Thấy gì từ Qatar 2022?

28 ngày qua mau, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lần thứ 22 đã khép lại! Có lẽ bóng đá hiện đại đã phát triển đến đỉnh cao nên World Cup giờ đây hiếm khi chứng kiến một cuộc cách mạng chiến thuật. Vẫn là những sơ đồ cơ bản 4-4-2, 4-5-1, 3-5-2 được biến thể, nhưng Qatar 2022 vẫn mang đến cho giới chuyên môn những bài học cùng thu hoạch thú vị, bổ ích.

Vai trò những cầu thủ chạy cánh như Mbappe ngày càng quan trọng

Vai trò những cầu thủ chạy cánh như Mbappe ngày càng quan trọng

Lối chơi mang thương hiệu Barca này từng giúp đội tuyển Tậy Ban Nha (TBN) có 4 năm hoàng kim rực rỡ: sau khi đăng quang ở EURO 2008 là lần đầu tiên bước lên đỉnh thế giới ở World Cup 2010 và 2 năm sau nữa là nhà vô địch châu Âu đầu tiên bảo vệ được ngôi vương. Tuy nhiên sau thất bại ở EURO 2020 và những gì diễn ra tại Qatar, Tiqui-Taca có lẽ đã chính thức đi vào dĩ vãng.

Trận vòng bảng TBN - Nhật Bản lập kỷ lục về sự chênh lệch thời lượng kiểm soát bóng khi “bò tót” sở hữu đến 82,3%, nhưng chỉ với 5 phút vùng lên chiến thắng đã thuộc về đội bóng chỉ có vỏn vẹn 17,7% thời gian giữ bóng. Đến vòng 1/8, TBN thực hiện tới 1.041 đường chuyền, trong khi Morocco chỉ có 305, nhưng vẫn hoàn toàn bất lực trong việc tìm đường vào khung thành đối phương trong 120 phút, để rồi ngậm ngùi về nước. Nhóm nghiên cứu kỹ thuật của FIFA do cựu HLV tuyển Đức Jurgen Klinsmann đứng đầu đã chỉ ra rằng việc kiểm soát bóng, thực hiện nhiều đường chuyền qua lại của TBN là vô nghĩa, khi các đối thủ đã học được cách để bắt bài, không còn để họ có được cơ hội, nên dù có chuyền 1.000 lần cũng không hiệu quả.

Rõ ràng tại Qatar 2022 kiểm soát bóng không còn đồng nghĩa với kiểm soát trận đấu và chiến thắng. Ở 2 cơn địa chấn tại vòng bảng, Saudi Arabia chỉ giữ bóng 30% so với 70% của Messi và đồng đội, tỷ lệ này của Nhật trước Đức thậm chí chỉ là 26/74%. Hay lấy “hiện tượng” thú vị nhất của kỳ World Cup này làm ví dụ, Morocco thắng Bỉ 2-0 khi chỉ kiểm soát bóng 33%, loại Bồ Đào Nha với 26%. Thành công của đại diện châu Phi đầu tiên trong lịch sử trở thành đệ tứ anh hào thế giới là một lối đá rất khó chịu, phòng ngự chiều sâu nhưng không bị động nhờ pressing tầm cao, tổ chức vây bắt ngay phần sân đối thủ. Đó là một hệ thống phòng ngự từ xa, nhiều lớp rất chắc chắn, đồng thời chuyển đổi trạng thái sang tấn công rất nhanh.

Tóm lại, vấn đề quyết định giờ đây là đưa trái bóng đi về đâu chứ không phải trong chân ai.

Với việc không gian và thời gian của vị trí trung phong ngày càng bị thu hẹp, khóa chặt, khu vực trung tâm luôn được các đội phong tỏa, chìa khóa để mở hàng phòng ngự đối phương ở Qatar 2022 được chuyển sang 2 cánh nhiều hơn. Vì vậy ở kỳ World Cup này xuất hiện rất nhiều tiền vệ, tiền đạo cánh nổi bật. Pháp có Mbappe và Dembele; Croatia có Perisic; Morocco là Hakim Ziyech; Brasil có Rafinha, Vinicius; Anh với Saka, Foden…; chỉ Argentina với Messi là ngoại lệ. Những cầu thủ chạy cánh không chỉ giữ vai trò kiến tạo, quấy phá 2 biên mà còn trực tiếp lao lên ghi bàn (Mbappe là điển hình). Đôi cánh càng lợi hại nếu đội nào có những hậu vệ có khả năng leo biên, tấn công tốt (như Hakimi của Morocco).

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202212/thay-gi-tu-qatar-2022-3149696/