Thế giới đang thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững như thế nào?

Bất chấp những gián đoạn toàn cầu lớn vào những năm 2020, thế giới vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu chung, mặc dù quá chậm, hướng tới các chuẩn mực thành công chung.

Tình trạng nghèo đói vẫn đe dọa thế giới trong những năm gần đây. Ảnh: THX/TTXVN

Tình trạng nghèo đói vẫn đe dọa thế giới trong những năm gần đây. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh có quá nhiều xung đột và căng thẳng xã hội, Liên hợp quốc (LHQ) thường xuyên cảnh báo rằng chỉ có 17% Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đang trên đà hoàn thành vào năm 2030. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu những mục tiêu này còn mang lại ý nghĩa gì. Tuy nhiên, thay vì rơi vào sự bi quan, cần xem xét nơi nào trên thế giới đang tiến bộ vững chắc và nơi nào đang thụt lùi.

Gần đây, các chuyên gia đang làm việc tại Trung tâm Phát triển bền vững thuộc Viện Brookings đã thực hiện đề tài nghiên cứu về tiến độ thực hiện SDG trên toàn thế giới. Một trong những phát hiện hàng đầu của nhóm chuyên gia là "mọi chuyện vẫn diễn ra như bình thường" mô tả chính xác nhiều xu hướng kể từ năm 2015. SDG không chỉ được thiết lập để duy trì các mô hình tiến bộ dài hạn hướng tới các xã hội thịnh vượng, toàn diện và bền vững hơn, mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình đó diễn ra một cách nhanh chóng hơn.

Ngay cả khi tốc độ tiến triển không đủ để đạt được những gì 193 quốc gia đã cam kết thực hiện, điều này không có nghĩa là mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn. Nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Bền vững đã xem xét 24 chỉ số cấp quốc gia liên quan đến SDG và bắt đầu bằng một câu hỏi cơ bản: Mọi thứ đã được cải thiện kể từ năm 2015 chưa?

Nhóm chuyên gia đã tìm thấy những cải thiện trên phạm vi toàn cầu đối với 18 chỉ số, từ việc mở rộng các khu bảo tồn biển đến việc nâng cao khả năng tiếp cận nước và đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, những thành tựu này không thể che mờ được những yếu kém trong 6 chỉ số còn lại, đặc biệt là trong việc giải quyết nạn đói và an ninh lương thực, chưa kể đến hậu quả khủng khiếp về sức khỏe và giáo dục của đại dịch COVID-19. Nhưng chúng cho thấy lý do tại sao chúng ta cần xác định tiến trình hướng tới các SDG một cách có hệ thống hơn.

Khi nhóm chuyên gia điều tra xu hướng nào đã thay đổi kể từ thỏa thuận SDG năm 2015, kết quả thu được không thực sự rõ ràng. Sự thay đổi đáng kể nhất có thể tính đến là tỷ lệ nhiễm HIV, phạm vi sử dụng thuốc kháng virus để điều trị bệnh AIDS và khả năng tiếp cận điện. Dữ liệu về điều trị bệnh AIDS cho thấy những đột phá phi thường ở các quốc gia thu nhập thấp có cơ sở hạ tầng hạn chế, chẳng hạn như Sierra Leone và Cộng hòa Dân chủ Congo. Đối với một vấn đề toàn cầu vốn không có bất kỳ chính sách có hệ thống nào vào đầu những năm 2000, thì đây là sự tiến bộ đáng kể đối với nhân loại.

Tuy nhiên, đối với 8 chỉ số, nhóm chuyên gia không thấy có sự thay đổi nào về tốc độ tiến triển dài hạn, trong khi 9 chỉ số khác thậm chí còn chậm lại (đối với 4 chỉ số, không có đủ dữ liệu trước năm 2015 để đánh giá những thay đổi dài hạn). Điểm mấu chốt là không thể đưa ra một đánh giá tổng thể nào về tiến trình thực hiện SDG. Hầu hết các quốc gia đang làm tốt hơn trong một số lĩnh vực và tệ hơn về những vấn đề khác, điều này cho thấy thế giới cần một bảng điểm cân bằng hơn để phân loại thành công và thất bại.

Hơn nữa, sự chậm lại không phải lúc nào cũng gây bất ngờ. Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gia tăng rõ ràng trong ngắn hạn về số lượng người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, nhưng hầu hết tác động đó hiện đã phai nhạt. Bất chấp tất cả những cú sốc toàn cầu lớn trong vài năm qua, người ta thấy rằng cùng một thách thức cốt lõi vẫn tồn tại: Cảnh nghèo đói cùng cực vẫn tập trung ở những quốc gia vốn đã phải vật lộn để giảm bớt tình trạng này.

Trong khi đó, trên một số chỉ số, tỷ lệ tiến bộ không phản ánh đúng những gì đang diễn ra. Ví dụ, đối với môi trường, những thay đổi hàng năm ở các khu vực được bảo vệ hoặc lượng khí thải nhà kính không nói lên nhiều điều về nguy cơ xảy ra thảm họa. Mặc dù không thể dự đoán chính xác các điểm tới hạn, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều ranh giới đã bị vượt qua. Thế giới đang đi chệch hướng rất xa so với mục tiêu giữ tốc độ ấm lên trên toàn cầu trong phạm vi 1,5°C (so với mức trước thời kỳ công nghiệp) hoặc bảo tồn thiên nhiên một cách đầy đủ...

Các vấn đề riêng lẻ khác liên quan đến SDG có thể dẫn đến các câu chuyện tranh cãi. Hãy xem xét thách thức về tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Từ năm 2015-2022, số ca tử vong hàng năm ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn một triệu, từ 6,1 triệu xuống còn 4,9 triệu nhờ vào nhiều giải pháp khác nhau. Hai mươi quốc gia đang phát triển ghi nhận sự cải thiện nhanh hơn, trong khi hơn 40 quốc gia có mức tăng chậm hơn. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, 60 quốc gia sẽ không đạt được mục tiêu SDG về tỷ lệ tử vong ở trẻ em là không quá 25 ca tử vong trên 1.000 ca sinh, dẫn đến hệ quả là khoảng mười triệu trẻ em sẽ không thể cất tiếng khóc chào đời vào năm 2030.

Nhìn chung, những đột phá trong công nghệ, từ các biện pháp can thiệp y tế tiên phong đến mạng lưới an toàn tiền mặt kỹ thuật số tiếp cận mọi người ngay cả trong những môi trường khắc nghiệt nhất thế giới, tiếp tục thúc đẩy các hình thức tiến bộ mới. Khi các thể chế, tài chính và hệ thống quản trị minh bạch thống nhất, tiến trình vẫn có thể diễn ra nhanh chóng.

Bất chấp những gián đoạn toàn cầu lớn vào những năm 2020, thế giới vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu chung, mặc dù quá chậm, hướng tới các chuẩn mực thành công chung.

Huy Tiến (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/the-gioi-dang-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-nhu-the-nao/350691.html