Thấy ngứa da, người đàn ông 42 gãi ra con giun dài 7cm

Đi làm đồng về vài ngày người đàn ông thấy nốt sẩn u cục và xuất hiện một đầu giun màu trắng, sau đó bệnh nhân tự rút ra.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết, vừa ghi nhận 1 trường hợp nhiễm bệnh giun rồng. Bệnh nhân là nam, 42 tuổi trú tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.

Được biết bệnh nhân ở nhà làm ruộng, cách ngày vào viện khoảng 2 tuần, bệnh nhân thấy ngứa vùng cổ, gãi và nổi sẩn trên bề mặt da như mề đay. Sau đó 3 ngày tại vị trí gãi thấy những nốt ngoằn nghèo nổi dưới da căng tức, tại vị trí vùng cổ trên xương đòn phải xuất hiện nốt sẩn u cục, bệnh nhân ngứa gãi và xuất hiện một đầu giun màu trắng, bệnh nhân tự rút ra được đoạn giun khoảng 7 cm và bị đứt, tại vị trí sưng đỏ, ngứa và mưng mủ.

Ngoài ra, bệnh nhân có sốt, mệt mỏi, chóng mặt. Sau 5 ngày đi khám tại phòng khám tư nhân, bệnh nhân được xử trí rạch ổ áp xe và được tư vấn vào bệnh viện.

Hình ảnh giun ở đùi bệnh nhân. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống.

Hình ảnh giun ở đùi bệnh nhân. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống.

Bệnh nhân vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám và điều trị. Tuy nhiên trong quá trình điều trị tại bệnh viện, xuất hiện thêm 1 nốt sẩn ở mặt dưới 1/3 đùi dưới phải, kéo ra được đoạn giun khoảng 0,5cm, tại vùng ngực trái có một u cục chưa có biểu hiện gì thêm.

Sau 7 ngày điều trị bằng nội khoa và chích rạch lấy giun, bệnh nhân ổn định và được cho xuất viện.

Qua khai thác tiền sử bệnh nhân, bản thân thường xuyên đi rừng, hay ngủ lán rừng quế, từng ăn gỏi cá, tiết canh, các món tái... và ăn thịt chuột đồng, mấy năm nay không tẩy giun, sán. Nguồn nước của gia đình là dùng nước giếng khoan và nước sinh hoạt thải ra ngoài suối cạnh nhà bệnh nhân.

Tính đến 30/1/2022, tỉnh Yên Bái ghi nhận tổng số 9 bệnh nhân mắc giun rồng tại các huyện Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình và Trấn Yên.

Để phòng bệnh giun rồng, các chuyên gia khuyến cáo, cần thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi; sử dụng các dụng cụ trong chế biến thực phẩm chín và sống riêng biệt (thớt, dao, máy xay, bát, đĩa…) đặc biệt vệ sinh tay sau chế biến thực phẩm sống.

Nấu chín kỹ khi sử dụng các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…), chôn hoặc đốt, hoặc rắc vôi bột phần ruột, đầu…sau khi chế biến hạn chế phát tán nguồn lây.

Bệnh giun rồng có tên khoa học là Dracunculus medinensis gây bệnh ở người và động vật. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và xâm nhập vào cơ thể qua nước uống hoặc thức ăn như ăn tái, sống từ các động vật thủy sinh (cá, ếch, nhái, tôm…) có chứa ấu trùng giun rồng. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh và tỷ lệ mắc có thể lên tới 60%.

Đây là loại giun tròn, dài nhất trong nhóm giun gây nhiễm trên người, giun cái trưởng thành có chiều rộng 1 - 2 mm, dài khoảng 70 - 120cm, mỗi giun cái có thể mang tới 3 triệu ấu trùng, giun đực ngắn 4cm, chết sau khi giao phối với giun cái.

Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, VTV)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thay-ngua-da-nguoi-dan-ong-42-gai-ra-con-giun-dai-7cm-a591957.html