Thế giới cần hành động mạnh mẽ để giải quyết các 'điểm nóng' xung đột

Các cuộc xung đột, các 'điểm nóng' ở nhiều khu vực vẫn đang leo thang. Chỉ riêng năm 2023, thế giới đã phải chứng kiến 183 cuộc xung đột khu vực, con số cao kỷ lục trong một năm trong 30 năm qua. Nhu cầu ổn định, tái thiết và nhân đạo ngày càng cấp bách trên thế giới.

Các điểm nóng vẫn chưa hạ nhiệt

Mới đây, trong thông điệp được đưa ra tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra tại Kazan, Nga, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi hành động mạnh mẽ vì hòa bình tại các điểm nóng như Dải Gaza, Liban, Sudan và Ukraine. Trong cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, ông Guterres cũng nhắc đến lời kêu gọi đạt được nền hòa bình tại các điểm nóng xung đột trên thế giới.

Cần đề cao vai trò của Liên hợp quốc trong việc ngăn chặn xung đột và bạo lực trên thế giới

Cần đề cao vai trò của Liên hợp quốc trong việc ngăn chặn xung đột và bạo lực trên thế giới

Đúng là xung đột vũ trang, chiến tranh vẫn là chủ đề chính trên các phương tiện thông tin đại chúng thế giới. Cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza kéo dài đã hơn một năm nay mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Cho đến nay, đã có hơn 41 nghìn người Palestine thiệt mạng, hơn 96 nghìn người bị thương. Phía Israel ghi nhận trên 1.200 người chết, gần 100 con tin vẫn còn bị giam giữ có thể bị sát hại. Hiện cuộc xung đột này đang lan rộng khi các nhóm vũ trang Hồi giáo được Iran hậu thuẫn như Hezbollah (Lebanon), Houthis (Yemen)... liên tục tấn công Israel để thể hiện sự ủng hộ với Hamas.

Liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, diễn biến trên chiến trường vẫn theo chiều hướng giằng co. Quân đội Nga đang dần gia tăng áp lực ở nhiều mặt trận, trong khi Ukraine cũng gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi bất ngờ tiến hành chiến dịch quân sự tấn công vào vùng Kursk của Nga. Tín hiệu tích cực duy nhất là ý tưởng mới đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc Ukraine và Nga cùng tạm ngừng các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau, động thái có thể dẫn đến sự kết thúc giai đoạn nóng của cuộc xung đột.

Trong khi đó, các “điểm nóng” hạt nhân vẫn tiếp tục căng thẳng. Sau tín hiệu tích cực từ cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều, liên Triều vào năm 2018, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên “nóng” trở lại với các cuộc thử nghiệm vũ khí liên tiếp từ Bình Nhưỡng. Tiềm lực quân sự, công nghệ hạt nhân của nước này hiện là điều khiến các nước phải e ngại. Tình hình cũng tương tự với vấn đề hạt nhân của Iran. Việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018 không dẫn đến việc Iran từ bỏ lập trường về chương trình và chính sách tên lửa ở Trung Đông. Trái lại, điều này còn tạo điều kiện để Iran quay trở lại mạnh mẽ hơn chương trình hạt nhân của mình. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Tehran đã tăng cường đáng kể chương trình hạt nhân và hiện có đủ nguyên liệu để chế tạo một số quả bom nguyên tử.

Dù bị lu mờ bởi các cuộc xung đột tại Trung Đông và Ukraine nhưng tình hình khu vực Sahel ở châu Phi cũng “nóng” không kém. Các nhóm khủng bố thánh chiến có liên hệ với tổ chức khủng bố al Qaeda hoặc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng nhiều nhóm nổi loạn ở các vùng nông thôn đã giết hại hàng nghìn thường dân và khiến hàng triệu người phải di dời đi tị nạn. Bạo lực thánh chiến, đặc biệt là thương vong nặng nề mà nó gây ra cho quân đội chính phủ, là yếu tố chính gây ra làn sóng đảo chính quân sự kể từ năm 2020 chống lại các chính phủ được phương Tây hậu thuẫn ở Burkina Faso, Mali và Niger, các quốc gia nằm ở trung tâm của Sahel.

