Thay sáng kiến kinh nghiệm, Bộ chỉ ưu ái đơn vị trực thuộc, đại học quốc gia?

GDVN- Tiêu chí thay thế tiêu chuẩn sáng kiến cấp Bộ, cấp cơ sở áp dụng đối với cá nhân của 50 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo mà thôi.

Ngày 31/12/2015, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng đã ký ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục.

Thời điểm đó, việc thông tư này ra đời phần nào đã làm “yên lòng” giáo viên “dị ứng” với sáng kiến kinh nghiệm, khi có tiêu chí đánh giá thay sáng kiến kinh nghiệm.

Khoản 2 Điều 10; Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT có viết:

“Cá nhân đạt một trong các thành tích quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này hoặc đạt một trong các thành tích sau được tính là sáng kiến áp dụng xét, công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”:

a) Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên;

b) Giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh.

Riêng giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp huyện trở lên;

c) Giáo viên, giảng viên là tác giả chính bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế;

d) Công chức, viên chức và người lao động tham gia soạn thảo đề án, dự án, quy chế của đơn vị đã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền.

 Làm thế nào để thi đua trong ngành giáo dục hiệu quả hơn? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Làm thế nào để thi đua trong ngành giáo dục hiệu quả hơn? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Một số thành tích được tính là sáng kiến áp dụng khi xét, công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bộ:

a) Tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền;

b) Giáo viên, giảng viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh, sinh viên đạt một trong các giải nhất, nhì, ba hoặc Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế;

c) Tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được nghiệm thu;

d) Giáo viên, giảng viên đạt giải nhất, nhì, ba trong các hội thi do cấp tỉnh, Bộ tổ chức”.[1]

Niềm vui của nhà giáo hụt hẫng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/10/2018 thay thế Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT ngày 31/12/ 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục.[2]

Bộ Giáo dục nên sớm xây dựng công cụ đánh giá thi đua thay sáng kiến kinh nghiệm

Điều đáng tiếc nhất với giáo viên không thuộc các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia là một số thành tích được tính thay thế tiêu chuẩn sáng kiến đã bị xóa bỏ khỏi Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT.

Điều 4 Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT ghi rõ: “Một số thành tích được tính thay thế tiêu chuẩn sáng kiến cấp Bộ, cấp cơ sở áp dụng đối với cá nhân của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia”.[2]

Như vậy, tiêu chí thay thế tiêu chuẩn sáng kiến cấp Bộ, cấp cơ sở áp dụng đối với cá nhân của 50 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo mà thôi.[3]

Sáng kiến kinh nghiệm lại trở về làm “vua” trong thi đua của giáo viên!

Có thể nói, đây là bước thụt lùi lớn trong việc vận động giáo viên thi đua, bởi một thực tế đau lòng giáo viên phải thốt lên “Dạy giỏi, tâm huyết cũng không bằng sáng kiến kinh nghiệm” hay “Giáo viên hờ hững với thi đua vì đâu đến lượt mình”...

Sáng kiến kinh nghiệm có thể nói là một “mảng tối” trong ngành giáo dục đã được dư luận lên tiếng phản biện rất nhiều.

“Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Để phát động phong trào thi đua trong ngành giáo dục, cần phải khôi phục bộ tiêu chí thay thế sáng kiến kinh nghiệm trong Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT.

Có như thế mới đưa thi đua vào thực chất; thi đua góp phần nâng cao chất lượng dạy học; thi đua góp phần xóa bệnh thành tích; thi đua góp phần xây dựng nền giáo dục trung thực.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/thi-dua-khen-thuong/Pages/chi-tiet-van-ban-quy-pham-phap-luat.aspx?ItemID=909

[2]https://luatvietnam.vn/thi-dua/thong-tu-22-2018-tt-bgddt-huong-dan-thi-dua-khen-thuong-nganh-giao-duc-167008-d1.html

[3] http://dangcongsan.vn/khoa-giao/-50-don-vi-su-nghiep-cong-lap-truc-thuoc-bo-giao-duc-va-dao-tao-493181.html

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thay-sang-kien-kinh-nghiem-bo-chi-uu-ai-don-vi-truc-thuoc-dai-hoc-quoc-gia-post211180.gd