Thế giới có hơn 75,9 triệu ca mắc COVID-19

Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Ý - Ảnh: AFP/TTXVN

* COVAX sẽ phân phối vắcxin COVID-19 cho các nước nghèo từ đầu năm 2021

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 19/12 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng hơn 75,9 triệu ca mắc bệnh COVID-19 và 1,68 triệu ca tử vong. Số ca bình phục là hơn 53 triệu.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới, với 17.885.380 ca mắc và 320.828 ca tử vong.

TP New York, nơi từng là tâm dịch, tiếp tục ghi nhận tỉ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gia tăng, trong trung bình 7 ngày đã tăng lên 6,16% so với mức 6% chỉ một ngày trước đó. Thị trưởng Bill de Blasio cho biết trong 24 giờ qua, thành phố ghi nhận thêm 2.805 ca mắc COVID-19. Trước những con số mà ông cho rằng quá cao này, ông kêu gọi người dân New York hành động để thay đổi.

Sau Mỹ là Ấn Độ với 10.004.825 ca mắc COVID-19 và 145.171 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 7.163.912 ca mắc và 185.687 ca tử vong, Nga với 2.791.220 ca mắc và 49.762 ca tử vong, Pháp với 2.442.990 ca mắc và 60.229 ca tử vong.

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh vẫn đang nóng lên từng ngày, dự báo mang đến một Giáng sinh buồn. Tại Ý, ngày 18/12, Thủ tướng Giuseppe Conte công bố các biện pháp siết chặt hơn nữa hoạt động đi lại dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.

Theo sắc lệnh mới, từ ngày 24/12 đến 6/1/2021, Ý sẽ đặt trong tình trạng là “vùng đỏ” vào các ngày lễ và ngày liền kề trước đó. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà vì lý do công việc, vấn đề cấp thiết và sức khỏe; và chỉ được tiếp đón tối đa 2 người không sống chung cùng và trẻ em dưới 14 tuổi. Các quán bar, nhà hàng đóng cửa; các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm, hiệu thuốc, cửa hàng cắt tóc vẫn tiếp tục hoạt động.

Trong các ngày làm việc (28-30/12 và 4/1), Ý sẽ trở thành “vùng cam”, theo đó người dân được phép tự do đi lại trong thành phố nơi cư trú. Các quán bar, nhà hàng đóng cửa, ngoại trừ hoạt động giao hàng tận nhà hoặc mang về. Các cửa hàng sẽ mở cửa đến 21 giờ.

Sắc lệnh mới cũng đưa ra gói hỗ trợ 645 triệu euro cho các nhà hàng, quán bar, đối tượng phải gánh chịu thiệt hại kinh tế trực tiếp do sắc lệnh mới. Cho đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Ý đã lên đến hơn 1,9 triệu ca, trong đó hơn 67.800 ca tử vong.

Quốc gia láng giềng của Ý là Thụy Sĩ cũng đang thắt chặt các quy định phòng dịch, theo đó yêu cầu tất cả các nhà hàng, trung tâm thể thao và giải trí đóng cửa trong một tháng, kể từ ngày 22/12.

Chính phủ Thụy Sĩ khuyến cáo người dân ở nhà để kiềm chế tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng. Số ca mắc COVID-19 ở Thụy Sĩ và nước láng giềng Liechtenstein đã vượt ngưỡng 400.000 ca, trong khi số ca tử vong đã lên hơn 6.000 người, khiến chính phủ quốc gia Trung Âu này buộc phải từ bỏ “đường lối trung dung” để tránh phải áp đặt phong tỏa lần hai làm tê liệt các hoạt động kinh doanh.

Còn tại Thụy Điển, chính phủ nước này đã công bố các biện pháp chống dịch mạnh mẽ nhất từ trước tới này để đẩy lùi làn sóng lây nhiễm thứ hai, theo đó yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi tham gia phương tiện giao thông công cộng và đóng cửa các địa điểm không cần thiết. Thủ tướng Stefan Lofven cho biết các địa điểm không thiết yếu, bao gồm phòng tập, bể bơi hay thư viện, sẽ đóng tới ngày 24/1/2021.

