Thầy giáo mầm non ở vùng cao

Trong những ngày tháng 11, tôi đến với Trường Mầm non Linh Phú (Chiêm Hóa), một ngôi trường nằm ở vùng sâu, vùng xa với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn để gặp gỡ một nhân vật đặc biệt. Đó là thầy giáo mầm non Quan Văn Thành, dân tộc Tày, sinh năm 1987 đã gắn bó với ngôi trường này 9 năm qua. Với nụ cười tươi thường trực trên môi cùng sự tận tình, trách nhiệm, thầy được rất nhiều các em học sinh và phụ huynh yêu quý.

Gian nan với nghề nuôi dạy trẻ

Tháng 8-2010, thầy Thành tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang (nay là Đại học Tân Trào), đến tháng 10 thầy được phân công về dạy tại Trường Mầm non Linh Phú cho đến nay. Trò chuyện với tôi, anh cho biết, cơ duyên đến với nghề giáo cũng rất tình cờ khi anh được một người bạn dẫn đến thăm một lớp mầm non, nhìn thấy các em nhỏ anh thấy rất vui và có một cảm giác gắn bó đặc biệt. Chính vì vậy anh đã quyết định đi học mầm non, trước quyết định của con trai, bố mẹ anh đều ủng hộ và mong anh tìm được đúng nghề mà mình muốn cống hiến.

Trẻ vui vẻ khi được thầy Thành chải tóc.

Trẻ vui vẻ khi được thầy Thành chải tóc.

Ngày đầu tiên đi dạy, cảm giác của anh không như những giờ thực tập khi còn là sinh viên, mà khó khăn hơn nhiều. Các bé khóc rất nhiều khi bố mẹ đưa đến lớp, lại chưa quen thầy nên anh phải dỗ dành. Có những bé hầu như phải bế cả ngày vì lạ trường, lạ lớp, quần áo của thầy khi ấy dính đầy nước mắt, nước mũi của trẻ. Rồi đến những giờ ăn trưa, anh phải để ý đến từng trẻ một để các em ăn cho hết bữa, nếu em nào ăn chậm hay bị ốm, bị mệt anh phải bón từng từng tí một.

Hiện thầy Thành đang chủ nhiệm lớp mẫu giáo 5 tuổi với hơn 30 học sinh. Ở lớp của thầy em nào cũng ngoan, hát hay và múa đẹp. Thành quả là như vậy nhưng nhìn vào chặng đường thầy đã trải qua sẽ thấy không ít khó khăn, vất vả. Sáng nào thầy Thành cũng đến trường từ rất sớm, có mặt ở lớp để dọn dẹp rồi chờ đón học sinh.

Trẻ mầm non còn rất nhỏ, chưa nhận thức được nhiều điều nên thầy cô phải vất vả hơn nhiều. Biết bao nhiêu công việc không tên trong một ngày nên các thầy cô đều làm việc đến 10 tiếng/ngày hoặc có khi còn hơn thế. Thầy Thành bảo, các bé cũng như con của mình vậy, nếu bé có hư cũng phải uấn nắn từ từ, có như vậy các bé mới tiến bộ. Anh không bao giờ nặng lời với trẻ, bởi anh hiểu ở lứa tuổi này điều các bé cần nhất là tình yêu thương và sự thấu hiểu của người lớn.

Thầy giáoThành trong một giờ dạy theo chủ đề.

Thầy giáoThành trong một giờ dạy theo chủ đề.

Cô giáo Đinh Thị Luật, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Có rất ít người đàn ông chọn nghề giáo viên mầm non, bởi dường như nó không phù hợp với họ. Nhưng chúng tôi lại có một người thầy giáo và được lòng học sinh nhất trong trường”.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Giờ đây, mỗi ngày đến lớp với thầy giáo Thành đều ngập tràn hứng khởi. Các bé đến lớp thấy thầy thì không khóc nữa mà nở nụ cười tươi. Phụ huynh trong xã gặp thầy ai cũng tay bắt, mặt mừng, khoe với thầy bé nhà mình khi về nhà đã tiến bộ rất nhiều, biết vẽ, biết hát, biết tự giác vệ sinh cá nhân và giúp bố mẹ việc nhà. Được phụ huynh tin yêu, đối với anh đó là những tình cảm vô cùng trân quý bởi cũng chính là sự ghi nhận cho nỗ lực và cố gắng của anh.

