Thấy gì từ vụ Gilimex đâm đơn kiện Amazon đòi bồi thường 280 triệu USD?

Hệ lụy từ việc 'bỏ trứng vào một giỏ' khi doanh nghiệp xuất khẩu mà chỉ phụ thuộc vào một, hai đối tác lớn, thiếu quản trị rủi ro nhằm tránh bị thiệt hại, để rồi khi xảy ra chuyện lại vất vả kiện tụng. Điều này có thể thấy rõ từ vụ việc nhà sản xuất dệt may của Việt Nam là Gilimex đang đâm đơn kiện Amazon nhằm đòi bồi thường thiệt hại 280 triệu USD.

Liên quan vụ việc CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) - một nhà sản xuất dệt may của Việt Nam có trụ sở tại Tp.HCM, vừa đâm đơn kiện Amazon (sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới) lên Tòa án tối cao bang New York (Mỹ) để đòi bồi thường 280 triệu USD, thông tin cập nhật mới nhất trên nhật báo tài chính của Mỹ là The Wall Street Journal (WSJ) thì Công ty luật Kasowitz Benson Torres LLP có trụ sở tại New York đang đại diện cho Gilimex trong vụ kiện. Trong khi đó, người phát ngôn của Amazon cho biết, công ty không có bình luận ngay lập tức về vụ kiện.

Vì đâu nên nỗi?

Nhân vụ kiện này với cáo buộc của Gilimex (GIL) dành cho Amazon là vi phạm hợp đồng, vi phạm nghĩa vụ ủy thác, thực hành thương mại không công bằng, WSJ có dẫn lời ông Rob Handfield - giáo sư chuyên ngành quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang North Carolina (Mỹ), cho rằng căng thẳng giữa người mua và nhà cung cấp của họ đã gia tăng trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhất là khi các công ty tìm cách điều chỉnh những thỏa thuận mua hàng, sản xuất và phân phối trong năm nay.

Bài học cho các DN dệt may từ vụ Gilimex kiện Amazon là đừng “bỏ trứng vào một giỏ” khi phụ thuộc vào một, hai đối tác xuất khẩu (Ảnh minh họa).

Bài học cho các DN dệt may từ vụ Gilimex kiện Amazon là đừng “bỏ trứng vào một giỏ” khi phụ thuộc vào một, hai đối tác xuất khẩu (Ảnh minh họa).

Theo ông Handfield, năm nay, một số nhà bán lẻ bị quá tải hàng tồn kho dẫn đến phải hủy đơn đặt hàng với các nhà cung cấp. Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp đã mở rộng quá mức trong năm 2022 khi nghĩ rằng nhu cầu sẽ tiếp tục cao mà không lường trước tác động của lạm phát, sau đó phía nhà bán lẻ buộc phải nói với nhà cung cấp là họ đã cam kết quá mức.

Qua tìm hiểu của VnBusiness, GIL có 2 đối tác chủ yếu là Amazon và IKEA. Doanh nghiệp (DN) này sản xuất các mặt hàng như: Đồ dùng trong gia đình, túi xách, balô, đồ dùng ngoài trời, quần áo… GIL chiếm hơn 50% tỷ trọng nhà cung cấp của Amazon Robotics (thuộc Amazon) và đây cũng là khách hàng lớn nhất chiếm khoảng 80% tỷ trọng doanh thu; IKEA và các đối tác khác chiếm khoảng 20% tỷ trọng còn lại.

Sản phẩm nhập khẩu của Amazon Robotics là Fabric Pods Array - kệ chuyên dụng đựng hàng hóa để Amazon robots vận chuyển và sắp xếp trong các Sortable Fulfillment Center (Trung tâm hoàn thiện đơn hàng có thể phân loại).

Nhìn từ vụ kiện, nhiều ý kiến cho rằng việc sản xuất và xuất khẩu như “bỏ trứng vào một giỏ” nên rủi ro của GIL là khó tránh khỏi và đã được dự báo từ trước.

Doanh thu của GIL được đóng góp 80% bởi Amazon. Các đơn hàng của Amazon với GIL là các đơn hàng FOB (dùng để chỉ đơn hàng có mẫu mã do khách đặt và phần còn lại là do xưởng sản xuất tự giải quyết. Tức là khách hàng sẽ lên thiết kế mẫu mã và xưởng sản xuất sẽ mua phụ kiện và thực hiện may và chuyển cho khách).

