Thầy giáo từ chức hiệu trưởng đi làm giáo viên biệt phái

Từ nhiều bài báo của thầy Nguyễn Quốc Hiệp đã giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo viết tiếp ước mơ đến trường.

Thầy Hiệp (bìa trái) có mặt tại các vùng ngập lũ sâu ở Hà Tĩnh để thực hiện công tác kêu gọi, hỗ trợ người dân.

Thầy Hiệp (bìa trái) có mặt tại các vùng ngập lũ sâu ở Hà Tĩnh để thực hiện công tác kêu gọi, hỗ trợ người dân.

Là cây viết không chuyên nhưng “ngòi bút” của thầy Nguyễn Quốc Hiệp - giáo viên biệt phái tại Trung tâm Học tập cộng đồng huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có những đóng góp tích cực cho giáo dục.

Quyết định gây ngỡ ngàng

Thầy Nguyễn Quốc Hiệp là giáo viên tiểu học, hiện làm biệt phái cho Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Quang Lộc, Mỹ Lộc (huyện Can Lộc).

Năm 1996, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Hà Tĩnh (nay là Trường CĐ Sư phạm Hà Tĩnh), thầy Nguyễn Quốc Hiệp (sinh năm 1975, quê gốc xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) được phân công công tác tại xã vùng thượng huyện Can Lộc.

Sau 5 năm miệt mài chuyên môn, thầy Hiệp nhiều lần được công nhận là giáo viên giỏi cấp huyện, lần lượt bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng các trường tiểu học xã Sơn Lộc và Xuân Lộc (huyện Can Lộc).

Năm 2013, khi đang đạt độ “chín” của sự nghiệp, cấp trên tin tưởng, học sinh và phụ huynh kính trọng, đồng nghiệp nể phục thì thầy Hiệp quyết định xin nghỉ chức vụ Hiệu trưởng để làm giáo viên biệt phái cho TTHTCĐ.

Chia sẻ về quyết định này, thầy Hiệp tâm sự: “Quá trình làm cán bộ quản lý, ngoài chuyên môn, thông qua hoạt động điều tra nhu cầu học tập của nhân dân, từ thiện, tôi nhận thấy, sự học của công dân không chỉ dừng lại trong nhà trường mà bất cứ lứa tuổi nào cũng có nhu cầu”.

Tuy nhiên, thời điểm đó, các TTHTCĐ huyện Can Lộc chưa đáp ứng được nhu cầu thiết thực ấy. Do vậy, cần có người dấn thân để tổ chức, lan tỏa và huy động nguồn lực cộng đồng, kết nối các tổ chức cá nhân giúp người dân bổ sung kiến thức cần thiết phục vụ lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần gắn vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tế trên, thầy Hiệp quyết tâm trở thành người tiên phong trong phát triển các TTHTCĐ ở địa phương. Bước đầu thực hiện nhiệm vụ cũng gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ngành, đồng hành của gia đình cùng nỗ lực của bản thân nên mọi thứ dần vào quỹ đạo.

“Trong các nhiệm vụ tại TTHTCĐ, việc nắm bắt nhu cầu đời sống nhân dân để kết nối với các ban ngành đòi hỏi bản thân phải có nhiều kiến thức. Qua đó, tham mưu đúng, đạt hiệu quả tốt nhất. Bởi vậy, bản thân không ngừng trau dồi, mở rộng tầm hiểu biết để đáp ứng yêu cầu công việc, xây dựng cộng đồng xã hội phát triển”, thầy Hiệp nói.

Sau hơn 10 năm hoạt động, các TTHTCĐ học tập ở các xã Mỹ Lộc, Quang Lộc có thầy Hiệp tham gia đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, TTHTCĐ xã Mỹ Lộc do thầy Nguyễn Quốc Hiệp làm Phó Giám đốc trở thành một trong những Trung tâm hoạt động hiệu quả nhất tại Hà Tĩnh được sở GD&ĐT, hội Khuyến học tỉnh đánh giá cao.

Thầy giáo, cây bút không chuyên Nguyễn Quốc Hiệp.

Thầy giáo, cây bút không chuyên Nguyễn Quốc Hiệp.

Thầy Hiệp (bìa trái) vận động các nhà hảo tâm tài trợ các thiết bị hỗ trợ đội ngũ y tế phòng chống dịch Covid-19.

Thầy Hiệp (bìa trái) vận động các nhà hảo tâm tài trợ các thiết bị hỗ trợ đội ngũ y tế phòng chống dịch Covid-19.

Mê viết báo để giúp đỡ cộng đồng

Là giáo viên tiểu học nhưng thầy Hiệp có đam mê với nghề báo. Thầy từng là cộng tác viên tích cực cho nhiều tờ báo trên địa bàn Hà Tĩnh.

