Thế giới ghi nhận 178,6 triệu ca mắc, 3,86 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kế worldometers.info, tính đến 21h ngày 19/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 178.678.871 ca bệnh COVID-19, trong đó có 3.868.661 ca tử vong. Hiện hơn 163,2 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 11,6 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 4/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 4/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 616.920 ca tử vong trong tổng số hơn 34,39 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 385.167 ca tử vong trong số hơn 29,82 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 498.621 ca tử vong trong số hơn 17,8 triệu bệnh nhân.

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á khi nhiều nước ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Bộ Y tế Indonesia thông báo có thêm 12.906 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 1.976.172 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 248 ca lên 54.291 ca.

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này có thêm 5.911 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 691.115 ca. Trong 24 giờ qua, Malaysia cũng ghi nhận thêm 72 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 lên 4.348 ca. Đáng chú ý, số ca tử vong có xu hướng gia tăng mạnh. Trong tháng 5, đã có 1.289 ca tử vong vì mắc COVID-19 và từ đầu tháng 6 tới nay, số ca tử vong đã tăng thêm 1.552 ca.

Philippines cũng ghi nhận thêm 6.959 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.353.220 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 23.538 người sau khi có thêm 153 bệnh nhân không qua khỏi.

Cũng trong ngày 19/6, Thái Lan thông báo có thêm 3.667 ca mắc cùng 32 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm lên 214.449 ca, trong đó có 1.609 ca tử vong. Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương có số lượng các ca mắc mới cao nhất với 1.218 ca. Kể từ ngày 1/7 tới, người dân Thái Lan trở về từ nước ngoài bằng đường hàng không và đường biển sẽ phải tự chi trả chi phí cách ly 14 ngày tại các cơ sở cách ly thay thế của tư nhân, ngoại trừ công chức đi làm nhiệm vụ và những người thuộc diện “dễ bị tổn thương”.

Tại Campuchia, Thủ tướng nước này Hun Sen thông báo tự cách ly 14 ngày do đã có tiếp xúc không trực tiếp với bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, ông khẳng định mặc dù một số cuộc gặp bị hủy song ông vẫn có thể làm việc từ xa với tất cả các bên qua hội đàm trực tuyến. Trong ngày 19/6, Campuchia phát hiện 471 ca mắc mới, trong đó có 426 trường hợp lây nhiễm cộng đồng và 45 ca nhập cảnh. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 20 người, mức cao nhất kể từ ngày 12/6 vừa qua. Cho đến nay, Campuchia đã ghi nhận 42.052 ca mắc COVID-19 và 414 ca tử vong. Nước này cũng phát hiện 7 ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Delta, vốn xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Đây là các ca nhập cảnh từ Thái Lan.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Vientiane, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Vientiane, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Lào cùng ngày cho biết đã ghi nhận 3 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đến nay là 2.050 trường hợp. Lào đã quyết định gia hạn chỉ thị số 15/TTg ra ngày 21/4 của Thủ tướng nước này, tiếp tục kéo dài thời hạn phong tỏa đến ngày 4/7 để ngăn làn sóng COVID-19 vốn đang có nhiều diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành.

Tại Đông Bắc Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận 30 ca mắc mới, tăng 23 ca so với 1 ngày trước đó. Trong số các ca mắc mới có 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Quảng Đông. Trong ngày 19/6, sân bay ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đã phải hủy gần 400 chuyến bay và thắt chặt kiểm soát nhập cảnh sau khi một nhân viên nhà hàng có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Delta.

Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận 128 ca mắc mới, trong đó có 127 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong cũng tăng thêm 20 ca. Hiện Đài Loan đã ghi nhận 13.896 ca mắc, trong đó có 538 ca tử vong. Giới chức Mỹ cho biết nước này đã gửi 2,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới Đài Loan trong cùng ngày, gấp hơn 3 lần số vaccine mà Washington dự kiến gửi tới Đài Loan.

