chủ tịch của tổ chức Hoa hậu Hòa bình quốc tế sắp xếp cho á hậu 5 Pich Votey (người đẹp Campuchia) là livestream bán hàng cho thương hiệu khô của ông.
Sau đó, á hậu 5 mới được bổ nhiệm là Roberta Tamondong (người Philippines) cũng tham gia livestream quảng cáo thực phẩm chức năng.
Kể cả đương kim hoa hậu Isabella Menin cũng chỉ hoạt động cầm chừng, khác hẳn với lịch trình sự kiện, đại diện nhãn hàng... dày đặc của các nàng hậu tiền nhiệm.
Cô chỉ tham gia các hoạt động tập thể với Top 10 cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2022 như trả lời truyền thông, chụp ảnh, tham dự một số sự kiện. Hoa hậu Isabella Menin hầu như không có hoạt động riêng biệt.
Đến ngày 8/10, tờ Komchadluek cho biết, BTC cuộc thi tiếp tục gây tranh cãi khi để tân hoa hậu cùng 9 á hậu tham gia livestream bán vàng, vòng phong thủy cho một công ty trang sức ở Thái Lan.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên các nàng hậu phải tất bật bán hàng giúp ông Nawat. Đơn cử, Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2020 - Abena Akuaba từng chia sẻ về một nhiệm kỳ bận rộn khi thường xuyên livestream bán hàng cho chủ tịch.
Thậm chí, ông Nawat từng thẳng thắn tuyên bố tiêu chí lựa người chiến thắng của ông là những người đẹp giúp ông có thu nhập.
Ông cũng nhiều lần khen ngợi hoa hậu Thùy Tiên khi cô đại diện cho rất nhiều nhãn hàng lớn, giúp ông có được thu nhập ấn tượng.
"Hoa hậu được chọn phải là người sẵn sàng làm việc và có thái độ tốt. Cô ấy phải làm được mọi thứ một mình. Tổ chức của chúng tôi không chọn hoa hậu theo hội đồng giám khảo. Tôi không tin tưởng vào họ bởi vì họ chỉ nhìn thấy các cô gái trong vài tiếng trên sân khấu.
Chúng tôi lựa chọn theo ý kiến của các nhân viên làm việc tại tổ chức Hoa hậu Hòa bình quốc tế và đồng hành xuyên suốt cùng các thí sinh. Tổ chức của tôi, tiền của tôi bỏ ra bởi vậy tôi phải là người đưa ra quyết định cuối cùng để kiếm được hoa hậu có năng lực giúp tôi kiếm tiền".
Hoa hậu vẫn phải là biểu tượng sắc đẹp, trí tuệ
Hình ảnh hoa hậu, á hậu của Hoa hậu Hòa bình quốc tế ngồi livestream bán hàng đang là đề tài gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều khán giả cho rằng ban tổ chức cuộc thi đang lợi dụng hình ảnh của dàn người đẹp.
Thay vì đi làm từ thiện, giúp đỡ cộng đồng, dự sự kiện cao cấp... hình ảnh có thể khiến giá trị của cuộc thi bị giảm sút.
Thậm chí, điều này còn khiến các cuộc thi nhan sắc nói chung, vốn đã bị đánh đồng khi mỗi năm có hàng chục hoa hậu "ra lò", nay càng thêm thất vọng.
Tại Việt Nam, cách đây khoảng 10-20 năm trước, danh xưng hoa hậu là thứ gì đó rất cao quý, chiếc vương miện là thứ mà hàng triệu cô gái phải ao ước và người đạt được nó thực sự tài sắc, nhân phẩm vẹn toàn.
Tuy nhiên, khi Nghị định số 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn quy định không giới hạn các cuộc thi nhan sắc trong năm có hiệu lực, thực trạng "ra ngõ gặp hoa hậu" cùng với đó là lùm xùm đời tư của các người đẹp đăng quang khiến dư luận ngán ngẩm.
Là người có nhiều năm gắn bó trong giới sắc đẹp, chuyên gia đào tạo hoa hậu Phúc Nguyễn cũng phải thốt lên: "Trước đây, danh hiệu hoa hậu là điều rất cao quý, là niềm tự hào và là ước mơ của nhiều cô gái trẻ.
Hiện tại, cụm từ hoa hậu đang trở nên quá dễ dãi. Các cuộc thi ào ạt tổ chức, vàng thau lẫn lộn, không cần yêu cầu chuyên môn hay điều kiện khắt khe như trước".
Tuy nhiên nếu nhìn ở mặt tích cực, ông cũng cho rằng, đây là động lực để những đơn vị tổ chức uy tín phấn đấu, gây dựng các cuộc thi của mình vững mạnh hơn. Đây cũng là một cách để thanh lọc những đơn vị nào làm chưa tốt và có dấu hiệu thương mại hóa. Với quy luật đào thải, những chiếc vương miện sẽ về đúng giá trị của nó.
Bản thân ông cho rằng mỗi cuộc thi sẽ có tiêu chí khác nhau, nhưng ông không chấp nhận quan điểm "chọn hoa hậu để kiếm tiền".
"Khi nói ra tiêu chí tìm hoa hậu để kiếm tiền thì sẽ khiến cho các cuộc thi sắc đẹp bị thương mại hóa. Điều này làm tổn thương đến những người tổ chức các cuộc thi nghiêm túc cũng như các thí sinh.
Mỗi tổ chức có những tiêu chí riêng để lựa chọn hoa hậu. Tuy nhiên quan điểm của tôi từ trước tới nay là hoa hậu vẫn phải là một biểu tượng sắc đẹp, trí tuệ, có tiếng nói chung để xây dựng các hoạt động cộng đồng", ông Phúc Nguyễn cho hay.