Thế giới ghi nhận gần 6 triệu người tử vong vì đại dịch COVID-19

Nhân viên y tế chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại khu cách ly ở trung tâm y tế Kaplan, TP Rehovot, Israel, ngày 26/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 sáng 26/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 433.521.915 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.956.512 ca tử vong.

Hơn 362,96 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 64,6 triệu bệnh nhân chưa khỏi.

Thái Lan ghi nhận 24.932 ca mắc mới, mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên hơn 2,81 triệu ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tăng lên các mốc cao mới. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng thêm 41 ca, cao nhất trong 2 tháng, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại đây lên là 22.809 ca. Hiện 71,3% trong tổng dân số 70 triệu người của Thái Lan đã được tiêm các mũi cơ bản, trong đó 28,5% đã được tiêm mũi tăng cường.

Trong ngày 25/2, đặc khu hành chính này của Trung Quốc đã ghi nhận 10.010 ca mắc COVID-19 mới. Đây là lần đầu tiên thành phố này thông báo số ca mắc bệnh mới ở mức 5 con số. Giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong Trương Trúc Quân cho biết dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, việc kiểm soát được dịch bệnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở cách ly, người dân có hạn chế các cuộc tiếp xúc bên ngoài, các công ty có bố trí cho nhân viên làm việc ở nhà… hay không. Hiện nay, lưu lượng người ngoài đường vẫn chưa giảm nhiều, điều này cũng khiến số ca mắc mới tiếp tục tăng lên.

Trung Quốc Đại lục ngày 25/2 ghi nhận 142 ca mắc COVID-19 có triệu chứng là trường hợp nhập cảnh, mức cao nhất trong gần 2 năm qua, trong đó hầu hết đến từ Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, vùng lãnh thổ đang vất vả ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới.

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) cho biết hơn 100 ca đến từ Hong Kong, trong đó có 47 ca được phát hiện tại thành phố Thâm Quyến (miền Nam) và 51 ca ở Thượng Hải (miền Đông). Thủ đô Bắc kinh cũng ghi nhận 7 ca đến từ Hong Kong. Cũng trong ngày 25/2, Trung Quốc Đại lục ghi nhận 87 ca nhiễm nhập cảnh không triệu chứng và 82 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Không có ca tử vong mới.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 25/2 đã chấm dứt tất cả các biện pháp phòng chống COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm tại thành phố này tiếp tục giảm. Thông báo của Thủ hiến Arvind Kejriwal cho biết lệnh giới nghiêm ban đêm ở thành phố này sẽ được dỡ bỏ từ ngày 28/2 tới. Chính phủ cũng thông báo mức phạt tiền do không đeo khẩu trang sẽ giảm từ 1.000 rupee xuống còn 500 rupee (gần 7 USD). Học sinh sẽ đi học trực tiếp đầy đủ từ ngày 1/4 khi năm học mới bắt đầu, trong khi các nhà hàng và quán bar sẽ được hoạt động với 100% công suất.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Kejriwal đồng thời lưu ý tất cả người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 và chính quyền thành phố sẽ theo dõi sát sao tình hình. Quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp của Cơ quan xử lý thảm họa Delhi (DDMA) trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại New Delhi tiếp tục cải thiện trong khi người dân vẫn gặp nhiều khó khăn do mất việc làm.

Trong 24 giờ qua (tính đến 0 giờ ngày 25/2), Malaysia đã ghi nhận 32.070 ca mắc mới COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên 3.337.227 ca.

Dữ liệu được công bố trên trang web của Bộ Y tế Malaysia cho thấy trong số ca mắc mới này có 31.861 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong trong một ngày qua là 46 ca, nâng số người tử vong lên 32.534 người. Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin ngày 25/2 cho biết từ ngày 1/3, những người trưởng thành tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19, đã tiêm mũi tăng cường và không có triệu chứng vào ngày đầu tiên sẽ không cách ly.

Thủ đô Phnom Penh của Campuchia đang phải đối mặt với đợt lây nhiễm COVID-19 mới, đặc biệt là những ca nhiễm biến thể Omicron. Các cơ quan chức năng ở thủ đô đã nỗ lực kiềm chế số ca mắc ở trẻ em đang liên tục được ghi nhận và hơn 10 trường học trên địa bàn đã phải đóng cửa. Đến nay, đã có hơn 500 học sinh tại thủ đô bị nhiễm COVID-19. Nhiều chuyên gia khuyến cáo các nhà trường nên đẩy mạnh các nhóm học trực tuyến cho tới khi kiềm chế được đợt lây nhiễm mới có tốc độ lan rất nhanh này.

New Zealand thông báo ghi nhận thêm 13.606 ca mắc mới trong cộng đồng. Bên cạnh đó, có 6 ca phát hiện tại biên giới. Hiện có 263 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện ở nước này, trong đó có 5 ca cần chăm sóc tích cực (ICU).