Hàn Quốc ngày 19/6 thông báo có thêm 482 ca mắc, nâng tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lên 150.720 ca. Số ca tử vong tăng thêm 1 ca lên 1.997 ca. Phần lớn số ca nhiễm mới tập trung ở thủ đô Seoul, khu vực xung quanh tỉnh Gyeonggi cũng như các ca nhập cảnh. Nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng, nhiều công ty và tổ chức khác nhau, từ khách sạn, rạp chiếu phim đến chính quyền địa phương đang giảm giá và có nhiều chương trình khuyến mại dành cho những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Tính đến ngày 18/6, đã có hơn 14,23 triệu người dân Hàn Quốc đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng COVID-19, chiếm khoảng 27,7% trong số 51,3 triệu dân số nước này.

Tại Nam Á, Ấn Độ cùng ngày ghi nhận 60.753 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 29.823.546 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca mắc mới dưới mốc 70.000 ca và là ngày thứ 12 liên tiếp dưới ngưỡng 100.000 ca. Số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Ấn Độ tăng 1.647 ca lên 385.137 ca. Cũng trong 24 giờ qua, 28.678.390 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện. Như vậy, Ấn Độ hiện có 760.019 bệnh nhân COVID-19, mức thấp nhất trong 74 ngày qua.

Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 tại Nga đang diễn biến hết sức phức tạp khi nước này ngày 19/6 ghi nhận thêm 17.906 ca mắc mới, trong đó riêng thủ đô Moskva có tới hơn 9.000 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại thủ đô của Nga tăng cao kỷ lục. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã lên tới 5.299.215 ca. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 466 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 128.911 ca.

Trong bối cảnh dịch bệnh chuyển biến tích cực, kể từ ngày 21/6, cả nước Italy, trừ khu vực Val d'Aosta, sẽ được xác định là vùng có nguy cơ thấp (vùng trắng) về COVID-19. Giám đốc phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế Italy, ông Gianni Rezza nhấn mạnh dịch COVID-19 có diễn biến tích cực tại nước này là nhờ việc thực hiện các biện pháp thận trọng song song với chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ rằng "dịch bệnh vẫn chưa kết thúc và chúng ta phải tiếp tục chiến dịch tiêm chủng với tốc độ tối đa".

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Munich, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Munich, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 18/6 đã hối thúc các nước cần cẩn trọng trong việc cho phép cổ động viên bóng đá vào sân xem các trận trong khuôn khổ EURO 2020 trong khi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Theo bà Merkel, tỷ lệ người đã hoàn thành việc tiêm chủng tại các nước châu Âu vẫn ở mức thấp, do vậy việc đảm bảo an toàn phòng dịch vẫn là cần thiết, đặc biệt tại các sự kiện lớn như EURO 2020.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho hay nước này sẽ nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch từ tuần tới khi số ca mắc mới COVID-19 giảm. Theo đó, hầu hết những hạn chế về số người tại các nhà hàng, quán bar và cửa hàng sẽ được dỡ bỏ từ ngày 26/6, song người dân phải duy trì khoảng cách ít nhất là 1,5 m để đảm bảo phòng dịch, hoặc có thể trình giấy chứng nhận tiêm vaccine hay kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Ông nêu rõ người dân vẫn phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và sân bay.

Tại châu Mỹ, chính quyền tỉnh Alberta của Canada thông báo từ ngày 1/7 tới sẽ trở thành tỉnh đầu tiên ở "xứ sở lá phong" dỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế về y tế công cộng liên quan đến đại dịch COVID-19. Chính quyền Alberta đã đưa ra kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng trước, cam kết bãi bỏ các hạn chế trong vòng hai tuần sau khi 70% số người đủ điều kiện ở Alberta đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19. Thủ hiến Jason Kenney cho biết Alberta đã vượt qua ngưỡng quan trọng này vào ngày 17/6.

Phương Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-ghi-nhan-1786-trieu-ca-mac-386-trieu-ca-tu-vong-do-covid19-20210619212054629.htm