Nói về cơ duyên thử sức với nghề báo, thầy Hiệp chia sẻ: Quá trình công tác ở các TTHTCĐ giúp bản thân có nhiều trải nghiệm thực tế. Với mong muốn mang cái hay, đẹp, phản ánh những tồn tại trong cuộc sống xung quanh… lên các phương tiện truyền thông, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, phát triển, thầy Hiệp đã tập viết báo. Hơn 10 năm qua, thầy trở thành cộng tác viên không chính thức của nhiều tờ báo với hàng trăm tin bài lớn nhỏ.

Khi chưa có kỹ năng viết báo, để hình thành được bài báo hoàn chỉnh, thầy Hiệp lăn lộn cả tháng trời, tìm đến những nhà báo gạo cội nhờ tư vấn. “Sau hàng chục lần viết đi, sửa lại, bài báo đầu tay “Làng tơi Yên Lạc” của tôi được đăng tải. Cầm tờ báo biếu có bài viết của mình, tôi xúc động và xem như báu vật”, thầy Hiệp kể.

Sau bài báo đầu tiên, tác giả Nguyễn Quốc Hiệp có bài đều đặn trên Báo Hà Tĩnh với chủ đề về cựu chiến binh có nhiều công trạng trong kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, với tấm lòng nhân hậu, thầy Hiệp viết nhiều về những hoàn cảnh học sinh bệnh tật, nghèo khó nhằm kết nối cộng đồng giúp đỡ các em vượt qua khó khăn được chữa bệnh, tiếp tục học tập.

Chia sẻ về “nghề tay trái”, thầy Hiệp bộc bạch: “Quá trình viết báo, tôi thấy thời gian tham gia cộng tác với Báo Giáo dục và Thời đại để lại nhiều cảm xúc. Bởi nội dung các bài viết đúng với chuyên môn, góp phần thúc đẩy thay đổi chính sách trong ngành Giáo dục”.

Năm 2019, trước khó khăn về kinh phí của TTHTCĐ ở Hà Tĩnh do tỉnh “quên” cấp kinh phí theo Thông tư 96/2008/BTC ngày 27/10/2008 của Bộ Tài chính, thầy Hiệp cùng phóng viên thường trú Báo Giáo dục và Thời đại tại Hà Tĩnh đã có mặt trong 3 kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh để vận động hành lang, chuyển câu hỏi phỏng vấn đến lãnh đạo tỉnh và sở Tài chính, sở GD&ĐT.

Sau một loạt bài báo với chủ đề “Vì sao Hà Tĩnh 10 năm “quên” cấp kinh phí cho Trung tâm học tập cộng đồng” làm rõ nguyên nhân về những vướng mắc, sự phối hợp không ăn ý giữa sở Tài Chính và sở GD&ĐT dẫn đến không có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí theo Thông tư của Bộ Tài chính.

Ngày 25/2/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 06 về “Quy định mức hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Học tập cộng đồng trên địa bàn Hà Tĩnh”. Nhờ thế, 100% Trung tâm Học tập cộng đồng ở Hà Tĩnh được cấp kinh phí hỗ trợ ban đầu để mua sắm trang thiết bị, phụ cấp chức vụ cho Ban giám đốc và chi thường xuyên.

Ông Đặng Quốc Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (Giám đốc TTHTCĐ xã Mỹ Lộc) cho biết, tại TTHTCĐ xã Mỹ Lộc, thầy Nguyễn Quốc Hiệp hoạt động tích cực, thực hiện tốt công tác khuyến học khuyến tài.

“Quá trình cộng tác với báo chí, thầy Hiệp đã kết nối, kêu gọi giúp đỡ được một số hoàn cảnh éo le, xây dựng nhà ở cho người khó khăn. Qua đó, nhiều người có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của thầy Hiệp trong công tác chuyên môn. Về cộng tác báo chí, cây bút không chuyên Nguyễn Quốc Hiệp cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực”, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc nói.

Bà Nguyễn Thị Hường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho biết, với nhiệm vụ biệt phái tại TTHTCĐ, thầy Nguyễn Quốc Hiệp tích cực kết nối, hằng năm huy động được 70 - 80 triệu đồng từ cộng đồng, hỗ trợ giảm bớt nguồn học phí cho người học.

Đặc biệt, thầy đã kết nối với doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn huyện. Quá trình cộng tác với một số tờ báo hoạt động trên địa bàn, cổng thông tin điện tử địa phương, thầy Hiệp phát huy tốt công tác thiện nguyện, cùng với hội Khuyến học, hội Bảo trợ… kêu gọi giúp đỡ nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vươn lên học giỏi.

Tiến Hiệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-giao-nang-duyen-voi-nghe-bao-post688134.html