Thế giới có 7,4 triệu ca nhiễm COVID-19 đang cần được điều trị

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Moscow, Nga. - Ảnh: AFP/TTXVN

* EU và 14 nước ký tuyên b chung v phân phi công bng vcxin COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 22/9 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 31,47 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 968.865 ca tử vong.

Hiện đã có hơn 23,09 triệu bệnh nhân phục hồi và còn 7,4 triệu ca bệnh đang cần được điều trị, trong đó tỉ lệ bệnh nhân cần điều trị tích cực chiếm 1%.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, 74.493 ca, tiếp sau đó là Mỹ 25.343 ca, và Brazil 15.454 ca.

Hiện Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 với 7,04 triệu ca nhiễm và 204.467 ca tử vong. Tiếp sau đó là Ấn Độ có 5,56 triệu ca nhiễm với 88.965 ca tử vong và Brazil có 4,56 triệu ca nhiễm và 137.350 ca tử vong.

Tại châu Á, dịch bệnh tiếp tục lây lan tại hai điểm nóng Indonesia và Philippines. Trong 24 giờ qua Indonesia ghi nhận thêm 4.176 ca nhiễm và 124 ca tử vong, Philippines có thêm 3.475 ca nhiễm và 15 ca tử vong.

Ấn Độ thông báo mở cửa trở lại ngôi đền Taj Mahal tại TP Agra nhằm thu hút khách du lịch bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được áp dụng trong khi số du khách đến thăm đền Taj Mahal bị hạn chế ở mức 5.000 lượt người/ngày, chỉ bằng 25% so với thời điểm bình thường. Du khách cũng buộc phải mua vé vào cửa trực tuyến và được đo thân nhiệt khi đến địa điểm này.

Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ chưa có dấu hiệu lắng dịu khi số ca mắc mới và số ca tử vong hằng ngày vẫn ở mức cao, lần lượt là trung bình 100.000 ca và 1.000 ca. Tính đến thời điểm sáng 22/9, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 5.560.105 triệu người mắc bệnh và 88.965 ca tử vong.

Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản ghi nhận diễn biến tích cực của tình hình dịch COVID-19. Sáng 22/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục có thêm 6 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 21/9, giảm một nửa so với ngày trước đó và tất cả các ca nhiễm mới đều là ca nhập cảnh. Đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 85.297 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Trong khi đó, Hàn Quốc ghi nhận 3 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới dưới 100, trong bối cảnh nước này đang khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng dịch do lo ngại nguy cơ lây nhiễm gia tăng vào dịp lễ Trung Thu sắp tới. Dự kiến sẽ có hàng triệu người Hàn Quốc di chuyển trên cả nước trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày này.

Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 22/9 cho biết nước này ghi nhận 61 ca nhiễm mới, bao gồm 51 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày Hàn Quốc có số ca nhiễm mới thấp nhất kể từ ngày 13/8 ghi nhận 56 ca nhiễm mới. Trước đó, ngày 20-21/9 nước này ghi nhận số ca nhiễm mới lần lượt là 82 ca và 70 ca.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, Hàn Quốc vẫn duy trì biện pháp cách xã hội mức 2 tới ngày 27/9, hạn chế các sự kiện tập trung đông người, đóng cửa một số địa điểm tham quan, tăng cường biện pháp an toàn vệ sinh dịch tễ trên các phương tiện công cộng...

Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới đã nhanh chóng tăng nhanh trở lại sau khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế dịch bệnh vào cuối tháng 5, theo đó ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm mới mỗi ngày vào đầu tháng 8. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây. Ngày 21/9 Nhật Bản ghi nhận 312 ca nhiễm mới - mức thấp nhất trong 1 tuần qua. Tuy nhiên, thông tin khả quan này không xoa dịu được lo ngại về nguy cơ lây nhiễm gia tăng trong đợt nghỉ lễ 4 ngày sắp tới khi nhiều người sẽ đi du lịch trong nước.

Tại châu Âu, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều nước tăng cường các biện pháp ứng phó. Giới chức Anh đã nâng cảnh báo dịch bệnh ở nước này từ mức 3 lên mức 4, theo đó xác định lây nhiễm ở mức cao. Trong 24 giờ qua Anh có thêm 4.368 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới gần 400.000 ca. Pháp và Tây Ban Nha ghi nhận số ca nhiễm mới lần lượt 5.298 ca và 2.957 ca.

Ngày 21/9, Tổ chức Y tế Công cộng Quốc gia Hy Lạp công bố thêm 453 ca mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất tại Hy Lạp kể từ khi nước này ghi nhận ca mắc đầu tiên cuối tháng 2 năm nay.