Theo số liệu của giới chức y tế Thụy Điển, trong ngày 18/12, nước này ghi nhận thêm hơn 9.600 ca mắc COVID-19, tăng mạnh so với mức 8.800 ca ghi nhận trước đó một ngày. Số ca tử vong cũng tăng thêm 100 ca, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia Bắc Âu này lên tổng cộng 7.993 ca.

Ở khu vực Nam Mỹ, Argentina đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 31/1/2021. Tổng thống Alberto Fernandez kêu gọi người dân nghiêm túc thực hiện các quy định phòng dịch, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Tính đến thời điểm hiện tại, Argentina có 1,52 triệu ca mắc COVID-19 và 41.500 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 18/12 cho biết chính phủ nước này dự kiến chi khoảng 9 triệu CAD (trên 7 triệu USD) để nghiên cứu phương pháp điều trị COVID-19, trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang nỗ lực thu xếp đưa hàng trăm nghìn liều vắcxin đến Canada trong những tuần tới.

Thông qua Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada, khoản đầu tư trên sẽ được sử dụng để phát triển các phương pháp điều trị chống COVID-19 và các bệnh do virus khác. Số tiền tài trợ sẽ được chuyển cho bốn công ty Canada, hai công ty ở Montreal và hai công ty ở Vancouver.

Canada dự kiến sẽ nhận được 125.000 liều vắcxin của Pfizer-BioNTech mỗi tuần trong tháng 1/2021. Thủ tướng Trudeau cho biết, 168.000 liều vắcxin của Moderna đang chờ Bộ Y tế Canada phê duyệt sẽ được chuyển đến vào cuối tháng.

Moderna cho biết công ty công nghệ sinh học này có thể vận chuyển vắcxin một cách an toàn khi vắcxin được bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 2oC đến 8o C.

Canada đang có kế hoạch chuyển vắcxin của Moderna đến các vùng lãnh thổ, cộng đồng thổ dân xa xôi và để sử dụng trong các nhà dưỡng lão. Bộ Y tế Canada vẫn đang chờ dữ liệu cuối cùng về quy trình sản xuất của Moderna trước khi đưa ra quyết định có cấp phép lưu hành đối với loại vắcxin này hay không.

Trong khi đó, sáng 19/12 (giờ Việt Nam), Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna. Với quyết định này, khoảng 6 triệu vắcxin này sẽ được chuyển đến các địa phương của Mỹ để tiêm chủng cho người dân.

Thông báo quyết định, Giám đốc FDA, ông Stephen Hahn khẳng định: "Với hai loại vắcxin ngừa COVID-19 hiện có (cùng với vắcxin của Pfizer/BioNTech), FDA đã thực hiện một bước quan trọng khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này”.

Trong diễn biến khác, Cơ chế Tiếp cận vắcxin toàn cầu COVAX, một sáng kiến được xây dựng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắcxin phòng bệnh COVID-19, đã tiếp nhận được gần 2 tỉ liều vắcxin, cao gấp đôi so với khả năng cung ứng của chương trình này, với lô hàng đầu tiên dự kiến được phân phối trong quý 1/2021.

Trong thông báo ngày 18/12, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác cho biết sáng kiến này, do Liên minh Toàn cầu về vắcxin (Gavi), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) và WHO khởi xướng, đặt mục tiêu phân phối 1,3 tỉ liều vắcxin đã được phê chuẩn cho 92 nền kinh tế có mức thu nhập thấp và trung bình vào năm 2021.

Toàn bộ 190 nền kinh tế đã đồng ý tham gia chương trình này sẽ tiếp cận được vắcxin trong 6 tháng đầu năm 2021, với lô hàng đầu tiên bắt đầu được phân phối trong quý 1/2021. Điều này phụ thuộc vào việc phê chuẩn và khả năng sẵn sàng phân phối vắcxin của các nước.

Các thỏa thuận mới của COVAX bao gồm thỏa thuận đặt mua trước 170 triệu liều vắcxin của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) và 500 triệu liều của hãng Johnson & Johnson (Mỹ).

Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh thông báo của COVAX, đồng thời khẳng định "ánh sáng cuối đường hầm đang sáng hơn chút ít".

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/250180/the-gioi-co-hon-75-9-trieu-ca-mac-covid-19.html