Bên cạnh đó, nhiều “đám cháy” vẫn tiếp tục âm ỉ. Ở Syria, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn nắm quyền bất chấp các lệnh trừng phạt và nỗ lực cô lập của phương Tây nhưng tình trạng nội chiến hiện chưa có giải pháp. Ở Afghanistan, dù tình trạng an ninh bất ổn đã phần nào được khắc phục, nhưng còn rất nhiều điều đáng để quan ngại về kinh tế-xã hội, nhân đạo. Theo Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), 69% dân số Afghanistan phải chật vật trước tình trạng thiếu các loại nhu yếu phẩm. Tổ chức Save the Children cảnh báo, trong năm 2024, khoảng 6,5 triệu trẻ em Afghanistan sẽ phải đối mặt với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng, do ảnh hưởng của lũ lụt và hạn hán.

Cần tư duy mới giải quyết xung đột và bạo lực

Trong bối cảnh thế giới phức tạp và đầy xung đột, dư luận cho rằng LHQ - tổ chức liên chính phủ lớn nhất và duy nhất trên toàn cầu, đóng vai trò chiến lược trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế phải đóng vai trò đặc biệt trong thời đại đầy biến động hiện nay. Nhưng để thực sự hiệu quả, LHQ cần phải vượt qua các hạn chế từ cơ cấu tổ chức và lợi ích quốc gia của các thành viên thường trực. Hội đồng bảo an LHQ. Chỉ khi các quốc gia thành viên cùng nhau cam kết tuân thủ các nghị quyết và chuẩn mực quốc tế, LHQ mới có thể thực sự trở thành lực lượng lớn nhất trong việc ngăn chặn xung đột và thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.

Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), nhân loại cần có tư duy mới để giải quyết tận gốc xung đột và bạo lực. Trong báo cáo “Phát triển thế giới”, WB cho rằng những dàn xếp hiện nay trong giải quyết xung đột (như tiến hành hoạt động ngoại giao phòng ngừa chiến tranh, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, trợ giúp nhân đạo cho người tị nạn...) là mô hình của thế kỷ 20 đã qua. Theo mô hình này, ngay cả các nước đã đạt được hiệp định hòa bình thông qua thương lượng vẫn phải đối phó với tình trạng bạo lực và tội phạm ở mức độ cao.

Tư duy mới của WB bác bỏ quan điểm lâu nay của các thể chế toàn cầu cho rằng chỉ cần tăng trưởng kinh tế cao là có thể giải quyết được xung đột và bạo lực. Thay vào đó, khả năng tiếp cận việc làm tốt, an ninh và công lý được bảo đảm mới là yếu tố chủ chốt để phá vỡ vòng luẩn quẩn của bạo lực và xung đột. WB đề xuất lộ trình hành động, trong đó nhấn mạnh việc thiết lập thể chế hợp pháp và có năng lực là nhân tố then chốt để ổn định xã hội, sau đó là tăng cường an ninh công dân, công lý và việc làm… để giải quyết vấn đề bạo lực và xung đột.

Sự phức tạp và đa dạng của các nguyên nhân gây xung đột cũng đặt ra đòi hỏi với các quốc gia phải có cách tiếp cận chủ động, toàn diện hơn, lấy an ninh con người làm trung tâm trong an ninh quốc gia. Trong khi các mối đe dọa truyền thống vẫn tồn tại, các yếu tố như tranh chấp tài nguyên, bất bình đẳng kinh tế và biến đổi khí hậu ngày càng trở thành nguồn gốc của bất ổn. Điều này buộc các quốc gia phải mở rộng khái niệm an ninh quốc gia, vượt ra ngoài phạm vi quân sự thuần túy, để bao gồm cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Xu hướng xung đột kéo dài và khó giải quyết cho thấy các nước cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa xung đột và xây dựng lòng tin. Thay vì chỉ tập trung vào việc tăng cường năng lực quân sự, các quốc gia cần chú trọng hơn vào ngoại giao phòng ngừa, thúc đẩy đối thoại và xây dựng các cơ chế quản lý khủng hoảng hiệu quả ở cấp khu vực và toàn cầu.

Cuối cùng là trong xu thế suy giảm hiệu quả của các cơ chế đa phương trong giải quyết xung đột, cộng đồng quốc tế phải có cách tiếp cận mới trong quản trị toàn cầu. Trong khi vẫn duy trì cam kết với chủ nghĩa đa phương, các quốc gia cần tích cực hơn trong việc cải tổ các tổ chức quốc tế hiện có và xây dựng các cơ chế hợp tác linh hoạt để đối phó với các thách thức an ninh mà mình phải đối mặt.

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-gioi-can-hanh-dong-manh-me-de-giai-quyet-cac-diem-nong-xung-dot-post593612.antd