Thấy gì từ cơn sốt 'Gia tài của ngoại' tại rạp Việt?

Bộ phim Thái Lan 'Gia tài của ngoại' hiện đã thu về hơn 58,7 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam. Tác phẩm được khen gợi nhiều cảm xúc, hài hước lẫn xúc động.

"Gia tài của ngoại" gây sốt tại rạp Việt

Ra rạp từ ngày 7/6, "How to make millions before grandma dies" (tựa Việt: "Gia tài của ngoại") đạt doanh thu hơn 58,7 tỷ đồng, tính đến sáng 19/6, theo Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập). Tính riêng trong ngày 18/6, phim bỏ túi hơn 473 triệu đồng với 5.562 vé bán ra/ 1.741 suất chiếu.

Tại quê nhà Thái Lan, phim phát hành từ ngày 24/4/2024 và nhanh chóng vượt qua nhiều bom tấn của Hollywood, thống trị phòng vé, đạt doanh thu 94,7 triệu baht (hơn 65,4 tỷ đồng) trong tuần đầu ra mắt. Tác phẩm trở thành phim Thái có doanh thu mở màn cao nhất năm 2024 và cao thứ hai trong lịch sử điện ảnh xứ chùa vàng. Sau 21 ngày ra rạp, phim cán mốc 300 triệu baht (hơn 207,4 tỷ đồng), trở thành phim có doanh thu cao nhất từ đầu năm 2024 đến nay.

Phim "Gia tài của ngoại" nhiều ngày đứng top 1 phòng vé tại Việt Nam.

Phim "Gia tài của ngoại" nhiều ngày đứng top 1 phòng vé tại Việt Nam.

Songpol Wonkongdae - Giám đốc kinh doanh quốc tế của hãng sản xuất GDH - đơn vị sản xuất phim, cho rằng: "Phim chinh phục khán giả ở mọi độ tuổi. Nhiều nhóm khán giả gia đình đã lựa chọn bộ phim này để xem nhờ nội dung gần gũi của phim". Không chỉ vậy, phim còn gây sốt ở thị trường châu Á.

Tại Indonesia, phim đã vượt qua 2 triệu lượt xem, trở thành tựa phim châu Á có doanh thu lớn thứ hai tại phòng vé Indonesia từ trước đến nay, sau "Exhuma: Quật mộ trùng ma".

Tác phẩm nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn, khán giả. Trên Imdb, phi được chấm 8,4/ 10 điểm. Trên chuyên trang phim ảnh MyDramaList, khán giả đánh giá dự án gợi nhiều cảm xúc, hài hước lẫn xúc động.

Trailer phim "Gia tài của ngoại". (Video: CGV)

Thái Lan đầu tư cho điện ảnh ra sao?

Trước "Gia tài của ngoại", nhiều phim Thái từng "làm mưa làm gió" ở rạp Việt. Có thể kể đến các phim như: "Ngược dòng thời gian để yêu anh" (2022) đạt doanh thu 84,7 tỷ đồng, "Yêu nhầm bạn thân" (2019) đạt doanh thu 53,2 tỷ đồng, "Daeng: Hậu duệ tình người duyên ma" (2022) đạt doanh thu 35 tỷ đồng...

Theo The Nation, những bước tiến của điện ảnh xứ chùa vàng trong nhiều năm gần đây đến từ sự chuyển đổi thích ứng với thị trường.

Cụ thể, bên cạnh dòng phim khai thác các yếu tố văn hóa tâm linh làm nên thương hiệu điện ảnh Thái, gần đây các nhà sản xuất đầu tư đa dạng cho các thể loại để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả.

Nine Naphat (vai nam chính Palm) và Baifern Pimchanok (vai nữ chính Gink) trong phim "Yêu nhầm bạn thân".

Nine Naphat (vai nam chính Palm) và Baifern Pimchanok (vai nữ chính Gink) trong phim "Yêu nhầm bạn thân".

Mỗi năm tại Thái Lan có ít nhất hơn 20 dự án của các nhà sản xuất lớn nhỏ được ra mắt với nội dung phong phú, trong đó có nhiều chủ đề được chú ý như: giới tính, văn hóa…

Ngoài ra, chính sách của chính phủ mang lại điều kiện thuận lợi để điện ảnh Thái Lan cất cánh. Thái Lan coi văn hóa không chỉ là "trang phục bên cửa sổ" và cam kết thực hiện làn sóng sáng kiến "quyền lực mềm" để phát triển gần chục ngành công nghiệp như: điện ảnh, ẩm thực, âm nhạc, muay Thái... Do đó, chính quyền tạo nhiều chính sách cơ chế cho phát triển điện ảnh.

Cụ thể, Ủy ban Phát triển Quyền lực mềm Thái Lan đã phê duyệt tài trợ cho 10 dự án, trong đó có phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, kịch nói và phim hoạt hình.

Tháng 3/2024, nước này cũng dự kiến thành lập Thailand Creative Culture Agency (TCCA) với vốn ngân sách lên đến 7 tỷ baht (200 triệu USD) với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh của địa phương. Cơ quan mới này dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025, nếu được Quốc hội phê chuẩn và được một số bộ cam kết tài trợ.

Một tiểu ban do bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, đứng đầu và báo cáo trực tiếp với thủ tướng, cũng đã được trao quyền để bắt đầu cải cách ngành công nghiệp phim truyện và phim tài liệu.

Những thay đổi được mong chờ là: giảm bớt gánh nặng kiểm duyệt, thành lập một cơ quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc quay phim, cấp phép địa điểm, cũng như chương trình giảm giá lớn và có ý nghĩa hơn cho các sản phẩm điện ảnh trong nước, tài trợ để phát triển ngành công nghiệp địa phương.

Nhờ sự quan tâm từ chính quyền dành cho ngành điện ảnh nước nhà, nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư cho các dự án phim phát triển. Chẳng hạn, Major Cineplex Group và Workpoint Entertainment đã hợp tác để thành lập công ty sản xuất phim mang tên Carman Line Studio, trong đó có vốn đầu tư khoảng 100 triệu baht (hơn 69 tỷ đồng).

Gần đây nhất, Nation Group - công ty giải trí hàng đầu Thái Lan liên doanh với các đối tác quốc tế như Black Dragon Entertainment, Transformation Film, Bung Fai Film để sản xuất các dự án điện ảnh.

"Gia tài của ngoại" có nội dung xoay quanh câu chuyện về chàng trai trẻ M (Billkin Putthipong đóng) vốn học hành không đến nơi đến chốn, vùi đầu vào livestream chơi game với ước mơ trở thành streamer nổi tiếng nhưng thực tế lại không được ai chú ý.

Một ngày, cậu nhận được tin bà ngoại (Usha Seamkhum đóng) mắc ung thư giai đoạn cuối. Nhớ đến việc em họ của mình từng được thừa kế biệt thự nhờ chăm sóc ông, M quyết định chăm sóc bà ngoại với mong muốn cũng được bà để lại tài sản cho mình trước khi qua đời.

Chuỗi ngày gần gũi bà ngoại, M và bà có những khác biệt về lối sống, sinh hoạt cũng như cách giao tiếp từ đó nảy sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười. Thế nhưng càng ở bên bà, M càng nhận ra có những thứ quan trọng, quý giá hơn cả tiền bạc, vật chất.

Minh Hiếu

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thay-gi-tu-con-sot-gia-tai-cua-ngoai-tai-rap-viet-192240619070038672.htm