Thấy gì từ hành động bảo vệ thần tượng mù quáng của fan?

Mặc dù rapper Negav đã lên tiếng thừa nhận lỗi lầm trong quá khứ, người hâm mộ cuồng nhiệt vẫn cố chấp bênh vực, dấy lên lo ngại về tình trạng bảo vệ thần tượng một cách mù quáng.

 Rapper Negav được bênh vực bởi một bộ phận người hâm mộ mù quáng. Ảnh: @ilovemystagename.

Rapper Negav được bênh vực bởi một bộ phận người hâm mộ mù quáng. Ảnh: @ilovemystagename.

Negav đang là cái tên thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Rapper này được cho là người thành lập một nhóm hơn 3.000 thành viên, bao gồm một số nghệ sĩ, hoạt động dựa trên những bài đăng nhạy cảm, tục tĩu, liên quan đến tình dục, giới tính từ năm 2020.

Mặc dù Negav đã chính thức lên tiếng thừa nhận lỗi lầm trong quá khứ, người hâm mộ cuồng nhiệt của rapper này vẫn cố chấp bênh vực thần tượng. Họ sử dụng chữ “khờ” trong biệt danh “Út Khờ” để bảo vệ nghệ sĩ, cho rằng những lỗi lầm này thuộc về một thời tuổi trẻ bồng bột, xứng đáng được tha thứ.

Hành vi bảo vệ thần tượng một cách mù quáng, bất chấp các giá trị đạo đức không chỉ được ghi nhận ở nhóm người hâm mộ Negav. Một bộ phận fan của các nghệ sĩ từng mắc sai lầm nghiêm trọng như Seungri (Hàn Quốc), Thái Từ Khôn, Ngô Diệc Phàm (Trung Quốc) hay Diddy (Mỹ) cũng nỗ lực bênh vực thần tượng, tìm lý do bào chữa cho hàng loạt sai phạm.

 Văn hóa “stan” có thể trở nên đặc biệt độc hại, tác động xấu đến nghệ sĩ, cộng đồng và xã hội. Ảnh minh họa: Pexels/Wolfgang.

Văn hóa “stan” có thể trở nên đặc biệt độc hại, tác động xấu đến nghệ sĩ, cộng đồng và xã hội. Ảnh minh họa: Pexels/Wolfgang.

Theo The Daily Star, văn hóa “stan” (tôn thờ nghệ sĩ) trở nên đặc biệt độc hại trong bối cảnh mạng xã hội phát triển nhanh chóng. Phần lớn cá nhân tham gia vào các cuộc tranh cãi, bất chấp bảo vệ thần tượng đều là thanh thiếu niên.

Các nghiên cứu về văn hóa “stan” cũng được nhiều trường đại học tại Mỹ thực hiện, nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với học sinh, sinh viên về sự độc hại của hành vi tôn thờ thần tượng một cách mù quáng.

Văn hóa ‘stan’

Thuật ngữ “stan” là sự kết hợp giữa “fan” (người hâm mộ) và “stalker” (người theo dõi), lần đầu xuất hiện trong bài hát cùng tên phát hành năm 2000 của Eminem.

Họ là những người hâm mộ cuồng nhiệt của các nghệ sĩ, ngôi sao thể thao hay game thủ, tạo ra một cộng đồng sôi nổi, thậm chí quá khích, sẵn sàng lao vào các cuộc tranh luận không hồi kết để bảo vệ thần tượng.

 Thái Từ Khôn được fan mù quáng bênh vực khi phạm sai lầm. Ảnh: Versace.

Thái Từ Khôn được fan mù quáng bênh vực khi phạm sai lầm. Ảnh: Versace.

Theo The Daily Star, nữ giới thường là “stan” của các nghệ sĩ, bao gồm diễn viên, ca sĩ hay người mẫu. Trong khi đó, các nam thanh thiếu niên lại thể hiện sự cuồng nhiệt, ám ảnh đối với ngôi sao thể thao và game thủ nổi tiếng.