Cũng vì nhà anh ở xa trường gần 60km nên anh quyết định ở tại khu nhà tập thể giáo viên của trường, điều này giúp anh gắn bó hơn với học sinh và cuộc sống với bà con trong xã. Anh chia sẻ, không vì mình là đàn ông mà công việc giáo viên mầm non sẽ khác đi so với các cô giáo, anh cũng phải dỗ trẻ, cho các em ăn ngủ, dạy hát, dạy múa và chơi các trò chơi tập thể. Thời gian đầu, nhiều phụ huynh còn nghi ngại vì không nghĩ rằng một người đàn ông có thể dạy mầm non, họ lo anh sẽ không thể có sự nhẹ nhàng, tâm huyết của người nuôi dạy trẻ và sẽ làm các bé sợ. Nhưng 9 năm qua đã chứng minh, anh trở thành một địa chỉ tin cậy mà phụ huynh muốn gửi gắm con em mình.

Thầy giáo Quan Văn Thành chuẩn bị bữa ăn nhẹ buổi chiều cho trẻ.

Thầy giáo Quan Văn Thành chuẩn bị bữa ăn nhẹ buổi chiều cho trẻ.

Chị Đinh Thị Hương, phụ huynh em Hứa Kiều Trinh chia sẻ: “Chúng tôi đều đặt niềm tin vào thầy Thành. Thầy có trách nhiệm cao trong công việc. Cháu nhà tôi từ ngày học lớp của thầy thì rất ngoan, sáng nào đi học cũng tự giác. Có ngày đi học về cháu khoe con được thầy chải tóc, cắt móng tay… Những việc này làm tôi rất xúc động bởi vì con được thầy quan tâm nhiều đến thế. Rồi sau đó con đều hào hứng khoe những điều mới được học ở lớp khiến gia đình tôi càng thêm yên tâm. Bản thân thầy cũng là người rất hòa đồng, bà con trong xã ai cũng quý thầy, hay nói thầy Thành đúng là đặc biệt, không chỉ vì thầy dạy mầm non mà còn vì trẻ ở đây rất quý thầy, coi thầy như người thân của mình".

Thầy giáo Quan Văn thành đã kết hôn với cô giáo Đinh Thùy Duy, giáo viên của trường. Cùng gắn bó với nghề giáo viên mầm non nên chị Duy rất hiểu và ủng hộ chồng mình trong công việc. Chị bảo, từ những lần đầu gặp gỡ chị đã thấy anh Thành là một người đàn ông tốt và có trách nhiệm. Chị thấy được sự dịu dàng và chân thành ở anh. Dù công việc giáo viên mầm non rất vất vả nhưng anh chưa bao giờ nản lòng hay ngại khó, ngại khổ, anh chính là động lực để chị cố gắng hơn trong công việc chuyên môn.

9 năm qua, thầy Thành đã nhận được rất nhiều giấy khen của huyện và của Sở Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích trong công tác giáo dục mầm non, nhiều năm liền, thầy đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, trở thành một tấm gương sáng trong đội ngũ giáo viên của trường. Khi trở thành giáo viên mầm non, thầy Thành đã tìm được công việc mà mình muốn gắn bó. Sự hồn nhiên, trong trẻo của trẻ thơ, tình cảm mà trẻ dành tặng cho anh chính là điều ghi nhớ để anh biến nó thành động lực vươn lên.

Bài, ảnh: Hoàng Minh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/thay-giao-mam-non-o-vung-cao-125117.html