Điều này, khi Amazon và GIL còn hợp tác ăn ý với nhau đã giúp GIL có biên lợi nhuận cao hơn so với các đơn hàng bị chỉ định nguyên liệu như các đơn hàng của IKEA. Tuy nhiên, GIL cũng chịu rủi ro bởi đơn hàng FOB được ký vào đầu quý, DN có thể gặp bất lợi nếu tình hình giá nguyên vật liệu trong quý tăng cao.

Không chỉ vậy, doanh thu chủ yếu đến từ 2 đối tác Amazon và IKEA khiến cho GIL chịu rủi ro khi các đối tác lớn thay đổi chính sách hoạt động hoặc hoạt động kinh doanh đi xuống (như trường hợp Amazon).

Đừng “bỏ trứng vào một giỏ”

Điều đáng nói, có những thời điểm mà nhu cầu từ các đơn hàng đến từ Amazon luôn trong tình trạng vượt công suất của GIL. Điều đó khiến cho GIL đã chủ động đầu tư liên kết và nắm giữ cổ phần tại một số công ty cùng ngành như Dệt may Gia Định, Garmex Sài Gòn, Unimex Huế để các DN này thực hiện gia công đơn hàng cho GIL.

Hồi năm 2021, số chuyền may gia công bên ngoài của GIL đã tăng lên 120 chuyền so với 41 chuyền vào năm 2020. Không chỉ vậy, công ty này đã tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hàng năm. Việc sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm qua.

Như hồi đầu năm 2022, GIL và các công ty mà họ nắm giữ cổ phần đã tuyển dụng thêm hơn 1.000 nhân sự may (GIL: 250; May Gia Định: 300; Unimex Huế: 500) nhằm tăng công suất trong năm 2022 để đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng lên từ Amazon.

Trong đơn kiện của GIL cũng cho biết đã từ chối các khách hàng lớn khác bao gồm IKEA và Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của khách hàng lớn nhất là Amazon với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021.

Hơn nữa, phía GIL cho rằng do tính chất chu kỳ của các đơn đặt hàng của Amazon và thời gian cần thiết để sản xuất sản phẩm, nên họ đã duy trì sản xuất trong suốt cả năm và dự trữ hàng tồn kho để có thể đáp ứng các đơn đặt hàng của Amazon trong những tháng bận rộn nhất. Trong khi đó, các sản phẩm được thiết kế dành riêng cho Amazon và không thể bán cho các khách hàng khác.

Đó là lý do GIL đang tìm kiếm khoản bồi thường thiệt hại khoảng 280 triệu USD để bù đắp chi phí, bao gồm chi phí cho các sản phẩm mà công ty đã sản xuất, nguyên liệu thô mà công ty đã mua và các khoản đầu tư vào các cơ sở sản xuất trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, qua đó cho thấy các DN Việt Nam cần rút ra bài học là tránh bị phụ thuộc vào một, hai đối tác khi xuất khẩu, đừng “bỏ trứng vào một giỏ” để không gặp rủi ro về sau. Điều này cũng đòi hỏi DN cần phải có tầm nhìn xa hơn nữa với chính sách lựa chọn đối tác.

Từ vụ kiện nêu trên, giới chuyên gia pháp lý lưu ý khi làm ăn lớn với những sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới đòi hỏi các nhà cung cấp của Việt Nam phải biết quản trị rủi ro để tránh bị thiệt hại. Những vấn đề mà các nhà cung cấp cần hết sức lưu tâm là kiểm soát nội dung chi tiết trong hợp đồng để có thể bảo vệ cho chính mình ngay từ đầu.

Ngoài ra, khi giao thương với những nhà bán buôn lớn trên toàn cầu đòi hỏi các DN Việt cần đến vai trò tham vấn của luật sư để tránh gặp các vướng mắc về mặt pháp lý. Còn một khi mọi chuyện phát sinh, tranh chấp, rủi ro pháp lý đã xảy ra rồi thì chi phí để mời luật sư giải quyết sự việc (như những vụ kiện bên Mỹ) là rất cao.

Thực ra, chuyện đâm đơn kiện giữa GIL với Amazon là chẳng đặng đừng nếu như mọi chuyện có thể giải quyết trên tinh thần chia sẻ lợi ích của đôi bên hơn là bằng pháp lý. Còn một khi kéo nhau ra tòa ở Mỹ để phân thắng thua không phải là điều dễ dàng gì.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thay-gi-tu-vu-gilimex-dam-don-kien-amazon-doi-boi-thuong-280-trieu-usd-1090028.html