Trong khi những người hâm mộ nữ thường tạo ra bạo lực trên không gian mạng, khán giả nam quá khích dễ dàng gây bạo lực, bạo loạn thực tế.

Văn hóa “stan” không phải một khái niệm mới, bắt đầu xuất hiện từ thời The Beatles. Khán giả cuồng nhiệt của nhóm nhạc này tự nhận là “Beatlemania”, sẵn sàng bênh vực thần tượng trong mọi tình huống.

Theo tờ The Cougar Chronicle của Đại học bang California (Mỹ), văn hóa “stan” trở nên đặc biệt độc hại khi những người hâm mộ cố tình ngó lơ sai lầm của nghệ sĩ, bảo vệ thần tượng một cách mù quáng.

Không chỉ bênh vực nghệ sĩ, một số cá nhân quá khích thậm chí còn công kích những bên liên quan, cho rằng họ ghen tị với hào quang, cố tình hạ bệ các ngôi sao.

Ví dụ, trong bê bối quấy rối tình dục của Thái Từ Khôn, cô gái lên tiếng tố cáo bị cộng đồng người hâm mộ chế giễu, lăng mạ và xúc phạm. Hành vi victim blaming (đổ lỗi cho nạn nhân) của một bộ phận fan này sau đó bị lên án một cách gay gắt.

Tương tự, đối với sự việc của rapper Negav, khán giả trẻ của anh lập tức đổ lỗi cho hater (những người không thích một ngôi sao, nghệ sĩ). Họ cho rằng những người này “đào bới” quá khứ, tấn công “Út Khờ”.

Nhận thức về sai lầm của thần tượng

Theo trang Albany Student Press thuộc Đại học Albany (Mỹ), khó khăn lớn nhất của những người theo đuổi văn hóa “stan” là đối mặt và thừa nhận sai lầm của thần tượng. Họ thường “tạc tượng” người nổi tiếng hoàn hảo, không khiếm khuyết trong trí tưởng tượng.

Từ đó, những lý lẽ bao biện cho hành vi sai phạm bắt đầu được đưa ra, nhằm củng cố hình tượng không tì vết trong lòng người hâm mộ. Trước khi thuyết phục người khác, họ đã tự thuyết phục chính mình.

 Người hâm mộ cuồng nhiệt của rapper Negav bênh vực thần tượng bất chấp đúng sai. Ảnh: @ilovemystagename.

Người hâm mộ cuồng nhiệt của rapper Negav bênh vực thần tượng bất chấp đúng sai. Ảnh: @ilovemystagename.

Trong trường hợp của Negav, người hâm mộ cuồng nhiệt sử dụng trạng thái bản ngã “trẻ con” trong giao tiếp, thường được biểu hiện qua sự nông nổi, bồng bột và ham vui, để bảo vệ thần tượng.

Đây là hành vi nguy hiểm và độc hại. Sự bênh vực bất chấp từ phía khán giả khiến chính nghệ sĩ khó nhận ra sai phạm của bản thân, tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh và các bên liên quan.

Trước khi bị cáo buộc liên quan đến các hoạt động mại dâm, trốn thuế, buôn bán ma túy, Seungri (Big Bang) từng vướng nhiều ồn ào khác. Tuy nhiên, chính sự bảo vệ mù quáng của một bộ phận V.I.P. (người hâm mộ nhóm nhạc Big Bang) góp phần dung túng cho hành vi sai trái của thần tượng, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Như vậy, sự bảo vệ bất chấp đúng sai của fan cuồng nhiệt vô tình trở thành hành động gây hại cho nghệ sĩ, cộng đồng và xã hội. Điều mà khán giả chân chính cần làm là yêu nghệ sĩ bằng trái tim nóng, nhưng giữ cái đầu lạnh để phân tích phải trái, dũng cảm đối mặt với sai lầm của thần tượng.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-tu-hanh-dong-bao-ve-than-tuong-mu-quang-cua-fan-cuong-negav-post1501614.html