Thế giới đã ghi nhận gần 4,7 triệu ca tử vong do COVID-19

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 4/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 18/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 228.374.017 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.692.275 ca tử vong.

Đã có 204.939.504 bệnh nhân COVID-19 phục hồi trong khi 18.742.238 bệnh nhân vẫn đang điều trị. Trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận thêm 560.152 ca mắc mới và 8.451 ca tử vong mới. Mỹ chiếm phần lớn trong số này lần lượt với 157.635 ca nhiễm và 1.936 ca tử vong, cho thấy tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến ngày càng phức tạp do biến thể Delta lan mạnh.

Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 42.799.617 ca mắc COVID-19, trong số này có 690.712 ca tử vong, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch.

Ngày 17/9, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu vào tuần tới nhằm tìm cách đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng cho thế giới. Theo thông báo, hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/9, cùng thời điểm diễn ra hội nghị của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki cho biết tại hội nghị, Mỹ sẽ kêu gọi các nước đưa ra "tham vọng lớn hơn" về một loạt chủ đề như nỗ lực tiêm chủng cho thế giới, tăng nguồn cung cấp oxy và các thiết bị bảo hộ y tế.

Đến nay Mỹ đã hỗ trợ cho các nước 140 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 và đặt mục tiêu có thể hỗ trợ khoảng 500 triệu liều trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, giới chuyên gia mong muốn Chính quyền Tổng thống Joe Biden không chỉ đẩy mạnh hỗ trợ vắc xin mà còn thúc đẩy tăng cường sản xuất vắc xin trên toàn cầu.

Trong khi đó tại châu Âu, các chuyên gia y tế Ý tuyên bố nước này đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư sau khi tỉ lệ lây nhiễm giảm mạnh trong 2 tuần qua. Tại cuộc họp báo công bố dữ liệu chính thức mới nhất chiều 17/9, ông Silvio Brusaferro, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Ý (ISS), nhấn mạnh số ca lây nhiễm tại Ý được duy trì ở mức thấp nhờ các chiến dịch tiêm vắc xin.

Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy Chỉ số lây nhiễm (RT) của Ý đã giảm xuống 0,85 trong 14 ngày (25/8-7/9), từ 0,92 của tuần trước đó. Chỉ số RT dưới 1 có nghĩa là tỉ lệ lây nhiễm đang giảm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nino Cartabellotta, người đứng đầu tổ chức y học Gimbe của Ý cảnh báo rằng xu hướng giảm số ca lây nhiễm có thể không kéo dài, đồng thời nói thêm trong bối cảnh mùa thu đến và việc mở cửa trở lại trường học cho 9,4 triệu người, ngoài những trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm dù chỉ một mũi vắc xin, "vẫn có nguy cơ tái bùng phát dịch và gia tăng số ca nhập viện do COVID-19”.

Tại cuộc họp của Ủy ban tư vấn về COVID-19 của Bỉ ngày 17/9, Thủ tướng Alexander De Croo cho biết kể từ ngày 1/10, Bỉ không bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hàng, quán càphê, nhà hàng nhưng vẫn duy trì quy định này trên các phương tiện công cộng, nhà ga, sân bay và các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Ông De Croo đã lên tiếng phản đối những người từ chối tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Theo ông, những người này vừa dễ gây nguy hiểm cho người khác, vừa cản trở việc nới lỏng các hạn chế đang được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Alexander De Croo và các Thủ hiến vùng của Bỉ đã nhất trí trao quyền tự quyết về các biện pháp phòng dịch cho các chính quyền địa phương trên cơ sở có tính đến thái độ của người dân đối với việc tiêm phòng vắc xin.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết số người Pháp được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19 đã vượt mốc 50 triệu. Pháp và nhiều nước châu Âu đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để sớm khống chế dịch và quay trở lại cuộc sống bình thường, thậm chí một số quốc gia ban hành quy định bắt buộc tiêm chủng hoặc bắt buộc xét nghiệm thường xuyên.

Ngày 17/9, Anh đã công bố những biện pháp mới liên quan đến du lịch nước ngoài, nhằm khôi phục hơn nữa cuộc sống theo trạng thái bình thường mới sau quãng thời gian dài phải áp dụng nhiều hạn chế bởi dịch bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết sẽ bỏ hệ thống phân loại danh sách các nước "đỏ, xanh, vàng" theo nguy cơ về dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó sẽ chỉ có hai danh sách đơn giản hơn là những điểm đến có "nguy cơ cao" và "nguy cơ thấp." Việc xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cũng được hủy bỏ với những khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ, giúp họ giảm bớt chi phí đáng kể này.

