Thấy gì từ con số xuất siêu kỷ lục giữa 'tâm bão' COVID-19?
Xuất siêu đạt hơn 11 tỷ USD là điều đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn vì dịch COVID-19, song vẫn còn những góc khuất để thấy rõ bức tranh mà nền kinh tế đang gặp phải.
Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa trong 8 tháng 2020 ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,2 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,1 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp gặp khó
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết ngành này đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch COVID-19, đến nay tăng trưởng xuất khẩu của các thành viên trong Hội giảm từ 20-25% so với cùng kỳ năm 2019.
Vì vậy, về mặt xuất khẩu, ngành dệt may gần như không có đóng góp gì cho "thành tích" xuất siêu đạt hơn 11 tỷ USD. Có chăng là khi xuất khẩu tăng trưởng âm, đồng nghĩa với việc nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng bị hạn chế, giảm mạnh so với cùng kỳ. Đầu ra không có thì đầu vào giảm là điều tất yếu.
Ông Hồng nói thêm, đa phần các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thể tận dụng được cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa có hiệu lực từ ngày 1/8. Nguyên nhân một phần vì tình hình thị trường châu Âu đang gặp khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế, đối tác hủy, giãn đơn hàng; một phần là các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được quy tắc xuất khẩu.
Đánh giá về triển vọng 4 tháng cuối năm nay, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, đến nay, đa phần các doanh nghiệp vẫn đang trong tình cảnh "ăn đong" đơn hàng. Doanh nghiệp duy trì hoạt động để giữ chân công nhân, chờ sang năm sau tình hình dịch bệnh được khống chế, thị trường hồi phục để tính tiếp.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp sản xuất linh kiện lắp ráp xe ô tô chia sẻ, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng cao, thời gian kéo dài có khi đến cả tháng thì hàng mới về tới.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh về con số xuất siêu kỷ lục, PGS.TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), đánh giá đây là điều hơi ngạc nhiên. Đối với nhiều người, nó là niềm vui gần như vỡ òa vì Việt Nam vốn là nước nhập siêu giờ trở thành xuất siêu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều nước tăng trưởng âm, nhất là xuất khẩu. Việt Nam vẫn là nước có cán cân thương mại tăng trưởng dương, xuất siêu khổng lồ hơn 11 tỷ USD, sẽ giúp giải quyết vấn đề cân đối ngoại tệ.
Còn nhiều vấn đề
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ chuyên môn cũng như những chia sẻ mà một số doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu đã nêu ở trên, ông Thắng cho rằng chúng ta nên tạm thời kiềm chế cảm xúc.
"Chúng ta thấy đó là con số chứa đựng sự lo lắng không nhỏ trong thời gian tới. Bởi lẽ xuất khẩu một phần là do chúng ta không nhập được nguyên liệu sản xuất, nhiều ngành như dệt may, da giày, điện tử hiện vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu", ông Thắng nói.
Theo chuyên gia này, không nhập được hàng có nhiều lý do nhưng không thể không đề cập tới câu chuyện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang rơi vào tình cảnh không có đơn hàng trong thời gian tới. Điều này phản ánh sản xuất công nghiệp đang hết sức khó khăn, máy móc không chạy hết công suất, nợ nần, thậm chí là phá sản.
"Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng cần phải nhìn thẳng vào "thành tích" xuất siêu, từ đó mới có giải pháp giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, xúc tiến tìm thị trường để doanh nghiệp có đơn hàng trong những tháng còn lại của năm 2020", ông Thắng lưu ý.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, bên cạnh kỳ vọng xuất khẩu, chúng ta còn mong muốn có thể nhập khẩu thêm nhiều loại công nghệ máy móc, thiết bị hiện đại từ các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu giảm mạnh như vậy, phải chăng chúng ta vẫn chưa khai thác được cơ hội này để "nâng chất" sản xuất? Đây là điều đáng lo.
Báo cáo mới nhất của IHS Markit cũng cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 của Việt Nam chỉ đạt mức 45,7 điểm, giảm 1,9 điểm so với tháng 7. Đây là lần giảm thứ hai liên tiếp, sau lần tăng trở lại trong tháng 6.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng đơn hàng mới và sản lượng đều giảm vì sức cầu yếu. Hoạt động sản xuất gia công có tốc độ giảm nhanh nhất và các đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh nhất. Đồng thời, số lượng đơn đặt hàng mới tăng trưởng âm khiến tỷ lệ sử dụng lao động bị thu hẹp.
Báo cáo của IHS Markitcũng chỉ ra hàng tồn kho có xu hướng tăng trong tháng 8. Giá nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất tăng phần lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu. Đó là chỉ báo cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Mặt khác, một số chuyên gia cũng cho rằng xuất siêu đạt kết quả tốt trong 8 tháng đầu năm nay một phần là do xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như mặt hàng gạo, rau quả.... của Việt Nam tăng trưởng khá. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội này, xây dựng tốt thương hiệu cho nông sản Việt Nam.