Theo đó, tổng số ca mắc tại quốc gia châu Âu này đã tăng lên 15.595 ca. Số ca tử vong tăng thêm 6 ca lên 344 ca. Trong số ca nhiễm mới có 184 ca là những người di cư sống trong trại tạm mới được dựng tại khu vực Kara Tepe trên đảo Lesbos sau vụ cháy thiêu rụi trại tị nạn lớn nhất châu Âu Moria. Hãng tin AMNA dẫn nguồn chính quyền địa phương cùng ngày 21/9 cho biết đã có 243 người di cư tại trại tạm này dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Phần Lan, ngày 21/9, Viện Y tế và Phúc lợi xã hội nước này công bố số liệu mới nhất cho thấy số ca mắc COVID-19 tăng thêm 66 ca lên tổng số 9.046 ca. Số ca tử vong tăng thêm 2 ca lên 341 ca. Trong khi đó, tổng số ca khỏi bệnh là 7.700 ca, chiếm hơn 85% tổng số ca nhiễm.

Tỉ lệ lây nhiễm tại Phần Lan trong tuần qua ở mức 10,2 ca/100.000 người và hiện tăng lên mức 11,5 ca/100.000 người. Nhằm thực hiện chiến lược vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, cuối tuần qua, chính phủ nước này quyết định dỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại đối với những nước có tỉ lệ lây nhiễm dưới 25 ca/100.000 người.

Nga thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh từng áp dụng với các công dân một số nước. Cụ thể, Chính phủ Nga cho biết đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với người tới từ Hàn Quốc, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đồng thời người dân Nga có thể tới những quốc gia trên.

Ngày 21/9, Nga ghi nhận 6.196 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 18/7, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 1.109.595 ca. Hiện Nga đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19. Nhà chức trách Nga cũng thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 71 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 19.489 ca.

Cộng hòa Kyrgyzstan đã nối lại các chuyến bay thường lệ với Nga. Cụ thể, tuyến bay Bishkek - Moscow - Bishkek sẽ được khai thác mỗi tuần một lần vào thứ 6hằng tuần.

Tại châu Phi, Các trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Phi cho biết trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 1,40 triệu ca mắc, trong đó 33.951 ca tử vong. Các nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch bệnh này là Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Ethiopia và Nigeria.

Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Mexico đã tăng lên hơn 700.000 ca dù giới chức y tế nhận định tốc độ lây nhiễm đang chậm lại trong 2 tháng qua. Cụ thể, Bộ Y tế Mexico ngày 21/9 ghi nhận thêm 2.917 ca mới, nâng tổng số lên 700.580 ca với 73.697 ca không qua khỏi. Thứ trưởng Bộ Y tế Hugo Lopez-Gatell thừa nhận số ca mắc thực tế tại Mexico cao hơn đáng kể so với số liệu thống kê chính thức. Tuy nhiên, ông Lopez-Gatell cho rằng dịch bệnh tại quốc gia Mỹ Latin này có nhiều dấu hiệu chậm lại. Số ca tử vong và số ca mắc mới giảm trong 8 tuần liên tiếp.

* Trong diễn biến khác, ngày 21/9, Liên minh châu Âu (EU) và 14 quốc gia khác đã ra tuyên bố chung kêu gọi phân phối vắcxin ngừa bệnh COVID-19 trên toàn thế giới một cách "đầy đủ và công bằng".

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các quốc gia trong nhóm "Những người bạn của COVAX" ủng hộ mạnh mẽ việc hợp tác trong vấn đề nghiên cứu và sản xuất vắcxin cũng như mục tiêu đảm bảo người dân toàn cầu có thể tiếp cận vắcxin một cách đầy đủ, công bằng và bình đẳng.

"Những người bạn của COVAX" đưa ra tuyên bố trên như một phần trong các nỗ lực quốc tế nhằm thiết lập một nền tảng đa phương hướng tới việc đảm bảo tiếp cận cũng như phân phối vắcxin ngừa COVID-19 một cách an toàn và công bằng. Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia khác tham gia sáng kiến này.

COVAX là một trong những sáng kiến đa phương nhằm đảm bảo việc sẵn có vắcxin cho người dân trên toàn thế giới, bên cạnh Liên minh Toàn cầu về Vắcxin và Tiêm chủng (GAVI) và Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI).

EU và 14 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Úc, Canada, Singapore, Thụy Sĩ đã thành lập một nhóm cố vấn "Những người bạn của COVAX" nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai sáng kiến này như một nền tảng đa phương. Một trong những mục tiêu then chốt của COVAX là phân phối 2 tỉ liều vắcxin ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả vào năm 2021.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/245869/the-gioi-co-7-4-trieu-ca-nhiem-covid-19-dang-can-duoc-dieu-tri.html