Thế giới cần chung tay xây dựng một nền văn hóa hòa bình và không bạo lực

Giữa một thế giới vẫn đầy bạo lực, tinh thần 'bảo đảm một nền văn hóa hòa bình, khoan dung, thấu hiểu và không bạo lực' có lẽ là liều thuốc quý hóa giải khổ đau.

Một “thế giới đầy rẫy bạo lực”

Đó là thông điệp mà Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra nhân Ngày Quốc tế phi bạo lực (2-10) và trong bối cảnh bạo lực leo thang trên thế giới. Ngay trong Ngày Quốc tế phi bạo lực, Hội đồng Bảo an LHQ đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp về tình hình Trung Đông sau khi Iran phóng hàng loạt tên lửa vào lãnh thổ Israel, trong khi Israel trước đó không kích vào lãnh thổ Lebanon khiến thủ lĩnh tối cao Hezbollah thiệt mạng và bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở phía Nam Lebanon.

Cảnh tàn phá ở Dải Gaza sau 1 năm xung đột giữa Israel và Hamas

Cảnh tàn phá ở Dải Gaza sau 1 năm xung đột giữa Israel và Hamas

Theo ông Siri Aas Rustad, Giáo sư Viện nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO), bạo lực trên thế giới đang ở mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Báo cáo “Xu hướng xung đột: Tổng quan toàn cầu của PRIO” công bố hồi tháng 6-2024 chỉ ra năm 2023 là một trong những năm bạo lực nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với con số kỷ lục là 59 cuộc xung đột. Còn theo báo cáo “Chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) năm 2024”, các cuộc xung đột đang trở nên quốc tế hóa hơn, với hơn 90 quốc gia hiện đang tham gia vào một cuộc xung đột vượt ra ngoài biên giới của họ, nhiều nhất kể từ khi GPI ra đời vào năm 2008.

Điều đáng buồn là thế giới có xu hướng đã trở nên quen với bạo lực, với một lý do là vì tình trạng này đã trở nên quá phổ biến. Xung đột bạo lực không chỉ xảy ra ở một khu vực mà hầu hết các châu lục từ châu Phi, đến châu Á, sang cả châu Âu, trong đó theo báo cáo của PRIO, châu Phi vẫn là khu vực có nhiều xung đột nhất mỗi năm (28), tiếp theo là châu Á (17), Trung Đông (10), châu Âu (3). Tại Trung Đông, cuộc xung đột Hamas - Israel kéo dài 11 tháng qua đã làm hơn 41.000 người Palestine thiệt mạng, hơn 1,4 triệu người phải sơ tán và gây ra một thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Dải Gaza. Xung đột không dừng ở Dải Gaza mà lan rộng ở khu vực, với sự can dự của các lực lượng được Iran hậu thuẫn như Hezbollah (Liban), Houthi (Yemen) cùng các nhóm vũ trang ở Iraq và Syria. Trên biển Đỏ, các cuộc tấn công của Houthi làm gián đoạn tuyến vận tải biển quan trọng hàng đầu thế giới, khiến chi phí vận tải tăng cao.

Màn đối đầu hiện tại giữa Israel và Iran chỉ là một phần của một “thế giới đang đầy rẫy bạo lực”. Cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện đã bước sang năm thứ ba mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tác động nặng nề tới hòa bình và an ninh khu vực, đe dọa an ninh lương thực và an ninh năng lượng trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, nội chiến leo thang ở các quốc gia châu Phi như ở Sudan, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo… cũng đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh thiếu ăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực nhưng một trong những nguyên nhân chính là sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt và sự trỗi dậy của các cường quốc cấp trung, những quốc gia đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực đã thúc đẩy quá trình quốc tế hóa xung đột. Điều này cũng kéo theo xu hướng đáng lo ngại là xung đột bạo lực sau khi bùng phát sẽ không bao giờ kết thúc mà chỉ tạm thời lắng xuống để chờ cơ hội bùng lên.

