Thế giới kỳ vọng vào chương mới của 'hợp tác đa phương' dưới thời tân Tổng thống Biden
Các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng loạt gửi lời chức mừng tới tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng thời không quên nhấn mạnh những vấn đề cấp bách nhất của thế giới từ đại dịch Covid-19 đến biến đổi khí hậu.
Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ được kỳ vọng sẽ “hàn gắn được những liên minh đã rạn nứt”, cũng như thúc đẩy hợp tác đa phương để đưa thế giới vượt qua những thách thức của thời đại. Theo cựu Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, người từng đạt giải Nobel Hòa bình, ông Joe Biden hiểu “giá trị và tầm quan trọng” của chủ nghĩa đa phương, cũng như sự hợp tác giữa các quốc gia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lưu ý tính cấp bách của việc giải quyết những nguy cơ mà thế giới đang phải đối mặt, trong đó có biến đổi khí hậu. Trên Twitter cá nhân, Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, với tân Tổng thống Joe Biden, thế giới sẽ mạnh mẽ hơn để đối mặt với những thách thức của thời đại, để xây dựng tương lai chung, cũng như để bảo vệ hành tinh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Joe Biden cùng Phó Tổng thống Kamala Harris trong ngày nhậm chức. Nhà lãnh đạo Đức mô tả việc ông Biden nhậm chức như một “lễ hội của nền dân chủ Mỹ” và kỳ vọng vào một chương mới trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson một lần nữa khẳng định mong muốn làm việc với chính quyền mới của Mỹ để tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
“Tôi mong muốn được làm việc với ông Joe Biden và với chính quyền mới của ông ấy, tăng cường quan hệ đối tác giữa các quốc gia của chúng ta và thực hiện các ưu tiên chung của chúng ta: từ giải quyết biến đổi khí hậu, xây dựng trở lại tốt hơn từ đại dịch và củng cố an ninh xuyên Đại Tây Dương của chúng ta”, Thủ tướng Anh cho biết.
Không chỉ Pháp hay Anh, những đồng minh thân cận khác tại châu Âu cũng nhìn thấy cơ hội khép lại một giai đoạn lạnh nhạt trong các mối quan hệ an ninh và kinh tế với Mỹ. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, “bình minh” mới của nước Mỹ cũng là khoảnh khắc mà Liên minh châu Âu đã chờ đợi tự lâu. Bà đồng thời ca ngợi chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, một lần nữa sau 4 năm dài, châu Âu có một người bạn trong Nhà trắng.
Ở thị trấn nhỏ Ballina, Ireland, quê hương của tổ tiên ông Joe Biden, một bức tranh tường lớn hình ông Biden nhìn ra quảng trường thị trần, trong khi vô số những bức ảnh ông cười rạng rỡ được treo đầy kiêu hãnh trên các cửa sổ, kèm theo khẩu hiệu: “Người của chúng tôi ở Nhà Trắng” (Our man in the White House).
Thủ tướng Ireland Micheal Martin cũng là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gửi lừi chúc mừng tới tân Tổng thống Mỹ. Theo Nhà lãnh đạo này, khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ cũng cảm nhận được sức nặng của lịch sử, sự hiện diện của tổ tiên người Ireland, những người đã buộc phải rời xa quê nhà trong thời kỳ đói kém để tìm kiếm sự sống và hi vọng.
Tổng thống Mexico Manuel Lopez Obrador thì bày tỏ nhất trí với những ưu tiên chính sách của tân Tổng thống Mỹ về đại dịch Covid-19, tái kích hoạt nền kinh tế và di cư, đồng thời kêu gọi định hướng lại mối quan hệ song phương hướng tới sự phát triển.
“Chúng tôi nhất trí với ba chủ đề ưu tiên rất quan trọng mà ông Giâu Bai-đừn đã nhấn mạnh tới, đó là đại dịch Covid-19, kích hoạt lại nền kinh tế và di cư. Chúng tôi cũng đề xuất rằng, những người đồng hương của chúng toi đã làm việc trong nhiều năm tại Mỹ nên được hợp thức hóa, đóng góp vào sự phát triển của nước Mỹ”, Tổng thống Obrador nhấn mạnh.
Nếu như các đồng minh của Mỹ cho thấy sự lạc quan, thì những nước khác cho thấy sự hoài nghi. Chính phủ Nga hôm qua cho rằng, sự cải thiện trong mối quan hệ Nga-Mỹ phụ thuộc vào thiện chí chính trị của tân Tổng thống Joe Biden. Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov, Nga hi vọng sẽ có một cuộc làm việc xây dưng hơn với chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (New Start) dự kiến hết hạn vào ngày 5/2 tới. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay kêu gọi chính quyền mới của Mỹ cùng đưa quan hệ song phương trở lại con đường phát triển lành mạnh và ổn định.
Chính phủ Iran thì cho rằng “quả bóng hiện đang nằm trong tay của tân Tổng thống Mỹ” để có thể đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trong khi đó các nhà lãnh đạo Venezuela và Cuba đều tỏ ý sẵn sàng nối lại đối thoại với Mỹ, nếu chủ quyền quốc gia được tôn trọng./.