Thế giới chạy đua điều chế vaccine COVID-19

Các nhà khoa học thế giới đang chạy đua với thời gian để điều chế vaccine COVID-19, trong khi tốc độ lây lan dịch không có dấu hiệu chậm lại.

Tại cuộc họp báo mới đây (ngày 28-2), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn có cơ hội ngăn chặn virus COVID-19 nếu chúng ta hành động quyết liệt để phát hiện sớm các ca nhiễm để cách ly, chăm sóc người bệnh, đồng thời truy ra những trường hợp đã tiếp xúc với người nhiễm”.

Virus Corona biến đổi quá nhanh

Ông Adhanom Ghebreyesus tuyên bố hiện có hơn 20 loại vaccine đang được phát triển trên thế giới và một số phương pháp điều trị cũng đã được thử nghiệm lâm sàng. WHO dự kiến công bố những kết quả đầu tiên trong vài tuần tới, theo hãng tin Reuters.

Hồi đầu tháng 2, WHO đưa ra tuyên bố sẽ có lô vaccine đầu tiên trong 18 tháng tới. Tuy nhiên, hiện chưa có quốc gia hay tổ chức nào dám công khai dự đoán thời điểm chính xác sẽ có vaccine, do vẫn còn quá nhiều biến số mà các chuyên gia không thể kiểm soát được.

Theo các nhà khoa học, chủng virus Corona mới biến đổi quá nhanh. TS Chia-Yi Hou, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, cho biết ARN của COVID-19 tồn tại trong một chuỗi, không giống như ADN là chuỗi kép. Việc có một chuỗi duy nhất giúp ARN dễ dàng tách và phối lại vì chỉ cần một kết nối bị phá vỡ. Điều này đồng nghĩa virus có thể đột biến nhanh chóng, khiến cho bất kỳ loại thuốc hoặc vaccine nào ra đời sẽ sớm bị lỗi thời.

Tiếp theo, hầu hết các chuyên gia cho biết thời gian ngắn nhất để phát triển vaccine là khoảng một năm. Theo quy định ở Mỹ, vaccine sẽ phải trải qua đến sáu giai đoạn thử nghiệm trước khi được cấp phép ra thị trường. Đáng lo ngại nhất là vào thời điểm một loại vaccine hiệu quả được phát triển hoàn thiện và đánh giá là an toàn để sử dụng thì dịch bệnh đã được kiểm soát.

Chuyên gia trong một phòng xét nghiệm COVID-19 ở ĐH Columbia (Mỹ) ngày 26-2. Ảnh: CNN

Chuyên gia trong một phòng xét nghiệm COVID-19 ở ĐH Columbia (Mỹ) ngày 26-2. Ảnh: CNN

Chạy đua với thời gian

Theo đài CNN, khi số ca lây nhiễm ở Trung Quốc (TQ) cũng như trên thế giới ngày càng tăng nhanh, cuộc đua điều chế thuốc kháng và vaccine càng trở nên gấp rút hơn. Cụ thể, không kịp điều chế vaccine trước khi virus bắt đầu biến đổi, các nỗ lực từ trước đến nay của giới y khoa sẽ trở thành công cốc.

Hồi tháng 1-2020, các nhà nghiên cứu TQ đã công bố trình tự gen đầy đủ của COVID-19. Đây được xem là chìa khóa bào chế vaccine của hàng loạt công ty lớn, nhỏ.

Theo chuyên gia miễn dịch Annie De Groot, đồng sáng lập công ty dược phẩm EpiVax (Mỹ), mỗi công ty công nghệ sinh học đều có một chiến lược điều chế vaccine cụ thể. Ở EpiVax, vaccine được điều chế dựa trên hoạt chất peptide - những mảnh protein giống với một phần của virus, còn gọi là vaccine tổng hợp. Khi được tiêm vaccine, các tế bào miễn dịch của cơ thể học cách nhận ra các peptide đó và tiêu diệt tất cả vi sinh xâm nhập mang chúng, trong trường hợp này là virus COVID-19. Ưu điểm của loại vaccine này là thời gian phát triển nhanh chóng, có thể tính bằng tuần.

1 năm nữa là thời gian vaccine COVID-19 có khả năng được đưa ra thị trường nếu tất cả giai đoạn đều trơn tru. Theo TSAmesh Adalja,ĐH Johns Hopkins (Mỹ), dù quá trình điều chế đang được đẩy nhanh nhưng giới y khoa vẫn khó có đủ liều lượng cần thiết ở giai đoạn đầu của đợt bùng phát.

Song điểm yếu của loại vaccine này là rất khó sản xuất hàng loạt và không thể trực tiếp ngăn cản sự lây nhiễm. Theo đó, vaccine tổng hợp chỉ củng cố hệ thống miễn dịch, để các triệu chứng và sức khỏe của người bị nhiễm virus không trở nặng. “Loại vaccine này sẽ giúp chúng ta có thời gian tìm ra giải pháp hữu hiệu” - chuyên gia Annie De Groot nói.

Với các nhược điểm cố hữu trên, một số công ty công nghệ sinh học đã bắt đầu chuyển hướng sang điều chế loại vaccine có nguồn gốc ARN hiệu quả hơn nhưng cũng tốn thời gian nghiên cứu hơn. “Cần vài tháng để tiến tới giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và nhiều tháng hơn nữa để phân phối đủ liều lượng đến các bệnh viện” - ông Dan Manichella, Giám đốc công ty công nghệ sinh học CureVac (Đức), cho biết

Được biết vaccine có nguồn gốc ARN là công nghệ mới, chưa được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê duyệt. Song đây có thể là phương pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa COVID-19, theo nhận định của TS Michael Mina, chuyên gia dịch tễ học thuộc ĐH Harvard (Mỹ).

Cụ thể, ARN mang thông tin di truyền giúp cơ thể tạo ra protein. Đối với vaccine, các ARN cung cấp một phần mã di truyền của virus. Sau khi vaccine được tiêm vào cơ thể, tế bào người bắt đầu thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể để vô hiệu hóa, loại bỏ virus trước khi chúng có cơ hội gây bệnh.

“Đây là công nghệ tinh vi, rất khác với các loại vaccine trước đây khi phải nuôi cấy mẫu virus, tiêu diệt và đảm bảo chúng đủ an toàn để tiêm vào cơ thể người. Với mã ARN phù hợp, cơ thể có khả năng tự tạo ra các phân tử phòng thủ và loại bỏ virus. Khó khăn đặt ra là chọn đúng loại mã sử dụng trong vaccine” - TS Mina giải thích.

Giữa mùa dịch COVID-19 vẫn nên tiêm chủng sởi, thủy đậu cho bé

hiện nhiều cha mẹ đang băn khoăn không biết có nên đưa con đi tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm, sởi, thủy đậu, viêm họng, viêm phổi... ở các bệnh viện trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng.

Theo khuyến cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), phụ huynh vẫn nên đưa con đi tiêm vaccine đúng lịch. Việc trì hoãn lịch tiêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được loại trừ, hoặc khiến các bệnh truyền nhiễm, bội nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, viêm họng, viêm phổi... trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn. Ngoài ra, trên thực tế, hầu hết các trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 ở TQ đều là người lớn, chỉ một số rất ít ca nhiễm bệnh là trẻ em và trẻ sơ sinh.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/the-gioi-chay-dua-dieu-che-vaccine-covid19-893390.html