Theo báo cáo GPI năm 2024, số lượng các cuộc xung đột kết thúc với chiến thắng rõ ràng cho một bên đã giảm từ 49% trong những năm 1970 xuống còn 9% trong những năm 2010, trong khi các cuộc xung đột kết thúc thông qua các thỏa thuận hòa bình đã giảm từ 23% xuống còn 4% trong cùng kỳ. Đó là lý do vì sao nhiều cuộc đàm phán chấm dứt bạo lực đã diễn ra, nhưng hầu như chưa đạt được bất kỳ kết quả nào đáng kể.

Vun đắp văn hóa hòa bình

Xung đột dù vì lý do gì hay hình thức nào cũng đều dẫn đến đau khổ và chết chóc mà chính người dân phải chịu đựng. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các nước trực tiếp tham gia, các cuộc xung đột còn tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới. Đặc biệt, chiến tranh, xung đột không hồi kết để lại hậu quả nặng nề về kinh tế. Cơ sở hạ tầng kể cả hạ tầng thiết yếu bị tàn phá, nguồn lực cạn kiệt và tăng trưởng kinh tế bị đình trệ là thực tế phổ biến ở các quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước bị ảnh hưởng có tỷ lệ đói nghèo cao hơn 20 điểm phần trăm so với các nước không có xung đột. Điều này không chỉ tác động đến các quốc gia liên quan mà còn cản trở nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.

Chính vì thế, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các tổ chức quốc tế cải thiện năng lực ứng phó trong bối cảnh thế giới chia rẽ sâu sắc và khủng hoảng gia tăng, trước hết là tăng cường vai trò của LHQ. Để hoàn thành nhiệm vụ này và thực sự hiệu quả, LHQ cần phải vượt qua các hạn chế từ cơ cấu tổ chức và lợi ích quốc gia của các thành viên thường trực. Chỉ khi các quốc gia thành viên cùng nhau cam kết tuân thủ các nghị quyết và chuẩn mực quốc tế, LHQ mới có thể thực sự trở thành lực lượng lớn nhất trong việc ngăn chặn xung đột và thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh hiệu quả của các cơ chế đa phương trong giải quyết xung đột suy giảm, cộng đồng quốc tế phải có cách tiếp cận mới trong quản trị toàn cầu. Trong khi vẫn duy trì cam kết với chủ nghĩa đa phương, các quốc gia cần tích cực hơn trong việc cải tổ các tổ chức quốc tế hiện có và xây dựng các cơ chế hợp tác linh hoạt, tập trung vào các vấn đề cụ thể như an ninh biển, quản lý tài nguyên xuyên biên giới hay ứng phó với biến đổi khí hậu. Để duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới và tại các khu vực, các nước cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, không có các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng làm gia tăng căng thẳng.

Bên cạnh đó là sự cần thiết chấm dứt chạy đua vũ trang, thúc đẩy phi quân sự hóa nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột quân sự tại khu vực. Cuối cùng là như Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh: “Chúng ta phải vun đắp văn hóa hòa bình”. Theo cách nhìn này, hòa bình không phải là một khái niệm trừu tượng; đó là một quá trình mà trong đó các hành vi, giá trị hoặc thực hành được phát triển, chỉ dạy và lan truyền trong xã hội thông qua việc giáo dục văn hóa.

Để vun đắp văn hóa hòa bình, cần truyền đạt các giá trị của đối thoại và tôn trọng lẫn nhau ngay từ khi còn nhỏ, đảm bảo những lý tưởng này được duy trì qua nhiều thế hệ và vượt qua ranh giới địa lý. Chỉ bằng cách lan tỏa văn hóa hòa bình này, chúng ta mới có thể hy vọng về một thế giới nơi các xung đột được giải quyết không phải bằng bạo lực mà bằng đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-gioi-can-chung-tay-xay-dung-mot-nen-van-hoa-hoa-binh-va-khong-bao-luc-post591649.antd