Bộ Y tế kêu gọi tất cả người dân New Zealand đi tiêm mũi tăng cường sớm nhất có thể để giảm nguy cơ bị bệnh nặng và nhập viện. Từ khi dịch bùng phát đến nay, New Zealand ghi nhận tổng cộng 70.652 ca mắc. Nước này đang áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất đề ngăn chặn làn sóng dịch bệnh, trong đó người dân được yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở nhiều địa điểm trong nhà và giới hạn tụ tập dưới 100 người.

Thủ đô Moscow của Liên bang Nga đã bãi bỏ một số biện pháp hạn chế được áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Từ ngày 28/2, thủ đô Moscow sẽ bãi bỏ việc chặn thẻ đi lại của tất cả những cư dân trên 60 tuổi và người mắc bệnh mãn tính. Ngoài ra, yêu cầu chuyển 30% nhân viên sang chế độ làm việc từ xa cũng được chuyển từ mức “bắt buộc” thành “khuyến cáo”.

Hiện số ca nhiễm biến thể Omicron ở Moscow đã giảm mạnh hơn 3 lần so mới mức đỉnh ghi nhận hồi cuối tháng 1 vừa qua. Số ca nhập viện cũng giảm một nửa, trong đó trẻ em giảm tới 80%. Các bệnh viện và phòng khám đa khoa ở Moscow đã trở lại hoạt động như lúc bình thường và tăng cường tiếp nhận bệnh nhân theo lịch.

Tại Đức, Bộ Y tế lo ngại số ca mắc COVID-19 trên thực tế cao hơn nhiều so với báo cáo, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác. Theo bộ này, dù đỉnh dịch của làn sóng mới đã qua đi nhưng vẫn chưa đủ an toàn do số ca mắc mới vẫn cao nên người dân cần cảnh giác.

Ngày 25/2, nước này ghi nhận 210.743 ca mắc mới, thấp hơn khoảng 9.300 ca so với một tuần trước đó. Hiện tỉ lệ mắc trong 7 ngày cũng tiếp tục giảm, xuống còn 1.259,5 ca/100.000 người. Tuy nhiên, giới chức y tế lo ngại biến thể phụ của Omicron là BA.2 vẫn đang lây lan, hiện gây ra khoảng 16-17% số ca, và có thể lên đến 25% tại các thành phố lớn.

Tại châu Mỹ, Cuba đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp không có ca tử vong, giữ tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này ở mức 8.494. Nước này cũng ghi nhận thêm 626 ca mắc mới trong 2 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên là 1.068.148 ca. Hiện Cuba còn 2.586 ca chưa khỏi và con số này vẫn đang tiếp tục giảm.

Đến nay, 9,8 triệu trong tổng số 11,2 triệu dân nước này đã được tiêm phòng đủ các mũi cơ bản, trong đó có 5,9 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường, sử dụng các vắc xin nội địa Abdala, Soberana-02 và Soberana Plus.

Người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada, Tiến sĩ Theresa Tam trong một phát biểu ngày 25/2 đã khuyến nghị chính quyền các cấp ở quốc gia Bắc Mỹ này cần chuẩn bị sẵn sàng áp dụng trở lại các biện pháp y tế cộng đồng, nếu một biến thể nghiêm trọng khác của virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, một số tỉnh của Canada đã công bố kế hoạch chấm dứt các biện pháp hạn chế được áp dụng trong đại dịch COVID-19, báo hiệu sự trở lại của cuộc sống bình thường khi làn sóng Omicron đang lắng xuống. Thủ hiến tỉnh Alberta, ông Jason Kenney hồi đầu tháng 2 thông báo kể từ ngày 1/3 sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế còn lại, bao gồm các giới hạn về tụ tập và quy định đeo khẩu trang ở không gian trong nhà.

Tiến sĩ Theresa Tam bày tỏ hy vọng Canada đã vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch và hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp, hướng tới sự phục hồi. Những dữ liệu mới nhất cho thấy tình hình dịch COVID-19 tại Canada đang có chiều hướng cải thiện. Trong khoảng thời gian từ ngày 18-24/2, số ca nhiễm mới/ngày trung bình ở mức 5.902 ca tính trên quy mô toàn Canada, giảm 24% so với tuần trước đó.

Số ca phải nhập viện điều trị cũng giảm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Tam cho rằng tình hình có thể thay đổi vào tháng 9 tới, khi virus gây bệnh đường hô hấp thường bùng phát trở lại. Tiến sĩ Tam nhấn mạnh: "Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho mùa Thu tới, trong trường hợp cần tiếp tục trận chiến của mình”.

Mặc dù việc đeo khẩu trang sẽ sớm không còn là quy định bắt buộc ở nhiều vùng của Canada, Tiến sĩ Tam cho biết đây vẫn là lớp bảo vệ cơ bản và kêu gọi người dân Canada tiếp tục đeo khẩu trang.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271337/the-gioi-ghi-nhan-gan-6-trieu-nguoi-tu-vong-vi-dai-dich-covid-19.html