Ngoài ra, có tám nước được bỏ khỏi danh sách "đỏ" COVID-19 trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay điểm đến du lịch được yêu thích Maldives. Những khách du lịch trở về Anh từ các địa điểm này sẽ không còn phải chịu quy định cách ly. Dự kiến, những điều chỉnh trên sẽ được áp dụng từ ngày 4/10.

Cùng ngày, Vương quốc Anh ghi nhận thêm 32.651 ca mới mắc COVID-19 và thêm 178 ca tử vong. Số liệu này chưa bao gồm thống kê từ Scotland do một lỗi kỹ thuật.

Tại châu Á, ngày 17/9, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới với việc tiêm hơn 20 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19 trong một ngày. Đây là một bước tiến quan trọng cho chương trình chủng ngừa COVID-19 của nước này nhân dịp sinh nhật của Thủ tướng Narendra Modi (17/9/1950).

Theo dữ liệu trên cổng Co-WIN, nền tảng để triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 của Ấn Độ, tính đến 19 giờ (giờ địa phương) ngày 17/9, nước này đã tiêm tổng cộng 22,17 triệu mũi. Con số vẫn đang tiếp tục tăng lên cho đến cuối ngày và rất có thể sẽ đạt mốc 25 triệu mũi.

Hiện Ấn Độ đã tiêm tổng cộng khoảng 787 triệu mũi vắc xin kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1, trong đó có 190 triệu mũi hai. Như vậy, đây là lần thứ 4 Ấn Độ tiêm hơn 10 triệu mũi vắc xin/ngày chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 71 của Thủ tướng Modi, đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền đã yêu cầu các cơ sở của đảng này trên toàn quốc nỗ lực hỗ trợ để đưa một số lượng lớn người đi tiêm.

Cùng ngày, Ấn Độ ghi nhận 34.403 ca mới và 320 ca tử vong trong 24 giờ qua, trong đó riêng bang Kerela chiếm gần 70% số ca nhiễm mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa quyết định tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ hai mũi và dự định sẽ thực hiện kế hoạch này sớm nhất là cuối năm nay.

Quyết định trên được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia của MHLW ngày 17/9 đưa ra kết luận việc tiêm mũi vắc xin tăng cường là cần thiết khi các nghiên cứu nước ngoài cho thấy hiệu quả của các loại vắc xin hiện nay sẽ giảm dần theo thời gian.

Bên cạnh đó, theo nhóm chuyên gia này, một số quốc gia đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người dân. Các quan chức của MHLW cho biết các phiếu tiêm vắc xin sẽ được gửi cho người dân 8 tháng sau khi họ đã được tiêm mũi thứ 2. Nhóm chuyên gia của MHLW sẽ thảo luận ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng nào trước trên cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm ở các nước khác.

Liên quan tới khả năng tiêm kết hợp vắc xin của nhiều nhà sản xuất, MHLW cho biết các mũi 1 và 2 đều phải là vắc xin do một hãng sản xuất, nhưng Bộ này sẽ sửa đổi quy định để cho phép người dân được tiêm mũi vắc xin tăng cường do hãng khác sản xuất trong một số tình huống nhất định.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng của Nhật Bản chủ yếu sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của hai hãng Pfizer Inc. và Moderna Inc. Tuy nhiên, ngày 23/8, MHLW bắt đầu cho phép sử dụng vắc xin của hãng AstraZeneca Plc để tiêm cho những người từ 40 tuổi trở lên.

Ngoài các đối tượng này, vắc xin của AstraZeneca còn được sử dụng cho một số trường hợp ngoại lệ như những người dưới 40 tuổi nhưng bị dị ứng với các thành phần của các vắc xin của Pfizer và Moderna, hay những người đã được tiêm mũi thứ 1 bằng vắc xin của AstraZeneca ở nước ngoài. Một nhóm nghiên cứu của MHLW đang giám sát các phản ứng phụ của vắc xin của AstraZeneca.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/264153/the-gioi-da-ghi-nhan-gan-4-7-trieu-ca-tu-vong-do-covid-19.html