Thầy giáo mầm non

Vượt qua rào cản về định kiến xã hội rằng nghề giáo viên mầm non chỉ dành cho phụ nữ, thầy giáo Hà Đức Thanh (Trường Mầm non Văn Bán, huyện Cẩm Khê) kiên trì, tận tâm với nghề nuôi dạy trẻ đã được gần 10 năm. Dù trong môi trường sư phạm toàn phụ nữ, mức lương của giáo viên mầm non hợp đồng còn bao khó khăn nhưng thầy đã vượt lên tất cả để gắn bó với giáo dục mầm non như ước mơ thuở mới vào nghề.

Công việc buộc tóc và chải đầu cho học trò là công việc quen thuộc của thầy Hà Đức Thanh

Đến với lớp 4 tuổi, Trường Mầm non Văn Bán đúng vào tiết học múa, tiếng hát của thầy Thanh và học trò hòa cùng nhau vang vọng khắp hành lang. Trên bục giảng, hình dáng người đàn ông tay múa, miệng hát tận tình hướng dẫn học trò. Ánh mắt nhìn theo sự uyển chuyển của đôi tay, miệng ngân nga lời bài hát thiếu nhi, khéo léo làm sao để vừa dễ cho các con làm theo vừa khơi gợi được sự thích thú của đám học trò nhỏ.

Với thầy Hà Đức Thanh, giáo viên mầm non không chỉ là nghề nghiệp mà thực sự là ước mơ. Chàng thanh niên sinh năm 1993 tại xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê. Xuất phát từ tình yêu với con trẻ, năm 2012, sau khi học xong cấp THPT, Thanh lựa chọn vào học tại Khoa chung cấp sư phạm mầm non thuộc Trường Đại học Tân Trào. Lúc ấy, khi bạn bè đồng trang lứa chọn học kỹ sư, xây dựng thì cậu thanh niên vẫn kiên định với lý tưởng của mình. Năm 2014, sau khi ra trường, thầy Thanh về công tác và trở thành giáo viên hợp đồng của trường mầm non ở quê hương.

Học trò nhỏ rất thích nghe thầy Thanh kể chuyện

Thời gian đầu tiên đứng lớp, thầy Thanh không sợ mức lương giáo viên hợp đồng ít ỏi (chỉ khoảng hơn một triệu đồng một tháng), trăn trở lớn nhất của thầy khi đó là làm sao để phụ huynh tin tưởng giao con em cho mình chăm sóc, nuôi dưỡng. Không khác gì các cô giáo, một ngày của thầy bắt đầu bằng việc đón trẻ lúc sáng sớm, cho các con ăn, tổ chức hoạt động dạy và học, cho các con ngủ và trả trẻ cho gia đình vào buổi chiều muộn. Sau khi trẻ về hết, thầy cùng các cô vệ sinh, quét dọn lớp học sạch sẽ mới kết thúc một ngày làm việc. Tâm sự với chúng tôi, thầy Thanh bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm: “Hôm đó, tôi bị ốm nên không thể lên lớp. Buổi tối, một vài phụ huynh điện hỏi thăm sức khỏe và nói chuyện rằng các con cứ hỏi tại sao hôm nay thầy Thanh không đi dạy. Sự việc cũng nhỏ thôi nhưng khiến tôi xúc động. Vì tôi đã dần trở thành một phần không thể thiếu của bọn trẻ”.

Thầy lo lắng giấc ngủ, bữa ăn cho các em học sinh

Dù sau chín năm gắn bó, thầy Hà Đức Thanh vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng với mức lương (sau nhiều lần điều chỉnh) đã tăng lên được hơn 2.800.000 đồng/tháng, dẫu cuộc sống riêng còn bộn bề khó khăn nhưng chưa bao giờ thầy nản lòng hay có suy nghĩ từ bỏ nghề nuôi dạy trẻ. Cô Hoàng Thị Kim Lành - Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn Bán cho biết: “Đó là một người thầy yêu nghề, mến trẻ và có kỹ năng sư phạm tốt. Dù nhiều lần gia đình và người nhà khuyên can là nên đi làm ngành nghề khác có thu nhập cao hơn nhưng thầy vẫn quyết tâm gắn bó với nhà trường và giáo dục mầm non”.

Phải tận mắt nhìn cách thầy Hà Đức Thanh dạy các con tập tô, tập hát, cách thầy buộc tóc, chải đầu cho những đứa trẻ mới thấu hiểu được tình yêu thương mà thầy dành cho học trò nhỏ. Đây là công việc, là trách nhiệm mà tin rằng ít người đàn ông nào có thể dũng cảm lựa chọn làm mục tiêu phấn đấu của cuộc đời. Những năm gần đây, chế độ đãi ngộ và chính sách hỗ trợ dành cho giáo viên mầm non đang được Nhà nước và các bộ, ngành quan tâm, đây cũng động lực, hỗ trợ để các giáo viên mầm non, những người như thầy Hà Đức Thanh thêm yên tâm gắn bó, hết lòng với sự nghiệp trồng người.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/thay-giao-mam-non/191814.htm