Thầy giáo Kiệm và những đề tài nghiên cứu hữu dụng cho ngành Y

Là giáo viên môn Công nghệ thông tin, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, nhiều năm qua, thầy giáo Phùng Văn Kiệm liên tiếp được ngành Giáo dục tỉnh vinh danh vì những đóng góp tích cực cho công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường, giúp học sinh Vĩnh Phúc giành được nhiều giải cao tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, quốc tế. Nhiều đề tài do chính thầy Kiệm thực hiện và cố vấn đều có tính ứng dụng cao, đặc biệt là trong ngành Y tế.

Thầy giáo Phùng Văn Kiệm cùng học trò nghiên cứu mô hình "Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bệnh sau tai biến". Ảnh: Trà Hương (Ảnh chụp trước ngày 27/4)

Thầy giáo Phùng Văn Kiệm cùng học trò nghiên cứu mô hình "Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bệnh sau tai biến". Ảnh: Trà Hương (Ảnh chụp trước ngày 27/4)

Tuổi trẻ từng mơ ước được đi chu du đây đó theo những con tàu viễn dương, nên thầy giáo Kiệm đã chọn thi ngành lái tàu, Trường đại học Hàng Hải. Nhưng vì lý do sức khỏe nên lúc ấy đã “bẻ lái” sang học Tin học.

Cứ ngỡ sự lựa chọn thứ hai ấy không đem lại nhiều cảm hứng và niềm yêu thích cho cậu sinh viên sinh năm 1985 hồi đó, nhưng với những khám phá, tìm tòi và trải nghiệm, Tin học từng bước như “hút” cả niềm đam mê của anh…

Bằng chứng là những năm tháng đang còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu sinh viên Phùng Văn Kiệm cùng với các bạn đồng môn đã tích cực tham gia các cuộc thi Robot con toàn quốc và không ít lần giành được chiến thắng với thành tích xuất sắc.

Có lẽ, đó cũng là sự khởi đầu cho những ý tưởng nghiên cứu, sáng chế các công trình, sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ, tự động hóa sau này của thầy Kiệm như Robot quét rác sử dụng năng lượng mặt trời, Robot vượt mọi địa hình cứu hỏa, Robot hỗ trợ người già và người tàn tật, máy đo thân nhiệt tự động, xe hộ lý đa năng, giường vận chuyển bệnh nhân, thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng dành cho người bị liệt sau tai biến, hệ thống cảnh báo tai nạn cho xe ô tô…

Căn nhà nhỏ vừa là nơi ăn ở sinh hoạt, vừa là phân xưởng lắp ráp, nghiên cứu của thầy Kiệm ở phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên luôn trong không khí tất bật, nhộn nhịp. Những ngày này, khi thầy và trò Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc phải chuyển sang hình thức học online để phòng, chống dịch Covid-19, thì thầy Kiệm và một nhóm học trò vẫn ngày đêm sáng đèn ở xưởng để ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh sắp tới.

Thầy Kiệm phấn khởi cho biết: “Thầy và trò vừa hoàn thành khá hài lòng vòng chung kết cuộc thi Triển lãm công nghệ của Đại học RMIT với đề tài “Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bệnh sau tai biến”.

Với tôi, mỗi đề tài là một sự trải nghiệm rất thú vị, tuy mất cả năm để có thể hoàn thiện nhưng lúc nào cũng cảm thấy say sưa, hào hứng, không ngừng tìm tòi, không ngừng nỗ lực.

Còn nhớ năm 2020, khi cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh kết thúc, thầy và trò vừa nhận giải Nhất xong là vội vàng rời sân khấu, lên xe đi Hà Nội ngay để kịp chuẩn bị cho một cuộc thi khác nữa… Công việc nghiên cứu, sáng chế đã gắn bó với tôi nhiều năm, không chỉ phục vụ trong công tác chuyên môn ở trường mà còn có thể xem là “nghề tay trái” của tôi để có thêm thu nhập trang trải cho gia đình”.

Đề tài “Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bệnh sau tai biến” đã được thầy và trò lên ý tưởng nghiên cứu, thực hiện với mong muốn thiết kế, chế tạo một thiết bị có khả năng hỗ trợ người bị tai biến một cách nhanh nhất và đơn giản nhất, tốn ít nhân lực nhất. Qua đó, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn về tinh thần, khỏe về thể chất, sống có ý nghĩa hơn và hòa nhập với cộng đồng.

Thiết bị giúp giảm đi gánh nặng của người hộ lý, giải quyết được vấn đề thời gian và nhân lực trong bệnh viện. Có thể giúp người bệnh phục hồi được cơ ở bàn tay và cánh tay.

Đáng chú ý, mô hình sử dụng một thiết bị có khả năng sao chép được hành động từ tay bình thường sang tay cần phục hồi và tích hợp thêm hồi phục cho chi dưới. Ngoài ra, máy còn có khả năng tự động thực hiện tất cả các bài tập mà phần mềm đã có sẵn trước đó và khả năng ghi nhớ các bài tập mới trong quá trình sử dụng. Máy có thể hiển thị được biểu đồ quá trình phục hồi của người bệnh, từ đó hỗ trợ bác sĩ đánh giá và đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp.

Điểm qua một vài thành tích ấn tượng của thầy và trò trong công tác nghiên cứu khoa học, có lẽ phải kể đến chiếc Huy chương Bạc tại cuộc thi Olympic Khoa học thế giới được tổ chức tại Hà Lan (năm 2020), nhưng vì thời điểm đó dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát nên cuộc thi phải chuyển qua hình thức trực tuyến.

Với đề tài “Hệ thống cảnh báo tai nạn cho xe ô tô”, thầy và trò đã xuất sắc mang vinh quang về cho đội tuyển của Vĩnh Phúc nói riêng và cho màu cờ sắc áo của Việt Nam nói chung. Ngoài ra, từ năm học 2013-2014 đến năm học 2018-2019, thầy Kiệm đã hướng dẫn, cố vấn cho nhóm học sinh dự thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia đạt 9 giải; trong đó, có 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba.

Năm học 2019-2020, thầy Kiệm đóng vai trò cố vấn cho đội tuyển học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc nghiên cứu khoa học kỹ thuật và đại diện tỉnh dự thi đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, góp phần khẳng định chất lượng phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh Vĩnh Phúc.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, nhận thấy nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đối với những người trực tiếp làm công tác đo thân nhiệt ở lối ra, vào của các cơ quan, công sở, trường học… thầy giáo Phùng Văn Kiệm đã chế tạo máy đo thân nhiệt tự động, tiện lợi và an toàn trong sử dụng. Mỗi lượt đo tự động mất khoảng 2 giây/người. Ưu điểm của máy là hạn chế tiếp xúc gần giữa người với người nhờ tính tự động hóa cao. Sáng chế của thầy Kiệm đã được ứng dụng tại cổng của Sở GDĐT và Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc.

Thầy Nguyễn Đình Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc nhận xét: “Thầy giáo Phùng Văn Kiệm là tấm gương nhà giáo tiêu biểu, tâm huyết và đam mê, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học. Thầy đã góp phần “truyền lửa” cho các em học sinh, cùng nhau chinh phục nhiều giải đấu ở sân chơi sáng tạo khoa học kỹ thuật các cấp. Hy vọng thời gian tới, bản thân thầy Kiệm sẽ có thêm nhiều sáng kiến hữu dụng, cũng như tiếp tục cố vấn cho các đề tài dự thi của học sinh nhà trường”.

Hoàng Cúc

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/71932/thay-giao-kiem-va-nhung-de-tai-nghien-cuu-huu-dung-cho-nganh-y.html